Thủ tướng chủ trì hội nghị Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ

GD&TĐ - Ngày 18/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ đã chủ trì Hội nghị lần thứ nhất của Hội đồng.

Ra mắt Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ.
Ra mắt Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ.

Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ được thành lập nhằm đổi mới cơ chế điều phối Vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Vùng nhanh, bền vững, bảo vệ môi trường và bảo đảm quốc phòng - an ninh.

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đặc biệt là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng rất trăn trở với việc triển khai đường lối Đại hội XIII của Đảng về 6 vùng kinh tế - xã hội.

Trong năm 2022, Bộ Chính trị đã ban hành 6 nghị quyết về 6 vùng kinh tế - xã hội và Chính phủ đã ban hành chương trình hành động để triển khai thực hiện các nghị quyết này.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị lãnh đạo các tỉnh, thành phố thành viên Hội đồng vùng cần tập trung chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, chương trình, dự án, các hoạt động liên kết vùng bảo đảm đồng bộ, nhất quán và hiệu quả, phù hợp với quy định pháp luật và các quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Thủ tướng lưu ý, hiện chúng ta đang tập trung cho 3 động lực tăng trưởng, gồm: Tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu. Do đó, phải gắn nhiệm vụ phát triển Vùng với 3 đột phá chiến lược và 3 động lực tăng trưởng này.

Trong đó, cần đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cắt giảm các thủ tục hành chính rườm rà, nâng cao trách nhiệm đội ngũ cán bộ, cải thiện môi trường đầu tư thông thoáng; đổi mới tư duy trong trong việc vay vốn; cố gắng lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư, kích hoạt mọi nguồn lực của xã hội…

Thủ tướng mong muốn vùng Đông Nam Bộ tiên phong trong những nhiệm vụ này.

Theo Thủ tướng, với diện tích chiếm 9% và dân số chiếm 20%, nhưng vùng Đông Nam Bộ đã đóng góp hơn 30% GDP, khoảng 45% tổng thu ngân sách Nhà nước và hơn 32% kim ngạch xuất khẩu cả nước.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương hoàn thành quy hoạch, các thành viên Hội đồng tập trung chỉ đạo công tác quy hoạch, đặc biệt là quy hoạch TPHCM, quy hoạch vùng.

“Chính phủ, Thủ tướng cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, phối hợp với TPHCM, cần phát huy tối đa mọi tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh, hoá giải tốt nhất mọi hạn chế, yếu kém, mâu thuẫn của vùng; trước mắt xử lý 3 vấn đề, gồm: Ách tắc giao thông, bảo vệ môi trường, giải quyết vấn đề nhà ở.

Chủ động nghiên cứu, đề xuất các cơ chế; thúc đẩy thực hiện Nghị quyết 98 của Quốc hội; nghiên cứu các cơ chế đột phá cho Vùng, nhất là nguồn lực, các cơ chế ưu tiên; nguyên tắc nguồn lực bắt nguồn tư duy, động lực bắt nguồn từ đổi mới, sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.

Thủ tướng yêu cầu hỗ trợ các địa phương trong Vùng giải quyết các vấn đề liên tỉnh, thành phố không thuộc thẩm quyền của các địa phương. Có vấn đề phát sinh thực tế mà liên quan nhiều địa phương thì khẩn trương đề xuất Hội đồng; có sự đoàn kết, thống nhất, đặt lợi ích chung lên trên hết; vượt thẩm quyền thì báo cáo.

Riêng đối với TPHCM, Thủ tướng đề nghị thành phố phải bắt tay ngay vào công việc, gắn việc triển khai Nghị quyết 98 của Quốc hội với việc triển khai công việc của Hội đồng, vì TPHCM là đầu tàu, trung tâm, hạt nhân của Vùng. Vì vậy cần tập trung vào kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại, đi tiên phong…

Tại Hội nghị, đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, chuyên gia, đã trình bày nhiều tham luận liên quan các vấn đề, gồm: Giải pháp phối hợp và thu hút nguồn lực xây dựng mạng lưới giao thông vùng Đông Nam Bộ đồng bộ, hiện đại; giải pháp điều phối, xây dựng và phát triển các đô thị lớn trong Vùng trở thành các thành phố hiện đại mang tầm cỡ khu vực; giải pháp hình thành và đẩy mạnh phát triển trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, trí tuệ nhân tạo tại TPHCM, Bình Dương và Đồng Nai.

Các đại biểu cũng đưa ra giải pháp xử lý các vấn đề về môi trường, ngập úng thích ứng với biến đổi khí hậu, trong đó tập trung vào giải pháp bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai và sông Sài Gòn; lập quy hoạch TPHCM với vai trò trung tâm Vùng gắn với định hướng kết nối đô thị, kết cấu hạ tầng, thúc đẩy liên kết nội vùng và liên vùng; đề xuất cơ chế, chính sách đặc thù vùng Đông Nam Bộ, nhằm phát triển hạ tầng giao thông, đô thị xanh, trung tâm tài chính…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