Dấu hiệu điển hình của ngộ độc botulinum

GD&TĐ - Triệu chứng điển hình nhất của ngộ độc botulinum là khó vận động cả hai bên mặt, xuống cổ và sau đó đến các phần còn lại của cơ thể.

Các bác sĩ theo dõi sức khỏe bệnh nhi ngộ độc botulinum. Ảnh: BVCC.
Các bác sĩ theo dõi sức khỏe bệnh nhi ngộ độc botulinum. Ảnh: BVCC.

Điều trị sớm, tránh biến chứng nặng

Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, khoảng 9 giờ ngày 13/5, 4 người (ngụ TP Thủ Đức) gồm 1 người dì cùng 3 anh em ruột là N.V.H (14 tuổi), N.V.Đ (13 tuổi) và N.T.X (10 tuổi) mua giò lụa từ người bán dạo, không rõ nguồn gốc để ăn với bánh mì.

Sau khi ăn khoảng 12 - 18 giờ cùng ngày, cả 4 người đều bị đau bụng, buồn nôn, ói và tiêu chảy nhiều lần. Tiếp đó, các bệnh nhân từ từ xuất hiện những triệu chứng mệt mỏi, đau người và 3 trẻ em bị yếu cơ dần.

Ngày 14/5, cả 3 bé được đưa vào Bệnh viện Nhi đồng 2 trong tình trạng mệt lả. Bệnh nhi N.V.Đ có biểu hiện sụp mi, yếu 2 chân và đến 5 giờ ngày 15/5 thì bị suy hô hấp, phải đặt nội khí quản thở máy.

Hai bé còn lại là N.V.H và N.T.X cũng có biểu hiện sụp mi, yếu chân vào chiều 14/5. Đến sáng 15/5, hai bé này cũng xuất hiện sụp mi mắt, yếu dần tứ chi, sức cơ khoảng 4/5 nên Bệnh viện Nhi đồng 2 đã mời bác sĩ Khoa Bệnh Nhiệt đới - Bệnh viện Chợ Rẫy hỗ trợ do nghi ngờ các bệnh nhân bị ngộ độc.

Khoảng 15 giờ ngày 15/5, sau khi hội chẩn với các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 2, Bệnh viện Chợ Rẫy thống nhất chẩn đoán nghi ngờ nhiễm độc botulinum do ăn giò lụa. Đến 19 giờ cùng ngày, các xét nghiệm cận lâm sàng phù hợp với chẩn đoán ngộ độc botulinum.

Với bệnh lý ngộ độc botulinum, nếu điều trị muộn sẽ dẫn đến liệt cơ, suy hô hấp phải thở máy từ 3 - 6 tháng. Do đó, các bác sĩ đã quyết định điều trị sớm nhất có thể, tránh những biến chứng nặng xảy ra.

Bệnh viện Chợ Rẫy đã lập tức liên hệ với Bệnh viện Đa khoa khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam để điều chuyển thuốc BAT (2 lọ còn lại sau đợt điều trị cho chùm ca bệnh ngộ độc botulinum do ăn cá ủ muối chua vào tháng 3/2023).

Đến 1 giờ ngày 16/5, đoàn của Bệnh viện Chợ Rẫy có mặt tại sân bay Tân Sơn Nhất đón ê-kíp của Bệnh viện Đa khoa khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam vận chuyển thuốc BAT về thẳng Bệnh viện Nhi đồng 2. Tại Bệnh viện Nhi đồng 2, sau khi hội chẩn lại lần cuối, rạng sáng 16/5, cả 3 trẻ đã được dùng thuốc BAT để giải độc botulinum.

Sau 1 giờ truyền thuốc giải độc, các bé đều ổn định không có biểu hiện bị phản vệ. Đến 6 giờ ngày 16/5, tình hình sức khỏe của các bệnh nhi đã ổn định. Các bé sẽ được tiếp tục theo dõi và khám lại đánh giá tình trạng sức khỏe sau 4 giờ/lần.

Thời gian qua, nhiều vụ ngộ độc đã xảy ra khi người dân sử dụng thực phẩm có chứa độc tố botulinum. Nhiều trường hợp để lại di chứng nặng nề và đã có người tử vong. Điển hình là vụ việc “pate Minh Chay” gây ngộ độc xảy ra vào tháng 7/2020. Kết quả kiểm nghiệm một số sản phẩm “pate Minh Chay” ở các lô khác nhau đã phát hiện vi khuẩn Clostridium botulinum typ B.

