Đông Nam Bộ cần có chính sách đột phá riêng về giáo dục

GD&TĐ - Ngày 18/4,  Hội nghị phát triển GD&ĐT vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã diễn ra tại Bình Dương.

Ban chủ tọa Hội nghị phát triển GD&ĐT vùng Đông Nam Bộ.
Ban chủ tọa Hội nghị phát triển GD&ĐT vùng Đông Nam Bộ.

Tham dự hội nghị có ông Trần Hồng Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; ông Hầu A Lềnh, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; ông Nguyễn Đắc Vinh, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội; ông Nguyễn Kim Sơn, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT; cùng lãnh đạo các tỉnh khu vực Đông Nam Bộ, lãnh đạo các bộ ngành Trung ương và địa phương.

Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, vùng Đông Nam Bộ cần phải có chính sách đột phá riêng cho mình.

Quang cảnh Hội nghị.

Quang cảnh Hội nghị.

Nhiều kiến nghị tháo gỡ phát triển giáo dục vùng

Báo cáo tình hình phát triển giáo dục khu vực Đông Nam Bộ giai đoạn 2011-2022, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc cho biết: Trong 10 năm qua việc tiếp cận và đảm bảo công bằng giáo dục của khu vực rất tốt. Hệ thống trường lớp học được củng cố, mở rộng và phân bố đều đến hầu hết các địa bàn từ nội thành đến ngoại thành, từ thành thị đến vùng sâu, vùng xa, đáp ứng nhu cầu học tập đa dạng của người dân.

Về cơ bản, 100% đơn vị cấp xã đều có trường mầm non và tiểu học. Hầu hết các xã đã có trường trung học cơ sở (THCS), các huyện đều có trường trung học phổ thông (THPT). Nhiều địa phương đã xây dựng các trường THCS, THPT liên xã.

Tính tới năm học 2020 - 2021, toàn vùng có 7.871 cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, thường xuyên (tăng 1.007 cơ sở so với năm học 2010 - 2011), trong đó, bậc mầm non tăng hơn 1.000 trường. Tỷ lệ lớp, trường các cấp học trong khu vực Đông Nam Bộ đều đứng thứ nhất trong sáu vùng kinh tế - xã hội và cao hơn so với bình quân cả nước.

Các đại biểu trao đổi bên lề hội nghị.

Các đại biểu trao đổi bên lề hội nghị.

Có được những điều đó, theo Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc là do toàn vùng đã có sự đầu tư nguồn lực rất lớn. Tổng số vốn đầu tư công được phân bổ cho phát triển giáo dục trong vùng Đông Nam Bộ đối với các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ GD&ĐT trong giai đoạn 2010 - 2020 là hơn 4.512,803 tỷ đồng (trong đó vốn trong nước 1.264,206 tỷ đồng, vốn nước ngoài 3.248,597 tỷ đồng) tương đương 29% tổng vốn phân bổ...

Tuy đạt được nhiều thành tựu, nhưng vùng Đông Nam Bộ vẫn còn nhiều hạn chế phải khắc phục và tìm kiếm giải pháp để thúc đẩy phát triển giáo dục.

Tồn tại lớn nhất là việc rà soát, sắp xếp mạng lưới trường, lớp ở một số nơi còn chưa thực sự khoa học, hiệu quả, chưa đảm bảo môi trường học tập cho trẻ em, học sinh. Đặc biệt, còn nhiều cơ sở giáo dục mầm non có quy mô nhỏ lẻ, mang tính chất tự phát, manh mún, thiếu ổn định, cơ sở vật chất thiết bị còn hạn chế, các điều kiện đảm bảo chất lượng còn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho trẻ.

Mạng lưới cơ sở giáo dục chưa đồng đều giữa các khu vực, cơ hội tiếp cận giáo dục có chất lượng chưa bảo đảm thực sự công bằng đối với các nhóm yếu thế. Tỷ lệ học sinh dân tộc thiểu số và học sinh khuyết tật đi học đúng độ tuổi còn thấp so với 6 vùng kinh tế - xã hội.

Kết cấu hạ tầng ngành giáo dục chưa theo kịp sự phát triển của vùng. Tình trạng quá tải tại các trường học còn chưa được khắc phục. Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia thấp nhất cả nước. Đặc biệt, tại các khu vực đông dân cư, khu đô thị mới vẫn còn tình trạng thiếu trường, thiếu lớp.

Ông Nguyễn Đắc Vinh, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội chia sẻ nhiều vấn đề tâm huyết tại hội nghị.

Ông Nguyễn Đắc Vinh, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội chia sẻ nhiều vấn đề tâm huyết tại hội nghị.

