Đặt mục tiêu đến năm 2050, vùng Đông Nam Bộ có GRDP/người đạt tới 54.000 USD

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Từ nay đến 2030, Đông Nam Bộ đặt mục tiêu tăng trưởng GRDP bình quân mỗi năm 8% - 9%, cao hơn giai đoạn 2011-2022 từ 2,5 - 3,5%.

Đây là một trong các mục tiêu phát triển kinh tế tại quy hoạch vùng Đông Nam Bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được công bố tại hội nghị lần 3 Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ, diễn ra hôm nay 5/5 tại tỉnh Tây Ninh, do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì.

Hội nghị lần 3 Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ. Ảnh: T.Hải

Hội nghị lần 3 Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ. Ảnh: T.Hải

Tăng trưởng GRDP bình quân mỗi năm 8%- 9%

Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch - Đầu tư, về tốc độ tăng trưởng của Đông Nam Bộ chưa xứng với tiềm năng khi giai đoạn 2011-2022 chỉ đạt bình quân mỗi năm 5,5%. Đây là mức thấp nhất trong 6 vùng và thấp hơn bình quân cả nước (6,05%).

Theo quy hoạch, Đông Nam Bộ phấn đấu tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021 - 2030 mỗi năm đạt khoảng 8-9%. Tỷ trọng khu vực dịch vụ chiếm khoảng 41- 42% trong GRDP; khu vực công nghiệp và xây dựng 45-46% (riêng công nghiệp chế biến, chế tạo khoảng 33%); khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 2-3%...

Chỉ tiêu này được đưa ra dựa trên ba kịch bản tăng trưởng đặt trong bối cảnh trong, ngoài nước thuận lợi đến rất thuận lợi và mục tiêu của Nghị quyết 24 về phát triển kinh tế xã hội vùng Đông Nam Bộ. Hiệu quả vốn đầu tư (hệ số ICOR) từ 4,6-4,3. Giai đoạn này, vùng huy động vốn đầu tư 15,7-17,7 triệu tỷ đồng.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng. Ảnh: T.Hải

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng. Ảnh: T.Hải

Cùng với mục tiêu tăng trưởng, quyết định quy hoạch vùng của Thủ tướng đặt mục tiêu GRDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt khoảng 380-420 triệu đồng, tương đương 14.500 - 16.000 USD.

Đến năm 2050, Đông Nam Bộ sẽ trở thành vùng phát triển, có thu nhập cao, tiềm lực kinh tế mạnh, cơ cấu hiện đại. Tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2031-2050 khoảng 7,5% một năm, và GRDP đầu người khoảng 54.000 USD.

Đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù mới

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng cho hay, để thực hiện các mục tiêu trên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan trung ương và các địa phương trong Vùng nghiên cứu, rà soát các nhóm chính sách thuộc 5 ngành, lĩnh vực: Nhóm chính sách về đầu tư hạ tầng giao thông kết nối và huy động nguồn lực; Nhóm chính sách về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo; Nhóm chính sách về phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế, cảng biển; Nhóm chính sách về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; Nhóm chính sách về đất đai và xây dựng.

Nội dung rà soát tập trung làm rõ sự cần thiết đề xuất ban hành chính sách mới hoặc tính hiệu quả của các chính sách hiện hành, đối tượng, địa bàn, nội dung, định mức cũng như mục tiêu cụ thể của từng nhóm chính sách tới địa bàn các địa phương của Vùng.

Trên cơ sở đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất, kiến nghị các cơ quan liên quan nghiên cứu, rà soát, sửa đổi tích hợp, lồng ghép các cơ chế, chính sách và tập trung bố trí nguồn lực thực hiện để đảm bảo tính nhất quán và hiệu lực, hiệu quả của chính sách.

Hội nghị lần 3 Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ, diễn ra hôm nay 5/5 tại tỉnh Tây Ninh, do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì.

Hội nghị lần 3 Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ, diễn ra hôm nay 5/5 tại tỉnh Tây Ninh, do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì.

Trong đó, tập trung vào các chính sách huy động nguồn lực, nhất là đối với các địa phương có khả năng thu lớn, tạo điều kiện để đầu tư cơ sở hạ tầng, nhất là các tuyến đường sắt đô thị, cao tốc, quốc lộ và Vành đai 4 TP.HCM đi qua địa bàn các tỉnh; đồng thời ưu tiên các chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, khuyến khích nhân tài, làm cơ sở phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo của Vùng.

