Vấn đề sai trái thì đã rõ ràng, việc các em học sinh sai sẽ bị xử phạt theo quy định của Bộ giáo dục còn nếu có hiện tượng hình sự có thể bị xét xử hình sự theo quy định với trẻ vị thành niên, việc thiếu trách nhiệm của nhà trường, của giáo viên chủ nhiệm sẽ được làm rõ và xử phạt theo quy định của ngành giáo dục.
Nhưng có một điều rất đáng buồn là những bài báo đó chỉ đi khai thác những điểm sai của nhà trường, của thầy cô chủ nhiệm, quy vào việc thiếu trách nhiệm, việc muốn ém nhẹm sự việc mà không thấy được nguyên nhân cốt lõi của sự việc.
Sự việc xảy ra, trách nhiệm với ngành giáo dục và đặc biệt là ngành giáo dục Hưng Yên phải chịu đó là điều không cần bàn cãi. Nhưng tại sao đối với giáo dục lại có những sự việc như vậy vẫn thường xuyên xảy ra năm này qua năm khác (mấy năm gần đây) thì chẳng thấy tờ báo nào, chẳng thấy bài báo nào phân tích và đưa ra, mà báo chí chỉ làm cho sự việc thêm nóng, làm cho dư luận thêm có cái nhìn xấu xí, lệch lạc hơn về ngành giáo dục. Thử hỏi nếu báo chí như vậy thì đã làm tròn vai trò, nhiệm vụ của mình hay chưa ?
Xin thưa rằng giáo dục một con người là sản phẩm chung của : Gia đình - Nhà trường - Xã hội. Nếu một sản phẩm giáo dục bị lỗi về kiến thức trách nhiệm đầu tiên và lớn là của nhà trường, điều đó không cần bàn cãi sau đó mới tới gia đình và xã hội. Nhưng nếu một sản phẩm giáo dục bị lỗi về nhân cách chúng ta cần đánh giá khách quan hơn, nguyên nhân chính là của gia đình, nhà trường hay xã hội ?
Xin thưa nếu sản phẩm giáo dục bị lỗi về nhân cách trách nhiệm đầu tiên và lớn nhất phải là gia đình, bởi gia đình là mầm mống gây nên sản phẩm giáo dục lỗi về nhân cách mà nhà trường có trách nhiệm sửa chữa lại cái sản phẩm lỗi đó, nhưng không phải lúc nào các sản phẩm lỗi đó nhà trường cũng có thể sửa được.
Một đứa trẻ sống trong môi trường bố mẹ bê tha coi thường pháp luật, không biết tôn trọng người khác, coi thường thầy cô thì xin hỏi đứa trẻ trong môi trường đó liệu rằng nhà trường sẽ uốn nắn, sửa chữa để không thể học tập tấm gương bố mẹ nó hay không?
Nếu có thì phần nào đó đứa trẻ đó cũng ít nhiều bị nhiễm từ giáo dục của chính gia đình đó, nghĩa là giáo dục có sửa được sản phẩm lỗi nhưng chỉ phần nào hoặc có thể nhà trường cũng bất lực bởi không thể thay đổi nổi đứa trẻ đó vì những ý thức hệ, những điều học tập từ bố mẹ, gia đình đó đã ăn sâu vào tiềm thức của đứa trẻ đồng nghĩa với việc nhà trường cũng bó tay với sản phẩm lỗi đó.
Đơn cử một việc nếu như phụ huynh tôn trọng thầy, cô thì đứa trẻ trong gia đình đó sẽ luôn biết tôn trọng thầy cô. Ngược lại nếu phụ huynh tỉnh bơ với thầy cô thì đến 90% đứa trẻ trong gia đình đó trước sau rồi cũng vậy.
Thầy cô giáo dục học sinh phải biết thương yêu, giúp đỡ bạn bè nhưng đứa trẻ sống trong một gia đình mà bố mẹ "chửi nhau như chém chả", coi thường hàng xóm, sẵn sàng dùng vũ lực khi không hài lòng... thì hỏi đứa trẻ trong gia đình đó sẽ nghe lời thầy cô hay lấy bố mẹ làm gương để thực hiện?
Chúng ta một thời gian dài vì mải mê với làm kinh tế, việc giáo dục con cái trong mỗi gia đình về nhân cách phần nào bị quên lãng, phó mặc cho nhà trường, cho thầy cô chính vì vậy mà những sự việc học sinh đánh nhau, lột đồ chỉ là vấn đề tất yếu sẽ xảy ra mà thôi.
Do đó những sự việc trên xin báo chí, xã hội hãy nhìn rõ cái căn nguyên của sự việc, bản chất xuất phát của sự việc mà đừng đổ lỗi hết nên đầu của ngành giáo dục, chỉ có như vậy chúng ta mới làm hạn chế và mất đi những hiện tượng, sự việc tương tự đó trong tương lai mà thôi.
Nếu gia đình còn phó mặc việc giáo dục nhân cách của trẻ cho nhà trường, cho thầy cô mà ngay tại gia đình cha mẹ chưa thực sự là những tấm gương về đạo đức cho trẻ noi theo thì việc mong những đứa trẻ luôn có tâm hồn, tấm lòng thánh thiện có lẽ là điều không thể .