Đâu rồi cánh thiệp chúc xuân?

GD&TĐ - Tết sắp về. Tranh thủ ngày nghỉ tôi dọn dẹp nhà cửa gọn gàng để khỏi phải tất bật những ngày giáp Tết. Bất chợt nhìn thấy những cánh thiệp chúc mừng mấy mươi năm qua nay đã hoen ố, vàng võ nằm trong quyển nhật ký, tôi chợt nao lòng với bao ký ức xa xưa kéo về làm sống lại tuổi thanh xuân.  

Đâu rồi cánh thiệp chúc xuân?

Hồi xưa, vào những ngày vui, ngày kỷ niệm như: Sinh nhật, mùa hè đến, Giáng sinh, ngày 20/11, ngày Tết cổ truyền…. chúng tôi thường dành dụm tiền ăn sáng, tiền quà vặt để ra mấy cái tiệm “chạp phô” ở chợ huyện để trầm trồ, ngắm nghía hàng trăm cái thiệp đầy màu sắc rồi chọn mua một cái phù hợp với túi tiền của mình.

Về đến nhà, chúng tôi cẩn thận mở cánh thiệp ra và nắn nót mấy dòng chữ để ghi nội dung cần gửi. Có nhiều đứa viết chữ quá xấu nên phải nhờ mấy đứa bạn có “hoa tay” viết giùm và phải trả công bằng một chầu cà rem hay kẹo kéo. Có mấy đứa học trò nghèo thì tự lấy giấy “các tông” cứng vẽ cảnh, tô màu làm thiệp rồi ép vào đó mấy cái lá, xác mấy con bướm khô. Thiệp tự làm theo cách ấy cũng duyên dáng và ý nghĩa không kém.

Xã hội ngày càng phát triển, những cánh thiệp ngày càng hiện đại với nhiều màu sắc bắt mắt. Các hãng sản xuất đưa âm thanh, ánh sáng, âm nhạc vào cả bên trong, cứ mở thiệp là bắt gặp biết bao điều kỳ lạ.

Vậy rồi các loại thiệp hiện đại ấy cũng biến mất. Những điểm bán thiệp cũng chẳng còn, chỉ còn thấy bày bán thiệp mời đám hiếu hỉ (cưới, hỏi, sinh nhật, tân gia…) mà thôi. Cũng chẳng có chi là lạ. Thời buổi khoa học hiện đại rồi, muốn chúc mừng chỉ cần nhấp con chuột trên máy tính, cần cái “quẹt” tay nhắn tin trên các máy điện thoại di động là người được nhắn có ngay những lời chúc mừng kèm hình ảnh người gửi tin hay những đoạn “clip” trực tuyến của người đang gửi. Đơn giản và tiện ích đến như vậy.

Tôi cứ bần thần, ngơ ngẩn, tiếc nuối vu vơ những cánh thiệp ngày xưa. Có lẽ trong suốt quãng đời còn lại của mình, tôi sẽ không còn có dịp nhận được những cánh thiệp chúc mừng bởi nó đã đi vào ký ức xa xăm, hoài cổ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Thưởng Tết - động lực để cống hiến

GD&TĐ - Ý nghĩa của thưởng Tết dù ít hay nhiều nhằm ghi nhận công lao, đóng góp của người lao động, đồng thời chính là thành quả mà người lao động tạo ra...