Ngộ độc botulinum nguy hiểm thế nào?

GD&TĐ - Ngộ độc do độc tố botulinum là ngộ độc nặng, nguy cơ tử vong cao hoặc ảnh hưởng lâu dài tới sức khỏe.

Độc tố botulinum được sinh ra do vi khuẩn Clostridium botulinum trong môi trường kỵ khí (môi trường thiếu không khí). Ảnh minh họa.
Độc tố botulinum được sinh ra do vi khuẩn Clostridium botulinum trong môi trường kỵ khí (môi trường thiếu không khí). Ảnh minh họa.

Người bệnh bị ngộ độc do độc tố botulinum có biểu hiện buồn nôn, nôn, chướng bụng, đau bụng, liệt theo trình tự bắt đầu từ vùng đầu mặt cổ lan xuống hai tay, sau đó tới hai chân, các cơ hô hấp.

Độc tố sinh ra trong môi trường kỵ khí

Vừa qua, Bệnh viện Đa khoa khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam đã tiếp nhận nhiều trường hợp bị ngộ độc botulinum sau khi ăn món cá chép ủ chua. Những trường hợp này đều ở huyện Phước Sơn, Quảng Nam.

Bệnh viện Chợ Rẫy được Bệnh viện Đa khoa khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam đề nghị hỗ trợ chuyên môn các chùm ca bệnh vào nơi này cấp cứu.

Các bác sĩ nhận định, 3 chùm ca bệnh cùng ăn một loại thức ăn là cá chép muối ủ chua, sau khi chế biến được bỏ vào hộp thủy tinh đóng kín, 2 - 3 tuần mới lấy ra ăn.

Đây là điều kiện yếm khí, tạo điều kiện cho vi khuẩn Clostridium botulinum phát triển. Sau ăn chưa đầy 24 giờ, các nạn nhân đều có triệu chứng rối loạn tiêu hóa, làm yếu tứ chi tăng dần, thậm chí dẫn tới suy hô hấp do liệt cơ.

Đến 18 giờ 30 phút ngày 18/3, kết quả xét nghiệm cấy mẫu cá muối ủ chua do Viện Pasteur Nha Trang thực hiện xác định có vi khuẩn Clostridium tuýp E (+), khẳng định là các bệnh nhân bị ngộ độc botulinum. Bộ Y tế đã yêu cầu tập trung nguồn lực cứu chữa các bệnh nhân vụ ngộ độc cá chép muối ủ chua ở Quảng Nam.

Theo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), ngộ độc do độc tố botulinum là ngộ độc nặng, nguy cơ tử vong cao hoặc ảnh hưởng lâu dài tới sức khỏe. Người bệnh bị ngộ độc do độc tố botulinum có biểu hiện buồn nôn, nôn, chướng bụng, đau bụng, liệt theo trình tự bắt đầu từ vùng đầu mặt cổ lan xuống hai tay, sau đó tới hai chân, các cơ hô hấp. Liệt nặng có thể gây suy hô hấp là nguyên nhân gây tử vong.

Độc tố botulinum được sinh ra do vi khuẩn Clostridium Botulinum trong môi trường kỵ khí (môi trường thiếu không khí). Các sản phẩm từ rau, củ, quả, thịt, hải sản lên men, đóng hộp không đảm bảo điều kiện an toàn thực phẩm có nguy cơ bị nhiễm vi khuẩn Clostridium botulinum và sinh độc tố botulinum.

Bệnh có thể khởi phát chậm

Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo, người dân thực hiện nghiêm túc ăn chín, uống chín. Chỉ sử dụng các sản phẩm thực phẩm, nguyên liệu thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng.

Tuyệt đối không sử dụng các sản phẩm đóng hộp đã hết hạn sử dụng, bị phồng, bẹp, biến dạng, hoen gỉ, không còn nguyên vẹn hoặc có mùi vị, màu sắc thay đổi khác thường. Người dân khi sử dụng các sản phẩm đóng hộp nếu gặp phải các triệu chứng nêu trên cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và điều trị kịp thời.

Theo TS.BS Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, botulinum là độc tố cực độc, chưa đến 0,1mg đã có thể gây tử vong. Sau khi ăn thực phẩm có chứa botulinum thì độc tố này hấp thu vào cơ thể, gắn chặt vào các dây thần kinh, gây liệt toàn bộ các cơ.

ThS.BS Nguyễn Đình Quy - Bệnh viện Nhi đồng 2 (TPHCM) - cho biết, ngộ độc thực phẩm do độc tố botulinum thường liên quan đến ăn uống các món ăn chế biến sẵn, đóng hộp đã nhiễm độc tố botulinum do chủng vi khuẩn Clostridium sinh ra.

Bệnh cảnh chủ yếu của ngộ độc này là gây liệt toàn bộ các cơ lan dần từ trên xuống, tùy mức độ khác nhau. Nhẹ thì người bệnh vẫn tỉnh táo, yếu nhẹ cơ. Trường hợp nặng có thể liệt cơ hô hấp gây suy hô hấp dẫn đến tử vong. Thời gian khởi phát bệnh thông thường 12 - 36 giờ sau ăn, phần lớn trong vòng 24 giờ. Bệnh có thể khởi phát chậm trong vòng 6 - 8 ngày.

Chia sẻ về các triệu chứng thường gặp khi ngộ độc botulinum, chuyên gia cho biết, thông thường, dấu hiệu đầu tiên là nôn ói, đau bụng. Sau đó, người bệnh có thể chướng bụng và nặng hơn là liệt ruột. Dấu hiệu khác là liệt đối xứng 2 bên. Trường hợp nhẹ là mỏi cơ, còn nặng có thể gây liệt hoàn toàn các cơ, nhưng không có rối loạn cảm giác. Tình trạng liệt nặng gây suy hô hấp, kèm theo bí tiểu.

“Nếu bệnh nhân có biểu hiện ngộ độc sớm ngay sau ăn, khuyến cáo người nhà thực hiện gây nôn tại nhà ngay (nằm đầu thấp, móc họng kích thích nôn). Tuy nhiên, cần thận trọng tránh gây hít sặc vào đường hô hấp. Tốt nhất là đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất càng sớm càng tốt nếu nghi ngờ ngộ độc”, ThS.BS Quy khuyến cáo.

Việc điều trị giải độc tố được chỉ định ngay khi yếu tố lâm sàng và dịch tễ nghi ngờ. Đôi khi, có thể không cần chờ kết quả xét nghiệm tìm thấy độc tố botulinum trong thực phẩm, chất nôn, dịch dạ dày, dịch ruột, phân hoặc máu bệnh nhân.

“Ngộ độc thực phẩm do độc tố botulinum đa phần là ngộ độc nặng, tỷ lệ tử vong cao, thời gian liệt kéo dài. Do vậy, phòng ngừa vẫn là điều quan trọng nhất”, ThS.BS Quy nhấn mạnh. Theo chuyên gia này, người dân cần chọn thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng, tiêu chuẩn chất lượng và an toàn được chứng nhận.

Đồng thời, cần thận trọng với thực phẩm đóng hộp. Khi mở có mùi hoặc màu sắc hay vị thay đổi bất thường, người dân cần bỏ ngay thực phẩm đó. Ưu tiên ăn thực phẩm mới chế biến, nấu chín.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.