Sơ cứu khi ngộ độc thực phẩm

Để phòng ngộ độc thực phẩm do độc tố botulinum, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) khuyến cáo người dân, thực hiện nghiêm túc ăn chín, uống sôi. Chỉ sử dụng các sản phẩm thực phẩm, nguyên liệu thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng.

Tuyệt đối không sử dụng các sản phẩm đóng hộp đã hết hạn sử dụng, bị phồng, bẹp, biến dạng, hoen gỉ, không còn nguyên vẹn hoặc có mùi vị, màu sắc thay đổi khác thường.

Người dân khi sử dụng các sản phẩm đóng hộp nếu gặp phải các triệu chứng cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và điều trị kịp thời. Trong đó, bao gồm yếu, liệt các cơ, bắt đầu từ vùng đầu mặt cổ sau đó lan xuống chân. Biểu hiện nhẹ có thể chỉ mỏi, yếu các cơ giống như suy nhược.

Biểu hiện đối xứng hai bên và không có rối loạn cảm giác. Tiêu hóa có thể gặp buồn nôn, nôn, đau bụng, giảm nhu động ruột. Đồng thời, có các biểu hiện như trên sau ăn thực phẩm nghi ngờ như đồ đóng hộp, chai, lọ, gói, túi, không có nguồn gốc rõ ràng hoặc không đảm bảo.

ThS.BSCKI Nguyễn Ngọc Nhã Khanh - Bác sĩ Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TPHCM - cho biết, triệu chứng điển hình nhất của ngộ độc botulinum là khó vận động cả hai bên mặt, xuống cổ và sau đó đến các phần còn lại của cơ thể.

Các triệu chứng ở giai đoạn sớm có thể gặp bao gồm nhìn đôi hoặc nhìn mờ, sụp mí mắt, khó nuốt, nói đớt, khó thể. Một số triệu chứng không đặc hiệu khác như nôn ói, đau bụng, tiêu chảy.

ThS Khanh đã nêu một số cách sơ cứu khi bị ngộ độc thức ăn. Trong đó, gây nôn thường được áp dụng đối với những người có biểu hiện muốn nôn ói ngay sau khi ăn phải thực phẩm nhiễm độc hay người còn tỉnh táo, chưa có triệu chứng ngộ độc. Lúc này, người bị ngộ độc thực phẩm cần nhanh chóng dùng mọi biện pháp để nôn hết những thức ăn đã ăn vào.

Có thể áp dụng như uống 1 ly nước muối pha loãng (0,9%) rồi dùng ngón trỏ móc, ngoáy vào vị trí góc cuống lưỡi gần họng nhằm kích thích cảm giác nôn ở người bệnh. Người bệnh nôn được càng nhiều càng tốt. Điều này giúp hạn chế chất độc có trong thực phẩm ngấm vào cơ thể, phát tán và gây hại.

Trường hợp người bị ngộ độc thực phẩm bị nôn và tiêu chảy nhiều lần có thể gây tình trạng mất nước. Lúc này, cần cho người bệnh nghỉ ngơi và uống nhiều nước để ngăn ngừa tình trạng mất nước.

Trong trường hợp sử dụng dung dịch oresol, người hỗ trợ cần phải đọc kỹ hướng dẫn, pha nước theo đúng liều lượng chỉ định. Không sử dụng dung dịch đã pha quá 24 tiếng, không đun sôi dung dịch.

Ngoài ra, cần quan sát người bệnh. Nếu thấy tình trạng thở khó, cảm giác nghẹt thở thì nên dùng tay sạch kéo lưỡi người bệnh ra ngoài, tránh tụt vào trong, giúp dễ thở hơn. Trường hợp ngộ độc thực phẩm nặng, người bệnh có thể có các dấu hiệu như loạn nhịp tim, khó thở hay tụt huyết áp.

Sau khi tiến hành quy trình sơ cứu ngộ độc thực phẩm bao gồm các cách gây nôn, bù nước… dù tình trạng người bệnh có dấu hiệu tỉnh táo vẫn cần được đưa tới các cơ sở y tế gần nhất để kiểm tra. Đồng thời, được cấp cứu khi cần thiết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