Các tỉnh miền Đông Nam Bộ: Thị trường lao động sôi động trở lại

GD&TĐ - Sau Tết Nguyên đán, hàng loạt doanh nghiệp ở phía Nam tăng cường tuyển dụng lao động bù đắp nhân sự hao hụt trước đó và chạy tiến độ sản xuất.

Công nhân quận Phú Nhuận, TPHCM được tư vấn, chăm sóc sức khỏe. Ảnh: LĐLĐ quận Phú Nhuận
Công nhân quận Phú Nhuận, TPHCM được tư vấn, chăm sóc sức khỏe. Ảnh: LĐLĐ quận Phú Nhuận

Sau Tết Nguyên đán, hàng loạt doanh nghiệp ở phía Nam tăng cường tuyển dụng lao động bù đắp nhân sự hao hụt trước đó và chạy tiến độ sản xuất. Nhiều khu công nghiệp cũng được rót vốn, mở rộng quy mô.

Tín hiệu vui cho thị trường lao động

Theo Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TPHCM Nguyễn Tăng Minh, nhu cầu nhân lực sau Tết Nguyên đán năm 2024 khoảng 52.000 chỗ làm việc. Trong đó, khu vực thương mại - dịch vụ chiếm 70,56% tổng nhu cầu nhân lực; khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm 28,66% và khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 0,78%. Nhu cầu nhân lực của 4 ngành công nghiệp trọng yếu chiếm 20,77% và 9 ngành dịch vụ chủ yếu chiếm 59,23%. Xét về trình độ, nhu cầu nhân lực lao động qua đào tạo chiếm 86,55%, trong đó nhu cầu nhân lực có trình độ sơ cấp chiếm 19,74%, trung cấp chiếm 27,77%, cao đẳng chiếm 19,61%, đại học trở lên chiếm 20,43%.

Sau Tết Nguyên đán, Trung tâm Dịch vụ việc làm TPHCM đã tiếp nhận thông tin đăng ký tuyển dụng của 102 doanh nghiệp với tổng nhu cầu tuyển hơn 19.000 vị trí việc làm trống. Trong đó, nhu cầu tuyển dụng tập trung ở các ngành da giày - may mặc chiếm 42,76% tổng nhu cầu tuyển dụng.

Không chỉ ở TPHCM, hàng loạt doanh nghiệp tại các khu chế xuất, khu công nghiệp ở Bình Dương, Đồng Nai… liên tục tuyển dụng công nhân sau Tết Nguyên đán với nhiều ưu đãi, phúc lợi. Thị trường lao động, việc làm những ngày đầu năm diễn ra khá sôi động. Theo dự báo của Sở LĐ-TB&XH Bình Dương, nhu cầu tuyển dụng lao động trong những tháng đầu năm 2024 chủ yếu tập trung ở lĩnh vực may mặc, giày da, gỗ... Trong 6 tháng đầu năm, các doanh nghiệp cần khoảng 25.000 - 30.000 lao động (trong đó chủ yếu là lao động phổ thông và lao động có tay nghề chiếm 80%). Nguồn lực lao động chủ yếu bổ sung cho số lao động thiếu hụt sau Tết.

Còn tại Đồng Nai, Trung tâm Dịch vụ việc làm cho biết, đầu năm 2024, nhiều doanh nghiệp có đơn hàng nên đã tăng cường tuyển lao động ngay từ đầu năm mới. Tính đến ngày 15/2, gần 150 doanh nghiệp đăng ký tuyển 15.000 lao động ở 15 ngành nghề, trong đó, lao động phổ thông chiếm phần lớn với gần 14.000 người. Các ngành nghề tuyển nhiều gồm: May mặc, giày da, điện tử… Đây được xem là tín hiệu vui cho thị trường lao động đầu năm, vừa là cơ hội để lao động thất nghiệp sớm tìm lại việc làm sau nghỉ Tết.

Ảnh minh họa ITN.

Ảnh minh họa ITN.

Thu hút mạnh nguồn vốn đầu tư

Năm 2024, Ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai đề ra mục tiêu thu hút khoảng 2.000 tỷ đồng từ các dự án đầu tư trong nước vào các khu công nghiệp. Đến giữa tháng 2/2024, tỷ lệ này đã gần đạt kế hoạch, với số vốn đầu tư trong nước đạt khoảng 1.940 tỷ đồng, mặc dù đang diễn ra nhiều khó khăn trong tình hình kinh tế.

Trong bối cảnh doanh nghiệp phải đối mặt với sự tái cấu trúc và cân nhắc kỹ lưỡng về việc đầu tư vào các dự án mới, các khu công nghiệp ở Đồng Nai vẫn thu hút mạnh mẽ vốn đầu tư từ các nhà đầu tư trong nước. Điều này cho thấy sức hấp dẫn của các khu công nghiệp tại địa phương này với doanh nghiệp trong và ngoài nước vẫn lớn.

Dòng vốn này chủ yếu được doanh nghiệp đầu tư vào cải thiện hạ tầng kỹ thuật của khu công nghiệp và mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh. Điều này dự kiến sẽ đóng góp tích cực cho sự phát triển và tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Theo đánh giá của các doanh nghiệp, nếu một số khó khăn, vướng mắc trong khu công nghiệp liên quan đến hồ sơ thủ tục, đất đai… được giải quyết, các khu công nghiệp sẽ đón dòng vốn lớn của doanh nghiệp có vốn đầu tư trong nước rót vào lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật. Dự kiến trong thời gian sắp tới, tỉnh Đồng Nai sẽ thành lập thêm 6 khu công nghiệp mới, với dự định vốn đầu tư hạ tầng kỹ thuật có thể lên đến vài nghìn tỷ đồng mỗi khu.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