Nguyên do là, có ý kiến phản biện của nhóm nhà nghiên cứu văn hóa - lịch sử do PGS.TS Lê Cung, Trường Đại học Sư phạm Huế (Đại học Huế) đại diện. Thế nhưng, khi câu chuyện này được đưa ra công luận thì nhiều chuyên gia rất ngạc nhiên đặt lại câu hỏi: Quá xứng đáng, tại sao lại không?
Cái nhìn cởi mở
Ông Trần Hinh - chuyên gia nghiên cứu văn học Pháp (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội) cho rằng, việc TP Đà Nẵng dự định lấy tên hai vị giáo sĩ Francisco De Pina và Alexandre de Rhodes góp công hình thành chữ Quốc ngữ để đặt tên đường là tín hiệu mừng.
Theo ông, việc lấy tên những danh nhân nước ngoài đặt tên cho đường phố nước ta, cho thấy chính quyền và những người làm văn hóa trong nước đã có cái nhìn cởi mở, rất phù hợp với xu hướng hội nhập trên thế giới.
Và, việc lấy tên một sự kiện lịch sử văn hóa hay một nhân vật lịch sử nào đó đặt tên cho một đường phố nước mình, thì đã có ở khắp nơi trên thế giới, không chỉ ở riêng Việt Nam.
Tất nhiên, khi lấy một cái tên nước ngoài đặt tên cho đường phố nước mình, người ta phải có chọn lọc. Hai cái tên Francisco De Pina và Alexandre de Rhodes, cho dù họ là những nhà truyền giáo, nhưng ở tầm bao quát hơn họ cũng là những nhà văn hóa. Việc sáng tạo ra chữ Quốc ngữ cho dù có vì mục đích gì vẫn là tích cực cho tiến trình phát triển văn hóa, văn minh nước nhà.
“Tôi nghĩ, đó là một tín hiệu tốt. Chúng ta không nên cho rằng, làm như thế thì có “hại” cho quốc gia, hay “lai căng”. Nếu cứ nghĩ: Trong nước thiếu gì sự kiện, danh nhân có thể dùng làm tên đặt thì quá “hạn hẹp”” - ông Trần Hinh nhấn mạnh.
Trong khi đó, GS Nguyễn Chí Tình - chuyên gia xã hội học cũng nhấn mạnh ngay rằng, với sự góp công đặc biệt trong việc hình thành chữ Quốc ngữ, đáng lẽ hai giáo sĩ Francisco De Pina (Bồ Đào Nha) và Alexandre de Rhodes (Pháp) phải được ghi nhận từ lâu rồi.
Theo ông Tình, có người bên Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội còn đề nghị dựng tượng giáo sĩ Alexandre de Rhodes ngay trước cửa viện này.
Nghi ngại thiếu thuyết phục
Theo GS Nguyễn Chí Tình, việc nghi ngại các giáo sĩ liên quan đến chính trị là thiếu cơ sở khoa học. Cũng vì, đến giờ, ông chưa từng được thấy tài liệu nào ghi chép về những nghi ngại đó cả.
Chuyên gia nghiên cứu văn học Pháp Trần Hinh cũng cho rằng, cách nghĩ truyền bá chữ Quốc ngữ là nhằm “dọn đường” để thực dân Pháp vào Việt Nam là “bới bèo ra bọ”.
Cho dù sự kiện thứ nhất có là tiền đề cho sự kiện thứ hai, thì cũng khó đủ cơ sở để “kết tội” hai vị giáo sĩ này. Trong khi, việc hai nhà truyền giáo góp công hình thành chữ Quốc ngữ, để kể từ đó, người Việt Nam có hẳn một văn tự riêng cho dân tộc mình trong mọi mặt phát triển đất nước, thì điều đó là rất có ý nghĩa.
Ông Trần Hinh nhắc đến chuyện, nếu không có chữ Quốc ngữ, mà cứ phát triển và sử dụng chữ Nôm thì biết đâu sẽ hay hơn. Theo ông, hệ thống chữ Nôm, dựa trên chữ Hán, cho dù của ông cha ta nghĩ ra, trên thực tế, không thể coi là hiệu quả. Điều đó được minh chứng là trong một thời gian dài kể từ khi chữ Nôm ra đời, nguồn “quốc tự” của Việt Nam dường như vẫn chậm chạp và rắc rối hơn.
“Chúng ta thử hình dung nếu không có chữ Quốc ngữ, làm sao có thể có được cuộc cách mạng trong văn hóa, văn học, đời sống xã hội và sự bang giao quốc tế của người Việt Nam vào thời điểm ấy. Thậm chí, sự phát triển của xã hội Việt Nam trong khoảng 100 năm “Pháp thuộc” vẫn nhanh hơn cả hàng nghìn năm “Bắc thuộc” cơ mà? Chữ Quốc ngữ đóng vai trò quan trọng, với tư cách một công cụ tư duy của thời kỳ lịch sử ấy”, ông Trần Hinh nói.
Nhìn ở góc độ nhà xã hội học, GS Nguyễn Chí Tình cho rằng, không có tôn giáo nào là tôn giáo thực dân và cũng không có tôn giáo nào là tôn giáo khủng bố, chỉ có những người lợi dụng tôn giáo để làm những chuyện đó mà thôi.
Với hai giáo sĩ Francisco De Pina và Alexandre de Rhodes thì họ đến Việt Nam là để truyền giáo – một việc làm từ tâm. Và trong quá trình truyền giáo luôn cần giải quyết một vấn đề là chữ viết.
Trước đó, người Việt có chữ Hán tiếp đó là chữ Nôm - chữ tượng hình rất khó học và luôn gò bó, ảnh hưởng đến sự sáng tạo của con người. Từ nhu cầu rất thiết thực đó, các vị giáo sĩ đã góp công hình thành chữ Quốc ngữ bằng thiện chí của họ. “Chữ quốc ngữ ra đời là một phương tiện khai hóa rất lớn.
Đặc biệt, thời đó, phương tiện nghe nhìn chưa có, tất cả chỉ giao lưu bằng chữ viết. Nhờ có chữ Quốc ngữ mà cho phép giao lưu văn hóa giữa hai nền văn minh phương Đông và phương Tây. Đấy là cái lợi vô cùng lớn khó đo đếm được. Vì thế, cần phải tôn vinh những giáo sĩ ấy chứ, tại sao không?” - GS Nguyễn Chí Tình đặt câu hỏi.
“Alexandre de Rhodes đã góp công giải quyết được những vấn đề rất lớn về khác biệt ngôn ngữ. Thông qua phương tiện vốn chỉ có ở các ngôn ngữ phương Tây là a, b, c... mà ông lại giải quyết được một sự diễn đạt ngôn ngữ phương Đông.
Ví dụ ông đã thể hiện được 6 thanh của tiếng Việt, hay các âm rất “hóc” như: Khúc khuỷu... Đây là một trí tuệ rất lớn, không chỉ thông minh mà còn phải rất am hiểu truyền thống, tâm lý văn hóa, đặc điểm ngôn ngữ của người Việt”.
GS Nguyễn Chí Tình