Dạy con về giá trị vẻ bề ngoài

GD&TĐ - Ngày nay, vẻ ngoài đóng vai trò quan trọng không kém giá trị phẩm chất, đạo đức bên trong. Tuy nhiên, để trẻ biết cách ăn mặc phù hợp với độ tuổi và hiểu đúng giá trị của cái đẹp là điều cha mẹ cần quan tâm.

Ảnh minh hoạ.
Ảnh minh hoạ.

Cách ăn mặc – bài học cần thiết cho trẻ

Nêu quan điểm về vấn đề này, nữ ca sĩ Hiền Thục đã chia sẻ trên trang cá nhân về việc dạy con gái ăn mặc kín đáo rằng: “Con đừng mặc bộ đồ xuề xoà, suit ở nhà cũng phải cho ra dáng. Hãy kín đáo vì nhà mình có anh lớn, khi vào phòng đóng cửa mới thảnh thơi...”. Dòng chia sẻ của Hiền Thục được rất nhiều người tán thành.

Chị Đinh Thị Thu Hằng, một nghiên cứu sinh giáo dục mầm non ở Nhật Bản chia sẻ, chị có một cô con gái 4 tuổi rưỡi, đã bắt đầu thể hiện cá tính thông qua cách ăn mặc. Chị thường thấy các bé gái dưới 6 tuổi vẫn mặc váy ngồi dạng cả hai chân ra một cách rất vô thức. Một đứa trẻ chưa ý thức trong tác phong, hành động, thiếu cẩn thận trọng hoạt động để giữ gìn sự kín đáo, thậm chí là không có nếu chúng ta không dạy trẻ.

Là một chuyên gia giáo dục mầm non, chị Hằng cho biết, trong chương trình giáo dục mầm non ở Việt Nam có một bài học dạy trẻ về trang phục, đó là dạy trẻ lựa chọn trang phục phù hợp với mùa, thời tiết, biết ý nghĩa các loại trang phục đó.

Ở Nhật, các bé gái được học bài học đầu tiên là học cách tránh các hành vi quấy rối ở trường trong đó có một nội dung về trang phục, không được ăn mặc quá ngắn và hở hang. Các bé gái được khuyến khích mặc quần hay mặc váy kèm quần chíp dạng đùi để khi vận động hạn chế sự hở hang ở vùng riêng tư.

"Phong cách ăn mặc của một đứa trẻ bị ảnh hưởng rất nhiều từ việc định hình cách ăn mặc của bố mẹ, từ quần áo bố mẹ mua, cách bố mẹ phối hợp áo quần. Bởi bản thân trẻ không thể tự quyết định được vấn đề ăn mặc khi còn quá nhỏ và cũng không đủ năng lực để hiểu ý nghĩa của các loại trang phục nếu không được chỉ dạy.

Những trẻ mới lớn thích ăn mặc gợi cảm và được phép ăn mặc như thế là vì bố mẹ của chúng đã chấp nhận, đã cho phép làm như thế. Những đứa trẻ không thể ăn mặc không phù hợp khi bố mẹ không mua những loại quần áo gợi cảm như vậy" - Chuyên gia GD mầm non Đinh Thu Hằng cho biết.

Bố mẹ phải là người định hướng để trẻ biết rằng trang phục nào phù hợp, trang phục nào không. Nhiệm vụ của bố mẹ là dạy cho trẻ biết tôn trọng bản thân và bày tỏ nhu cầu được tôn trọng từ người khác qua cách ăn mặc. Sự trầm trồ, khen ngợi, tán đồng khiến trẻ nghĩ rằng mình hợp với những loại trang phục đó. Sẽ rất nguy hiểm nếu các bé gái nghĩ rằng mình chỉ đẹp khi ăn mặc gợi cảm mà bỏ qua những giá trị về tâm hồn, phẩm chất và sẽ dễ dàng đánh mất đi sự tự tôn.

