Nghi vấn tử vong sau ăn pa tê chay: Khuyến cáo 3 nguyên tắc để tránh ngộ độc botulinum

GD&TĐ - Bộ Y tế khuyến cáo, thực hiện nghiêm túc ăn chín, uống chín; tuyệt đối không sử dụng các sản phẩm đóng hộp đã hết hạn sử dụng, bị phồng, bẹp, biến dạng, hoen gỉ, không còn nguyên vẹn...

Nghi vấn tử vong sau ăn pa tê chay: Khuyến cáo 3 nguyên tắc để tránh ngộ độc botulinum

Mới đây, vụ việc có 03 trường hợp (địa chỉ tại thị trấn An Thạnh, huyện Thuận An, tỉnh Bình Dương) nghi ngờ ngộ độc Botulinum liên quan đến việc sử dụng sản phẩm patê chay, khiến dư luận đặc biệt quan tâm.

Hiện 01 bệnh nhân đã tử vong tại Bệnh viện Chợ Rẫy, 01 bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện 115 và 01 bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện Nhi Đồng 2.

Cả 03 trường hợp trên đều liên quan đến bữa ăn trưa ngày 20/3/2021 tại một ngôi miếu cách nhà khoảng 02 km (chưa rõ địa chỉ cụ thể).

Cơ quan chức năng điều tra bước đầu vụ ngộ độc pate chay khiến 2 người nguy kịch, 1 tử vong cho thấy các nạn nhân cùng ăn món bún riêu chay có sử dụng hộp pate đã phồng.

Qua điều tra từ gia đình, khi nấu bún chay có sử dụng 1 hộp pate đã bị phồng mà vẫn mở ra nấu vì nghĩ không ảnh hưởng chất lượng.

Liên quan đến vụ việc trên, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế – Tổ trưởng Tổ công tác giúp việc Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm đã có công văn gửi Cục Quản lý chất lượng Nông Lâm sản & Thủy sản – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban Quản lý An toàn thực phẩm thành phố Hồ Chí Minh; Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh; Sở Y tế tỉnh Bình Dương để điều tra, xử lý vụ nghi ngờ ngộ độc do sử dụng patê chay.

Cục An toàn thực phẩm đề nghị Sở Y tế Bình Dương chỉ đạo việc điều tra nguồn gốc các loại thực phẩm, nguyên liệu thực phẩm được sử dụng trong bữa ăn liên quan đến 3 trường hợp trên, đặc biệt lưu ý món chả và pate chay; xác định rõ cơ sở sản xuất, kinh doanh, hộ gia đình liên quan đến các loại thực phẩm, nguyên liệu thực phẩm đã sử dụng. 

Đồng thời phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền tại địa phương thông báo rộng rãi cho cộng đồng để những người dân đã từng đến tham dự bữa trưa ngày 20/3/2021 tại Miếu Chiêu Liêu (Khu dân cư Chánh Nghĩa, thành phố Thủ Dầu Một) đến khai báo tại cơ sở y tế gần nhất. Đối với những trường hợp có biểu hiện bất thường về sức khoẻ đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và điều trị kịp thời.

Bộ Y tế khuyến cáo

Ngộ độc do độc tố botulinum là ngộ độc nặng, nguy cơ tử vong cao hoặc ảnh hưởng lâu dài tới sức khỏe.

Người bệnh bị ngộ độc do độc tố botulinum có biểu hiện buồn nôn, nôn, chướng bụng, đau bụng, liệt theo trình tự liệt bắt đầu từ vùng đầu mặt cổ lan xuống hai tay, sau đó tới hai chân, liệt các cơ hô hấp; liệt nặng có thể gây suy hô hấp là nguyên nhân gây tử vong.

Độc tố botulinum được sinh ra do vi khuẩn Clostridium botulinum trong môi trường kỵ khí (môi trường thiếu không khí). Các sản phẩm từ rau, củ, quả, thịt, hải sản lên men, đóng hộp không đảm bảo điều kiện an toàn thực phẩm có nguy cơ bị nhiễm vi khuẩn Clostridium botulinum và sinh độc tố botulinum.

Trước tình hình trên, Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế khuyến cáo người dân:

- Thực hiện nghiêm túc ăn chín, uống chín.

- Chỉ sử dụng các sản phẩm thực phẩm, nguyên liệu thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, tuyệt đối không sử dụng các sản phẩm đóng hộp đã hết hạn sử dụng, bị phồng, bẹp, biến dạng, hoen gỉ, không còn nguyên vẹn hoặc có mùi vị, màu sắc thay đổi khác thường.

- Người dân khi sử dụng các sản phẩm đóng hộp nếu gặp phải các triệu chứng nêu trên cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và điều trị kịp thời.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Truyện ngắn: Mẹ và vợ

Truyện ngắn: Mẹ và vợ

GD&TĐ - Gã thuộc mẫu người hướng ngoại: Ưa bay nhảy, thích gặp gỡ kết giao, trà dư tửu hậu với bạn bè hơn đoàn tụ chuyện trò cùng anh em, cha mẹ, vợ con.