Ghi nhận những cố gắng của vùng Đông Nam Bộ trong phát triển giáo dục giai đoạn 2011-2022, ông Nguyễn Đắc Vinh, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, cho rằng nếu nhìn sâu vào các chỉ số, vùng Đông Nam Bộ cũng có không ít khó khăn và thách thức. Tỉ lệ trường chuẩn của khu vực là thấp nhất cả nước, nhất là GD Mầm non (MN) có nhiều khó khăn và có nhiều chỉ số thấp hơn so với các khu vực khác, cũng như so với vị trí và tầm quan trọng của khu vực. Hiện vùng chỉ có 23% trường MN đạt chuẩn là khá thấp.

Nguyên nhân là do dân số gia tăng cơ học quá nhanh đã kéo giảm các nỗ lực của toàn vùng. Đây rõ ràng là một thách thức rất lớn mà toàn vùng cần phải tháo gỡ.

Đặc điểm của vùng là có nhiều KCN, số trẻ và số học sinh tăng nhanh và tăng cao, khiến áp lực xây trường lớp, đảm bảo các tiêu chí là rất khó khăn. Vì vậy, các bộ ngành địa phương cần phải có kế hoạch và sự chủ động đầu tư nguồn lực cho vùng.

Vùng cũng là khu vực thiếu giáo viên rất nhiều. Nguyên nhân do chế độ chính sách đãi ngộ giáo viên chưa có sự đột phá. Vì vậy vùng cần nghiên cứu cơ chế, chính sách để có thể tạo sức hút hơn, giải tỏa áp lực tuyển dụng giáo viên.

Về đào tạo nhân lực, hiện vùng có 35 trường công lập đủ và đảm bảo được việc cung ứng nguồn nhân lực cho toàn vùng. Tuy vậy, theo ông Vinh để có nguồn nhân lực chất lượng cao và tốt, gia nhập được thị trường lao động khu vực ASEAN, thì các bộ ngành, Chính phủ cần sớm tháo gỡ và sớm ban hành các đề án trọng điểm của ĐHQG TPHCM trong việc xây dựng và phát triển đào tạo nguồn nhân lực chất lượng mũi nhọn cho vùng trong tương lai.

Ưu tiên phát triển đào tạo nhân lực gắn với quy hoạch vùng

Theo Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc, vùng Đông Nam Bộ đặt mục tiêu đến năm 2030 tầm nhìn 2045, giáo dục vùng sẽ đứng đầu cả nước và thuộc nhóm dẫn đầu Đông Nam Á.

Đến năm 2025, đạt huy động ít nhất 35% trẻ em trong độ tuổi nhà trẻ, 95% trẻ em trong độ tuổi mẫu giáo được đến trường. Tỷ lệ huy động trẻ em trong các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập chiếm từ 30% trở lên.

Đến năm 2030, huy động được 40% trẻ em trong độ tuổi nhà trẻ, 97% trẻ em trong độ tuổi mẫu giáo đến trường.

Về giáo viên, phấn đấu đến năm 2030, đủ số lượng theo quy định, 100% giáo viên đạt trình độ đào tạo từ cao đẳng sư phạm mầm non trở lên, 85% giáo viên đạt chuẩn nghề nghiệp mức độ khá trở lên.

Phấn đấu đến 2030 có ít nhất 40% số trường mầm non được công nhận đạt chuẩn quốc gia; tỷ lệ cơ sở giáo dục đạt chuẩn quốc gia với giáo dục tiểu học khoảng 65%, THCS khoảng 76% và THPT khoảng 60%; giáo dục phổ thông vùng Đông Nam Bộ đứng đầu cả nước.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu, chia sẻ ý kiến tại hội nghị.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu, chia sẻ ý kiến tại hội nghị.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cho biết: Sau khi lắng nghe những báo cáo về công tác phát triển và định hướng phát triển giáo dục của toàn vùng Đông Nam Bộ, cá nhân ông đánh giá cao công tác triển khai các nghị quyết của Chính phủ trong phát triển kinh tế và giáo dục trong giai đoạn qua.

Đông Nam Bộ là trung tâm phát triển lớn nhất của cả nước, những việc làm được trong thời gian qua như phát triển đồng bộ, bền vững từ chỉ tiêu kinh tế, xã hội, giáo dục là rất đáng ghi nhận. Các chỉ số về giáo dục tuy chưa cao nhưng qua các đánh giá chất lượng học sinh, giáo viên, hệ thống trường lớp... cho thấy sự cố gắng của toàn vùng là rất lớn, dù vẫn còn nhiều thách thức, khó khăn mà vùng cần phải sớm khắc phục, vượt qua - Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.

