Tỉnh Vĩnh Phúc triển khai việc dạy – học trực tuyến kể từ ngày 22/2. Sau 3 ngày triển khai, thống kê của Phòng Giáo dục phổ thông, Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc cho thấy, học sinh tham gia học ở cấp THPT đạt tỷ lệ 97,96%. Cấp THCS, trung bình toàn tỉnh đạt 82,2%. Trong số 9 huyện, thành phố của tỉnh, khu vực Vĩnh Yên đáp ứng việc học online cao nhất, đạt 95,8%, tiếp đó là khu vực Bình Xuyên 88,3%, Lập Thạch 87,9%... Ở cấp Tiểu học, học sinh tham gia học online đạt trung bình 81,3%.
Trước khi triển khai dạy – học trực tuyến, Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc đã giao phòng Giáo dục Phổ thông, Giáo dục Thường xuyên - chuyên nghiệp thuộc Sở kiểm tra nội dung, chương trình dạy học của các nhà trường; Yêu cầu Trưởng phòng GD&ĐT, Thủ trưởng các đơn vị trực tiếp hướng dẫn, chỉ đạo, kiểm tra công tác xây dựng kế hoạch học trực tuyến; cùng với Tổ trưởng chuyên môn, giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn chịu trách nhiệm về chất lượng dạy học trực tuyến và công tác phối hợp với phụ huynh trong quản lý, giám sát học sinh đảm bảo thực hiện mục tiêu kép.
Bên cạnh đó, Sở GD&ĐT thành lập tổ kiểm tra công tác triển khai dạy học đối với giáo viên các nhà trường trên toàn tỉnh; theo dõi, thống kê online tình hình triển khai thực hiện tại các nhà trường, tiếp nhận thông tin phản hồi để kịp thời nắm bắt, đánh giá, điều chỉnh phù hợp.
Ông Trịnh Văn Mừng – Phụ trách Phòng Giáo dục phổ thông, Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc chia sẻ: Học trực tuyến chỉ có hiệu quả khi học sinh đủ khả năng sử dụng công nghệ thông tin, có ý thức tự học. Việc học đồng bộ các môn là rất khó khăn trong việc tổ chức sắp xếp thời khóa biểu, quản lý, khả năng đáp ứng của người học cũng như hạn chế về máy móc, thiết bị học tập trong mỗi gia đình. Vì thế, Sở chỉ đạo tập trung đặc biệt cho học sinh THPT, học sinh chuẩn bị thi chuyển cấp; các trường tính toán sắp xếp thời khóa biểu, kế hoạch dạy học theo thời gian hợp lý, linh hoạt, khuyến khích sáng tạo trong dạy và học của giáo viên, đáp ứng được mục tiêu học tập.
Chia sẻ về những thuận lợi và khó khăn trong triển khai dạy – học trực tuyến tại địa phương, bà Nguyễn Thị Thu Hường, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Bình Xuyên cho biết: Bình Xuyên hiện có 31/31=100% trường TH, THCS, TH&THCS đủ điều kiện tổ chức dạy học trực tuyến với 8189/8780 = 92,47% học sinh cấp THCS, 13408/14609 = 91,78% học sinh cấp Tiểu học tham gia học trực tuyến.
Đặc biệt, Bình Xuyên là huyện có nhiều KCN, việc triển khai dạy học trực tuyến bên cạnh những thuận lợi như cơ sở vật chất phục vụ dạy học trực tuyến ở nhà trường và gia đình được quan tâm đầu tư hơn; hầu hết giáo viên, học sinh đã quen với hình thức dạy học này; các văn bản chỉ đạo được cập nhật kịp thời... thì vẫn còn một số khó khăn như phần lớn cha mẹ học sinh bận đi làm nên việc phối hợp với phụ huynh để giám sát, quản lý học trực tuyến đối với học sinh còn hạn chế; Hạ tầng kỹ thuật chưa được đầu tư đồng bộ nên nhiều khi đường truyền không ổn định làm ảnh hưởng đến kế hoạch và chất lượng dạy học. Nhiều gia đình khó khăn không có các phương tiện cho con học trực tuyến...
“Để đảm cho việc dạy – học trực tuyến đạt hiệu quả cao, Phòng GD&ĐT huyện Bình Xuyên đã chỉ đạo các trường chuẩn bị các điều kiện cơ sở vật chất, nhân lực; Hướng dẫn các trường xây dựng kế hoạch dạy học phù hợp với điều kiện thực tế của nhà trường; Phối hợp chặt chẽ giữa giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn, phụ huynh học sinh, các đoàn thể của trường và các tổ chức, đoàn thể ở địa phương để hỗ trợ, quản lý, giám sát học sinh học tập.
Áp dụng linh hoạt các hình thức dạy học để đảm bảo 100% học sinh được học tập, được kiểm tra, đánh giá thường xuyên theo khung kế hoạch thời gian năm học và kế hoạch giáo dục của nhà trường. Đồng thời, Phòng yêu cầu các trường gửi Kế hoạch và Thời khóa biểu dạy online (kèm tài khoản đăng nhập của từng môn) trước ngày triển khai thực hiện để quản lý, giám sát...”- bà Hường cho biết thêm.
Tại huyện Tam Đảo – địa phương có điều kiện kinh tế còn thấp so với mặt bằng chung của tỉnh, ông Lưu Văn Bảo, Trưởng Phòng GD&ĐT chia sẻ về về những khó khăn trong việc dạy học trực tuyến như: Nhiều gia đình còn thiếu thiết bị phục vụ cho việc học của học sinh, chất lượng thiết bị chưa cao nên, một số gia đình còn mải lo làm kinh tế mà chưa thực sự quan tâm tới việc học tập của con em mình....
Tuy nhiên, các nhà trường đã phối hợp với gia đình khắc phục những khó khăn, bất cập để việc dạy và học đạt kết quả tốt nhất. Cụ thể, đối với giáo viên có điều kiện dạy học trực tuyến tại nhà thì triển khai ngay tại nhà hoặc có thể đến trường để sử dụng thiết bị dạy học trực tuyến tại trường. Đối với học sinh lớp 1, 2, các em còn chưa thành thạo trong việc sử dụng thiết bị thì giáo viên bố trí dạy vào buổi tối để bố mẹ các em có điều kiện kèm cặp, hướng dẫn. Ngoài ra, Phòng cũng thường xuyên kiểm tra việc dạy trực tuyến của giáo viên qua tài khoản đăng ký trước để công tác dạy – học đạt kết quả cao.