Sau khi được bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 84/NQ-CP về dự án xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai số 31/2024/QH15, Luật Nhà ở số 27/2023/QH15, Luật Kinh doanh bất động sản số 29/2023/QH15, Luật Các tổ chức tín dụng số 32/2024/QH15, trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến và biểu quyết thông qua tại đợt 2, Kỳ họp thứ Bảy theo trình tự, thủ tục rút gọn.
Theo đó, Chính phủ thống nhất thông qua dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật nêu trên theo đề nghị của Bộ Tài nguyên và Môi trường tại Tờ trình số 60/TTr-BTNMT ngày 7/6/2024 và hồ sơ liên quan kèm theo.
Cụ thể, sửa đổi, bổ sung Khoản 1, Điều 252 Luật Đất đai như sau: Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/8/2024, trừ trường hợp quy định tại Khoản 2 và Khoản 3 Điều này. Điều 253; Điều 254 (trừ Khoản 4 và Khoản 5); Điều 255 (trừ Khoản 8); Điều 256 (trừ Khoản 2 và Khoản 4); Điều 257 (trừ Khoản 1); Điều 258; Điều 259; Điều 260 (trừ các Khoản 12, 14 và 15) của Luật Đất đai có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025.
Với Luật Nhà ở, sửa đổi, bổ sung Khoản 1, Điều 197 như sau: Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/8/2024. Sửa đổi, bổ sung Khoản 1, Điều 82 Luật Kinh doanh bất động sản số 29/2023/QH15 như sau: Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/8/2024. Về Luật Các tổ chức tín dụng, sửa đổi, bổ sung Khoản 2, Điều 209 như sau: Khoản 3, Điều 200 và Khoản 15, Điều 210 của Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/8/2024.
Tờ trình của Chính phủ tại Phiên họp thứ 16 của Ủy ban Kinh tế diễn ra hôm 11/6 đã nêu rõ, dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 4 luật trên nhằm tạo điều kiện để quản lý chặt chẽ, khai thác hiệu quả tài nguyên đất đai, phát triển nhà ở, phát triển thị trường bất động sản, đẩy mạnh thực hiện cải cách thủ tục hành chính, giảm thiểu chi phí tuân thủ, cắt giảm các khâu trung gian.
Bên cạnh đó, việc các luật này sớm có hiệu lực thi hành cũng sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp và người dân trong thực hiện quyền của người sử dụng đất, bảo vệ quyền lợi cho người có đất bị thu hồi, thúc đẩy sự tham gia hoạt động kinh doanh bất động sản, phát triển nhà ở cũng như giải quyết tranh chấp, khiếu nại đối với việc quản lý, vận hành nhà chung cư…
Đây là nỗ lực rất lớn của các cơ quan chức năng trong việc sớm đưa luật vào cuộc sống, hạn chế tối đa tình trạng luật chờ nghị định, nghị định chờ thông tư.
Như chính thừa nhận của Bộ trưởng Bộ Tư pháp (nay là Phó Thủ tướng Chính phủ) Lê Thành Long tại Phiên họp thứ 25 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra hồi tháng 8/2023 thì việc nợ, chậm ban hành là vấn đề đã từ lâu nhưng chưa giải quyết dứt điểm. Rằng nợ đọng văn bản của từng năm có sự trồi sụt nhất định. Dù đã rất cố gắng nhưng cũng có những nghị định nợ lâu và chưa được xử lý...
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, khi đó theo Bộ trưởng Lê Thành Long nhiều khi do nội dung quy định chi tiết quá nhiều như Luật Bảo vệ môi trường có tới 65 nội dung giao quy định chi tiết. Cũng có những luật, nghị quyết từ thời điểm thông qua đến thời điểm có hiệu lực ngắn nên phải cấp tốc soạn thảo ban hành các nghị định nhưng cũng không kịp. Ngoài ra còn có nguyên nhân do trình độ đội ngũ làm công tác xây dựng pháp luật.
Theo dự kiến, hôm nay, 13/6, tại Phiên họp thứ 34, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng sẽ cho ý kiến về dự án luật này. Như phát biểu khai mạc Phiên họp của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn thì dự án luật sửa 4 luật và việc giảm thuế giá trị gia tăng là những nội dung cấp thiết. Đảng đoàn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí và ủng hộ trình Quốc hội thông qua để đáp ứng các yêu cầu thực tiễn hiện nay...