Theo Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Đảng và Chính phủ đã xác định tính quan trọng và thiết yếu của việc có một lực lượng nhân lực chất lượng bằng công cuộc đổi mới giáo dục (thông qua Nghị quyết 13 và 29) khi đặt mục tiêu đổi mới toàn diện, đổi mới căn bản nền giáo dục.

"Đây chính là mục tiêu lớn để chúng ta có một nguồn nhân lực chất lượng để phục vụ cho công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong quá trình phát triển và hội nhập. Mà để làm được điều đó thì cần phải có phương pháp thực hiện khoa học, lộ trình và tiến trình đổi mới thực hiện một cách khoa học. Giáo dục phải là sự toàn diện, có tính dân tộc, truyền thống.

Việc đổi mới giáo dục, việc kết nối liên thông các bậc học hiện nay sao cho hiệu quả, việc gắn kết công tác đào tạo với các định hướng phát triển kinh tế vùng như thế nào để sớm có một lực lượng lao động khoa học kỹ thuật cao là bài toán mà vùng kinh tế Đông Nam Bộ phải tính toán", Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chia sẻ.

Đánh giá và ghi nhận các kiến nghị đóng góp của các địa phương tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết: Chúng ta bàn nhiều về cơ hội và thách thức, thách thức và cơ hội trong phát triển giáo dục gắn với phát triển vùng Đông Nam Bộ. Các vấn đề đã được phân tích sâu, ở nhiều chiều từ các địa phương trong vùng, điều đó cho thấy tâm huyết rất lớn của các đại biểu.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại hội nghị.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại hội nghị.

Đông Nam Bộ là khu vực bao gồm cả những nấc thang cao nhất của giáo dục, cả những phần thấp nhất của giáo dục, là khu vực mà vẫn còn tỉ lệ người mù chữ, vẫn còn lớp học tình thương dành cho con em người lao động không có chỗ học.

Với vùng Đông Nam Bộ cần phải chú ý tạo một lớp thị dân mới, những con người ở các đô thị với lối sống kỷ cương, tuân thủ pháp luật, những công dân số và biết sống văn minh trong môi trường đô thị. Vì thế cần phải giáo dục những nội dung này ngay từ trong quá trình chuyển từ nông thôn sang đô thị - đây là một vấn đề trong dạy người của các tỉnh miền Đông.

Vùng cần làm tốt Chương trình giáo dục phổ thông 2018, gốc của chất lượng nhân lực không đâu khác phải bắt đầu từ bậc phổ thông cho tốt.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cũng cho rằng nhân lực khoa học, kỹ thuật, công nghệ phải được khu vực đặt thành hướng ưu tiên trọng tâm. Trong đó, khu vực phải tập trung phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng nhân tài trong các lĩnh vực, đặc biệt là công nghệ, kỹ thuật, khoa học, đổi mới, sáng tạo, quản trị, điều hành…

Đại biểu tại hội nghị.

Đại biểu tại hội nghị.

Trong cả 3 tầng hướng nhân - nhân lực - nhân tài, cần phải thực hiện mấy “hoá” mới đi đến kết quả. Trước hết là hợp lý hoá. Sự phân bổ các trường đại học ngay trong vùng hiện không đồng đều, TPHCM tập trung quá nhiều, Tây Ninh, Bình Phước không có. Đây là sự bất hợp lý cần sắp xếp lại. Hệ thống cơ cấu ngành nghề cũng phải cần rà soát.

Song song đó phải phát huy tốt hơn nữa xã hội hoá giáo dục, quốc tế hoá, hiện đại hoá, số hoá và phổ cập hoá. Đó là những vấn đề chúng ta đang làm theo đổi mới căn bản, toàn diện, nhưng sự đổi mới đó trong bối cảnh khu vực Đông Nam Bộ có những cái khác hơn. Bởi Đông Nam Bộ có số lượng người trẻ, dân số trẻ, khí thế trẻ, sự phát triển nhu cầu cao - đây chính là cơ hội to lớn cho vùng thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội, giáo dục...

Tại hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn gửi đến lãnh đạo các tỉnh/thành Đông Nam Bộ lời cảm ơn khi trong suốt thời gian qua đã ủng hộ cho ngành giáo dục, đã không ngừng có những chính sách để đổi mới giáo dục, đặc biệt đã cùng ngành giáo dục thực hiện nhiều chính sách, cố gắng tuyệt vời trong công tác chống dịch Covid-19 và duy trì việc học, kiên trì mục tiêu chất lượng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.

MIT miễn học phí cho sinh viên đến từ gia đình thu nhập thấp.

MIT miễn học phí cho sinh viên

GD&TĐ - Từ học kỳ mùa Thu năm 2025, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), sẽ miễn học phí cho sinh viên thuộc gia đình có thu nhập dưới 200 nghìn USD.