Phương thức dạy học hiện đại không thể bỏ qua
Sự bùng nổ mạnh mẽ của công nghệ thông tin và ứng dụng của nó ở thời đại công nghệ 4.0, giúp phương thức dạy học có được các công cụ đầy tiềm năng; không chỉ nguồn kiến thức dạy học phong phú mà còn mở rộng khả năng của con người cũng như những tình huống cho việc tương tác xã hội trong quá trình học tập.
Dạy học trực tuyến (DHTT) (hay còn gọi là E-Learning/ Online learning) là phương thức học tập có sử dụng kết nối mạng hay phương tiện truyền thông để phục vụ dạy học, lấy tài liệu học, trao đổi giao tiếp giữa người học với người học và người học với giáo viên.
Phương thức DHTT có nhiều hiệu quả và thuận lợi, như: Dạy học được thực hiện ở mọi lúc, mọi nơi; tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại cho người học; tiết kiệm thời gian học tập; linh hoạt, học sinh có thể tự điều chỉnh thời gian, tốc độ học theo khả năng và có thể tự tham khảo, nghiên cứu thêm thông qua các nguồn tài liệu được hướng dẫn tham khảo…
Được hỗ trợ, với hệ thống công nghệ E-Learning, học sinh dễ dàng theo dõi tiến độ học tập, kết quả học tập và được hỗ trợ giải đáp thông tin kịp thời cũng như nhà trường thuận lợi trong việc tổ chức và quản lý dạy học và hoạt động nhà trường.
Như vậy, mặt mạnh cơ bản của phương thức DHTT là cách học cá thể hóa, theo nhu cầu, cho phép người học lựa chọn và xem lại nội dung, kết quả học tập như họ mong muốn. Người học học có thể độc lập về thời gian, không gian và trong mọi giai đoạn của cuộc đời, tức là nó là cách học hiệu quả nhất cho phong cách học tập suốt đời.
Điều này cho thấy sự tất yếu trong việc đưa DHTT cộng hưởng với dạy học trực tiếp trên lớp, và sự cấp thiết trong việc chuẩn bị nguồn lực và năng lực cho nhà trường, giáo viên, học sinh, phụ huynh trong ứng dụng các mô hình dạy học kết hợp trực tiếp với trực tuyến trong chương trình nhà trường ở nhiều nước trên thế giới.
Trong hội nghị trực tuyến ngày 3/6/2020, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã khẳng định DHTT không phải là phương thức tình thế và cho biết, tới đây phương thức này sẽ tiếp tục được triển khai, cộng hưởng với dạy học trực tiếp. Làm tốt được việc này không chỉ giúp nâng cao chất lượng giáo dục, giúp học sinh tiếp cận được với rất nhiều kiến thức kĩ năng hiện đại trong và ngoài nước mà còn rất thiết thực rút ngắn thời gian học trên lớp. Rút ngắn thời gian mà chất lượng vẫn bảo đảm.
Việc thực hiện quan điểm chỉ đạo của Bộ trưởng cũng chính là thực hiện mục tiêu “kép” của DHTT.
Hiện đa phần giáo viên dạy học trực tuyến lựa chọn các công cụ như mạng xã hội Facebook, Zalo, qua email; hoặc các hệ thống như Zoom, Google Classroom, Microsoft Teams… để dạy học. Điều này thể hiện sự đa dạng các nền tảng DHTT ở các trường, địa phương.
Tuy nhiên, trong bối cảnh các nhà trường của nước ta thì DHTT vẫn còn thách thức bởi khó khăn về hạ tầng công nghệ thông tin, đường truyền internet, kinh phí mua phần mềm DHTT; bồi dưỡng, hỗ trợ giáo viên để tổ chức dạy học trực tuyến… Ngay ở các trường ở thành phố, khu đô thị lớn cũng có những khó khăn đặc thù.
Chiến lược cho dạy học trực tuyến
Theo chúng tôi, nhà nước có chiến lược cho DHTT theo định hướng:
Có sự đầu tư của nhà nước và sự hỗ trợ từ nguồn lực xã hội hóa để có đủ điều kiện DHTT có hiệu quả. Cùng với đó là quy chế riêng cho các trường thực hiện theo phương thức dạy học này. Những trường còn lại DHTT là giải pháp tình thế. Có lộ trình hỗ trợ để số các trường này sớm hòa nhập cùng các trường có đủ điều kiện DHTT.
Cụ thể: Xây dựng bản đồ phân vùng, khu vực các địa phương được DHTT (khi đã được đầu tư đồng bộ các điều kiện cho DHTT) theo phương thức: Thay thế một phần quá trình dạy học trực tiếp. Quy định cho tất cả các trường hàng tuần có thể có 1 hoặc 2 ngày học sinh được học theo phương thức DHTT. Như thế trong suốt năm học sẽ được liên tục DHTT. Trong trường hợp "Tạm dừng đến trường nhưng không dừng học", sẽ chuyển sang ngay một cách dễ dàng thay thế hoàn toàn quá trình dạy học trực tiếp.
Tất cả các trường phổ thông ở các địa phương còn lại học theo phương thức: Áp dụng theo mức độ các ứng dụng của DHTT vào dạy và quản lý dạy học cũng như quản lý nhà trường. Xây dựng lộ trình để từng bước các địa phương này có được sự hỗ trợ cần thiết, để tăng tính tiếp cận tới phương thức dạy học có điều kiện là “Thay thế một phần quá trình dạy học trực tiếp”.