Đó là ý kiến của PGS.TS Chu Cẩm Thơ - Phó Trưởng ban phụ trách, Ban Nghiên cứu đánh giá Giáo dục (Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam), ông lý giải thêm bởi dạy học trực tuyến không phải là chỉ dùng công nghệ để truyền tải bài học trực tiếp.
Còn khó khăn
- Là chuyên gia nghiên cứu về giáo dục, cũng có con học trực tuyến qua 2 mùa dịch, PGS còn điều gì băn khoăn với hoạt động dạy học trực tuyến trong thời gian qua?
- Một thời gian dài trong năm 2020, hầu hết các địa phương ở Việt Nam đều phải thực hiện giãn cách xã hội. Vì thế, các cơ sở giáo dục đã triển khai dạy học trực tuyến, bảo đảm “dừng đến trường nhưng không ngừng học”. Chúng tôi đã tiến hành nghiên cứu trên những phạm vi khác nhau về quá trình này.
Cá nhân tôi, với tư cách là một chuyên gia hỗ trợ, kết nối để giúp đỡ các giáo viên, nhà trường triển khai nền tảng giáo dục trực tuyến nhận thấy rằng, đã có một quá trình “vượt vũ môn” của hầu hết nhà giáo. Từ chỗ, nhiều giáo viên không biết, không thực hành dạy học trực tuyến được, đến nay, 100% nhà trường đã triển khai được dạy học trực tuyến.
Tuy nhiên, từ thực tiễn và kết quả nghiên cứu cho thấy vẫn còn nhiều điều băn khoăn. Đó là sự vận dụng về công nghệ chưa đáp ứng được yêu cầu về dạy học trực tuyến. Nhiều nhà trường, giáo viên vẫn bị động với điều chỉnh nội dung, cách thức dạy học. Điều tôi muốn nhắc đến chính là hiện tượng “thực hiện bài học trực tiếp, và chỉ dùng công nghệ để truyền tải”.
Năm nay, khi mùa Covid 19 thứ 2 lại đến, trong hơn 1 tuần qua, chứng kiến hiện tượng này vẫn còn, chúng tôi nhận ra rằng, “chuyển đổi số”, để dạy học online ở các trường phổ thông vẫn còn nhiều thách thức. Đúng như nhận định khoa học về quá trình chuyển đổi, chúng ta sẽ mất nhiều công sức nhất cho quá trình chuyển đổi “nhân lực” và “nội dung số”.
Các con tôi được học ở những trường rất tự chủ về chương trình, phương pháp, nên hầu như không gặp khó khăn gì về nội dung học, ngoài các vấn đề về kĩ thuật như đường truyền, thiết bị… Các giáo viên của con tôi đã chủ động khi thay đổi nội dung, cách học, phân hóa bài học, và đặc biệt là thời gian biểu học tập.
Xong trên phạm vi rộng, việc yêu cầu giáo viên tự mình biên soạn bài dạy trực tuyến, đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn: Chương trình hóa, phân hóa, hấp dẫn… còn khó khăn trong phạm vi thời gian, điều kiện cụ thể như hiện nay.
Mặt khác, việc bê nguyên thời lượng, nội dung học trực tiếp vào học trực tuyến khiến cho học sinh mệt mỏi. Việc học không hiệu quả, cũng khiến nhiều giáo viên chưa nhận thức đúng về giáo dục trực tuyến cả về nội dung và phương pháp tiến hành. Đó là những điều đã, sẽ xảy ra, và hạn chế mặt tích cực của giáo dục trực tuyến.
Không có rào cản
- Nhiều cán bộ quản lý, giáo viên cho rằng, hạn chế trên bởi còn có khó khăn trong việc tự chủ kế hoạch, chương trình, nội dung giáo dục, PGS nghĩ sao?
- Thực tế gần như không có cản trở gì về mặt pháp lý để triển khai tự chủ kế hoạch, chương trình giáo dục ở các nhà trường.
Trong 5 năm gần đây, Bộ GD&ĐT đã tháo gỡ các rào cản, tạo điều kiện cho cơ sở giáo dục tự chủ kế hoạch giáo dục, nâng cao năng lực cho đội ngũ. Có thể kể đến các văn bản pháp quy đến nay vẫn còn hiệu lực như: Công văn số 4612/BGDĐT-GDTrH hướng dẫn thực hiện chương trình giáo dục phổ thông hiện hành theo định hướng phát triển năng lực và phẩm chất học sinh từ năm học 2017 - 2018; Công văn số 5512/BGDĐT-GDTrH về xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường; Công văn số 1061/BGDĐT-GDTrH hướng dẫn dạy học qua Internet, trên truyền hình với cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên trong thời gian học sinh nghỉ học ở trường vì Covid-19 năm học 2019 - 2020…
Tuy nhiên tâm lý “e ngại” hiện hữu trong nhà quản lý, giáo viên và nhiều người liên quan (trong đó có phụ huynh) vẫn còn khá nặng nề. Với phụ huynh, họ hay so sánh về sự khác biệt mà mình “phải chịu” so với đối tượng tương tự.
Chẳng hạn, cùng bài học đó, nhưng giáo viên lấy ví dụ, lấy tài liệu dạy khác thì họ sẽ sợ, và nghi ngờ... Còn nhiều nhà trường vẫn đang chờ đợi những hướng dẫn cụ thể “giảm tải nội dung”, đến “nguồn tư liệu”, “nội dung dạy học” từ cấp trên để có căn cứ thực hiện.
- Vậy theo PGS, hiểu đúng, làm đúng về tự chủ chương trình, nội dung... đòi hỏi mỗi nhà trường, giáo viên phải làm gì? Làm sao để có thể chủ động thay đổi nội dung bài học khi dạy online để phù hợp, hiệu quả?
- Hiểu đúng, làm đúng về tự chủ chương trình, nội dung... đòi hỏi mỗi nhà trường, giáo viên nhận thấy rằng: Tiếp cận mục tiêu/chuẩn đầu ra, còn việc chọn nội dung phương pháp như thế nào thì người thực hiện được tự chủ. Chẳng hạn, mục tiêu các giờ thể dục là rèn luyện sức khỏe, thái độ, nề nếp... nhưng khi tổ chức học trực tuyến không thể bê nguyên bài học “chạy 800 m, cầu lông...” vào mà có thể thay thế bằng các giờ học yoga, chống đẩy, dance sports…
Học sinh có thể học vào thời gian bất kì, với clip của giáo viên hoặc có sẵn trên mạng Internet… Đó là một ví dụ minh họa cho việc: Khi học trực tuyến, nhà trường, giáo viên cần chủ động thay đổi nội dung bài học, để phù hợp là hoàn toàn thực tiễn.
- Xin cảm ơn PGS!