Kết luận Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định thời gian qua, Chính phủ, Hội đồng vùng đã hoàn thiện thể chế, có tư duy phương pháp luận và cách tiếp cận mới thực hiện các nhiệm vụ, triển khai Nghị quyết của Bộ Chính trị, Nghị quyết của Quốc hội về phát triển vùng Đông Nam Bộ và các tỉnh, thành phố thuộc vùng; xây dựng, phê duyệt các Quy hoạch vùng, tỉnh, thành phố.

Cùng với đó, cả hệ thống chính trị, nhất là người đứng đầu, lãnh đạo các tỉnh, thành phố, người dân, doanh nghiệp đều tập trung dồn trí, lực cho phát triển vùng; với tinh thần chủ động, sáng tạo, khát vọng cao.

Qua đó, hạ tầng vùng Đông Nam Bộ đang được tập trung đầu tư với các dự án lớn như sân bay Long Thành, các tuyến đường kết nối, các cao tốc; đang tích cực hình thành Trung tâm tài chính tại TP.HCM, Trung tâm thương mại tự do tại Bà Rịa-Vũng Tàu (khu Cái Mép-Thị Vải)…

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao sự phát triển của vùng Đông Nam Bộ thời gian qua.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao sự phát triển của vùng Đông Nam Bộ thời gian qua.

Theo Thủ tướng, kết quả phát triển kinh tế-xã hội thời gian vừa qua đã khẳng định rõ nét hơn vị trí, vai trò quan trọng của vùng Đông Nam Bộ; là vùng kinh tế năng động, đi đầu trong đổi mới, sáng tạo và phát triển, và là vùng đầu tàu kinh tế lớn nhất cả nước. Đông Nam Bộ có diện tích chiếm 7,1% và dân số chiếm 18,9% nhưng đã đóng góp 31% GDP, 38% tổng thu ngân sách Nhà nước và 32% kim ngạch xuất khẩu cả nước.

Tuy nhiên, Thủ tướng Chính phủ thẳng thắn chỉ rõ, vùng Đông Nam Bộ phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, vị thế: Mô hình tăng trưởng chậm chuyển đổi; mạng lưới kết cấu hạ tầng của vùng và liên vùng còn thiếu, yếu, chưa đồng bộ, quá tải; tình trạng ô nhiễm môi trường, ngập úng chậm được cải thiện; liên kết vùng thiếu chặt chẽ, chưa tạo được không gian kinh tế thống nhất nhằm phát huy lợi thế cạnh tranh của mỗi địa phương và toàn vùng.

Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu vùng Đông Nam Bộ cần tập trung đào tạo phát triển nguồn nhân lực, thu hút nhân tài, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; đẩy mạnh các hoạt động liên kết phát triển đồng bộ hệ thống hạ tầng kinh tế-xã hội; đẩy mạnh liên kết các chuỗi đô thị, chuỗi cung ứng, logistics, dịch vụ chất lượng cao...

"Đặc biệt, cần đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông để nhân dân hiểu, nắm rõ, ủng hộ, làm theo, giám sát việc thực hiện quy hoạch và thụ hưởng với tinh thần "Dân biết - Dân bàn - Dân làm - Dân kiểm tra - Dân giám sát - Dân thụ hưởng", Thủ tướng nêu rõ.

Thủ tướng lưu ý các bộ, ngành, địa phương trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ chủ động xây dựng cơ chế, chính sách, phối hợp chặt chẽ triển khai hiệu quả Nghị quyết số 24-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 154/NQ-CP của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ triển khai Nghị quyết số 24; đoàn kết, đồng lòng, hỗ trợ lẫn nhau, cùng nhau giải quyết các vấn đề của vùng, liên tỉnh, thành phố trong vùng; nghiên cứu việc xây dựng các quỹ, cơ chế để hỗ trợ các dự án lớn, quan trọng của vùng Đông Nam Bộ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nam Định FC thua đáng tiếc Thể Công Viettel trên sân Hàng Đẫy.

Nam Định thua sốc Thể Công Viettel

GD&TĐ - Xuất sắc đánh bại Nam Định trên sân nhà, Thể Công Viettel cải thiện đáng kể vị trí trên bảng xếp hạng sau vòng đấu thứ 19.