Trẻ cần được giáo dục sớm về thẩm mỹ và chuẩn mực của cái đẹp. Ảnh minh hoạ.
Trẻ cần được giáo dục sớm về thẩm mỹ và chuẩn mực của cái đẹp. Ảnh minh hoạ.

Hướng trẻ đến cái đẹp toàn diện

Theo chị Đinh Thị Thu Hằng, biện pháp để những bé gái khi lớn lên không dễ bị ảnh hưởng thói quen ăn mặc, định hình phong cách gợi cảm quá sớm, không đúng cách, dậy thì sớm chính là từ gia đình, những người thân, tivi, phim ảnh, quảng cáo, internet. Bố mẹ nên chú ý dạy con thông qua cách chọn trang phục của chính mình hàng ngày.

Để giúp trẻ hiểu và thích ăn mặc phù hợp với độ tuổi, đầu tiên bố mẹ hãy chọn và mua cho con những bộ trang phục phù hợp với độ tuổi, những bộ trang phục cho phép trẻ được vận động thoải mái, vui vẻ và thể hiện sự trong sáng, ngây thơ, hồn nhiên. Nếu người khác tặng trẻ những bộ trang phục mà bạn cảm thấy không phù hợp, bố mẹ có thể cất chúng ở đáy tủ đồ hoặc giải thích rõ cho trẻ hiểu vì sao bạn không thích cho trẻ mặc những bộ đồ như thế. Trẻ sẽ không thể ăn mặc gợi cảm nếu bố mẹ không mua những món đồ đó và không cho phép mặc.

Tuy nhiên, đừng để trẻ ăn mặc xuề xoà như mặc quần áo ngủ đi chơi hay mặc những bộ quần áo quá cũ nhàu, đó là không tôn trọng mình và không tôn trọng người khác. Hãy dạy trẻ cách phân biệt trang phục, món đồ nào mặc đi học, món đồ nào mặc đi chơi, món đồ nào mặc đi ngủ và dần dần trẻ sẽ tự biết cách tìm trang phục phù hợp. Ăn mặc thế nào cho mình đẹp hơn là một điều đáng khuyến khích, là cách tôn trọng bản thân.

Thế nên, chị Hằng cho rằng, ngay từ khi còn nhỏ, bố mẹ nên định hướng cho con về chuẩn mực cái đẹp. Chuẩn mực cái đẹp nếu không được định hướng đúng và ngay từ đầu, sẽ chỉ tập trung vào việc ăn mặc, đánh giá con người qua áo quần mà quên đi các giá trị phẩm chất, đạo đức bên trong. Vì vậy, bố mẹ đừng quên khen trẻ đẹp khi trẻ có những hành động cảm ơn, xin lỗi hay giúp đỡ người khác. Nếu bố mẹ khuyến khích vẻ đẹp tâm hồn, phẩm chất thì dần dần các trẻ cũng sẽ hiểu điều đó.

Ngoài ra, bố mẹ nên dạy con về khiếu thẩm mỹ. Khiếu thẩm mỹ của bố mẹ trong ăn mặc hàng ngày. Trẻ có cái nhìn về mặt thẩm mỹ, biết nhận ra cái đẹp trong trang phục, sự hài hoà màu sắc và phù hợp với bối cảnh. Nếu bố mẹ không có khiếu thẩm mỹ thì hãy dùng các loại hình ảnh, tạp chí và dạy trẻ nhìn vào cách họ phối hình, phối trang phục, nhưng nhấn mạnh phần cần học chứ đừng nhìn vào giá tiền. Trẻ cũng nên nhận ra cái nào xấu, không phù hợp để tránh. Và trẻ cũng cần được dạy “đẹp cần phải đẹp cả bên trong lẫn bên ngoài”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Nền tảng cho giai đoạn phát triển mới

GD&TĐ - Năm 2025 là năm về đích của kế hoạch phát triển KTXH giai đoạn 2021 - 2025 nên mục tiêu về tốc độ tăng trưởng được Chính phủ đặt ra khá cao.