Khởi động Chương trình “Điều ước cho em”
Trong tuần qua, thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Ban điều hành Đề án: Hệ tri thức Việt số hóa của Chính phủ, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh đã khởi động chương trình "Điều ước cho em". Đây là chương trình được kỳ vọng sẽ tạo ra được mạng lưới cộng đồng hỗ trợ lẫn nhau, chung tay cùng phát triển sự nghiệp giáo dục - tại các vùng khó khăn.
Giáo viên vùng khó bao năm nay vẫn âm thầm tự nhận thêm những nhiệm vụ như thế. Chính vì vậy, chương trình "Điều ước cho em" đã kịp thời khởi động để đồng hành tiếp sức cho công cuộc phát triển giáo dục vùng khó khăn. Chương trình nhằm kết nối giữa các cá nhân, nhà trường, các tổ chức có điều kiện tốt hơn với những trường, điểm trường còn nhiều thiếu thốn.
Một trong những kênh kết nối chương trình hướng đến là trường giúp trường, bạn giúp bạn, thầy cô giúp thầy cô. Cơ hội kết nghĩa cho phép các trường cùng chia sẻ một cách bền vững về cả cơ sở vật chất, phương pháp giảng dạy và tài liệu học tập.
Ngay trong lễ khởi động tại Bắc Kạn đã có nhiều doanh nghiệp, trường học sẵn sàng tham gia chương trình. Hàng trăm chiếc áo ấm, giày ủng trị đã được trao tặng. Các công trình nhà bếp, nhà vệ sinh, sân trường cũng đồng thời được khởi công tại nhiều điểm trường lẻ tại các huyện Pác Nặm, Bạch Thông. Một phòng tin học đầy đủ thiết bị sẽ sớm được trao cho học sinh trường phổ thông dân tộc nội trú tỉnh Bắc Kạn.
Dấu ấn Giáo dục Việt Nam năm 2020
Nhìn lại năm 2020, dù đối diện với nhiều khó khăn do đại dịch Covid-19 và thiên tai nhưng ngành Giáo dục đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.
Một số kết quả giáo dục tiêu biểu của năm 2020 có thể kể đến: Thực hiện thành công mục tiêu kép - học tập an toàn trong dịch Covid-19; Việt Nam nêu gương tốt về tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH trong đại dịch Covid; Chuyển biến tích cực trong đổi mới phương pháp dạy và học với chương trình GDPT mới; Giáo dục tiểu học Việt Nam đứng đầu các nước Đông Nam Á; HS Việt Nam tiếp tục khẳng định vị thế trên đấu trường Olympic khu vực, quốc tế; Cơ sở giáo dục ĐH liên tiếp lọt vào bảng xếp hạng uy tín thế giới; Chuyển đổi số giúp thay đổi diện mạo ngành giáo dục; Toàn ngành ra sức hỗ trợ các nhà trường, thầy cô và HS miền Trung vượt qua bão lũ; Những cải cách mạnh mẽ giúp giảm áp lực cho giáo viên.
Có được những thành quả trên là sự nỗ lực của toàn ngành. Một năm với những thay đổi liên tục của điều kiện khách quan cũng là năm ghi nhận sự ứng phó linh hoạt của ngành giáo dục để đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Đây sẽ là bài học quý, là tiền đề quan trọng để GD tiếp tục có những bước phát triển vững chắc hơn trong những năm tiếp theo.
Không bắt buộc HS phải có điện thoại phục vụ học tập
Theo hướng dẫn mới nhất của Bộ GD&ĐT, nếu cho phép học sinh sử dụng điện thoại di động hỗ trợ học tập thì phải thiết kế bài dạy để không phải yêu cầu tất cả học sinh phải có điện thoại.
Quy định trên vừa được đưa ra ở mục "kế hoạch giáo dục của giáo viên", tại hướng dẫn xây dựng và thực hiện kế hoạch giáo dục nhà trường vừa được Bộ GD&ĐT ban hành.
Theo đó, không bắt buộc học sinh phải trang bị điện thoại di động để phục vụ học tập.
Căn cứ vào kế hoạch dạy học các môn học của tổ chuyên môn, giáo viên được phân công dạy học môn học ở các khối lớp xây dựng kế hoạch giáo dục của giáo viên trong năm học, xây dựng các kế hoạch bài dạy để tổ chức dạy học.
Việc cho phép học sinh sử dụng điện thoại di động trong lớp học để hỗ trợ hoạt động học do giáo viên trực tiếp giảng dạy môn học quyết định.
Giáo viên sẽ hướng dẫn cụ thể trong các hoạt động đã được thiết kế trong kế hoạch bài dạy sao cho không yêu cầu tất cả học sinh phải có điện thoại để sử dụng và bảo đảm yêu cầu phù hợp với nội dung học tập.
Đồng thời, giáo viên cũng là người thông báo cụ thể yêu cầu học sinh chỉ được sử dụng điện thoại như là một thiết bị hỗ trợ hoạt động học và những điều học sinh không được làm khi sử dụng điện thoại trên lớp, trong giờ học.
Yêu cầu về chứng chỉ ngoại ngữ cho giáo viên người nước ngoài
Theo Bộ GD-ĐT, hiện tại, Việt Nam chưa có đơn vị nào được cho phép tổ chức bồi dưỡng và cấp chứng chỉ đào tạo dạy ngoại ngữ cho người nước ngoài và cũng chưa có quy định về việc công nhận chứng chỉ giảng dạy tiếng Anh do tổ chức nước ngoài cấp.
Nội dung này được Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Bộ GD-ĐT trả lời Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội về chứng chỉ năng lực ngoại ngữ và chứng chỉ đào tạo dạy ngoại ng, ngày 21/12.
Lãnh đạo Bộ GD-ĐT cho biết, trên thế giới, có một số chứng chỉ giảng dạy tiếng Anh đã được kiểm định, công nhận và sử dụng khá phổ biến như: chứng chỉ TESOL được kiểm định bởi Tổ chức ALAP, chứng chỉ TEFL của Gatehouse Awards và chứng chỉ CELTA của Cambridge Assessment English được kiểm định bởi Văn phòng Quản lý quy chế thi và trình độ Vương quốc Anh.
Vì vậy, Cục Quản lý chất lượng đề nghị Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội xem xét và có thể chấp nhận các chứng chỉ này là điều kiện để cấp giấy phép lao động đối với giáo viên là người nước ngoài.