(GD&TĐ) - Tại đền thờ Chu Văn An ở huyện Chí Linh, Hải Dương, Bộ GD&ĐT phối hợp Liên minh chiến dịch toàn cầu hành động vì Giáo dục vừa phát động Tuần lễ toàn cầu hành động vì giáo dục. Chủ đề của tuần lễ năm nay là Học sinh nào cũng có quyền có giáo viên tốt.
Đáp ứng “quyền có giáo viên tốt” không chỉ phải thay đổi cách làm hiện nay từ khâu đào tạo đến việc tuyển dụng, mà khi sử dụng cũng cần phải có sự quan tâm và đầu tư đúng mức.
Trước hết, về đào tạo, xin đề cập việc nâng cao chất lượng đầu vào các trường sư phạm. “Một bác sĩ mắc sai lầm có thể làm chết một bệnh nhân, còn một thầy giáo mắc sai lầm có thể làm hỏng một thế hệ”. Với lập luận như vậy, ngay từ đầu vào các trường sư phạm có quyền yêu cầu phải chọn người giỏi. Chưa kể, dạy học không chỉ là một nghề mà còn một nghệ thuật. Bởi vậy nó đòi hỏi người vào sư phạm phải có năng khiếu giao tiếp, diễn đạt. Đã có ý kiến đề nghị nên có thêm cuộc thi vấn đáp về năng khiếu để lựa chọn thí sinh vào ngành sư phạm.
Thứ hai, cần đầu tư rèn luyện các kỹ năng sư phạm. Trong quá trình đào tạo, trang bị các kỹ năng sư phạm cho sinh viên là khâu rất quan trọng. Nó quyết định sự thành công của người giáo viên trong tương lại. Hiện nay có đến 50% sinh viên sư phạm khi được hỏi đã trả lời “còn thiếu tự tin” khi đứng lớp. Bởi vậy, cần tăng cường thời lượng cho sinh viên thực tập, cọ xát ở trường phổ thông để rèn các kỹ năng sư phạm. Tiếc rằng mối quan hệ tương tác giữa trường sư phạm và hệ thống trường phổ thông hiện còn khá rời rạc.
Xe đưa rước học sinh "đi đến nơi về đến chốn" là một trong những biện pháp an toàn |
Về tuyển dụng, cần nhân rộng hình thức thi tuyển. Giữa tháng 4 vừa rồi, TP Đà Nẵng tổ chức tuyển dụng tám hiệu trưởng, phó hiệu trưởng các trường THCS trên địa bàn quận Hải Châu qua hình thức thi tuyển. Ai đủ điều kiện cũng có quyền đăng ký ứng thí. Người dự tuyển phải làm một bài thi viết và bảo vệ một đề án có liên quan đến ngôi trường mình thi vào do Hội đồng thi tuyển giới thiệu. Việc tuyển dụng công khai này đã tạo cơ chế cạnh tranh lành mạnh, tránh được tình trạng “chạy chức” râm ran trong xã hội bấy lâu nay. Đồng thời, chọn được người giỏi bổ sung vào đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục. Mặt khác, với phương thức tuyển dụng công bằng, minh bạch chắc chắn sẽ thu hút được nhiều người có tài, có tâm; cũng có nghĩa là địa phương này đã đáp ứng tốt yêu cầu “quyền có giáo viên tốt” của người học.
Việc tuyển dụng giáo viên ở Đà Nẵng còn thể hiện sự tôn trọng đối với nghề dạy học và cả đối với người dạy học. Vì đối với nghề giáo, yêu cầu cao nhất là tạo điều kiện, môi trường cho họ đến với nghề và gắn bó với nghề. Bởi vậy, học tập Đà Nẵng, đến nay đã có thêm nhiều địa phương khác áp dụng phương thức tuyển giáo viên qua thi tuyển như Quảng Trị, Ninh Bình, Bắc Giang, Phú Thọ, Quảng Ninh…
Cuối cùng, xin đề cập hai vấn đề cốt lõi của việc sử dụng. Một nghiên cứu mới đây trên học sinh lớp 12 cho biết hầu hết các em đều chê ngành sư phạm. Một trong các nguyên nhân theo các em là hiện thu nhập giáo viên còn kém hấp dẫn so với các nghề khác. Một nguyên nhân khác, địa vị xã hội của nhà giáo cũng có phần thấp đi. Có lẽ nguyên nhân do các giá trị văn hóa truyền thống đang thay đổi trong dòng chảy cuộc sống hiện tại; thay vào đó là các giá trị vật chất đang lên ngôi. Đây là hai vấn đề cốt lõi còn tồn tại trong việc sử dụng giáo viên hiện nay mà ngành giáo dục không ít lần đã bàn cách tháo gỡ.
Nhân Tuần lễ toàn cầu hành động vì giáo dục, thử đưa ra các vấn đề còn tồn tại trong các khâu đào tạo, tuyển dụng và sử dụng nói trên để từ đó có giải pháp hỗ trợ nhà giáo, đưa nghề giáo trở thành một nghề nghiệp xứng đáng với vị thế cao quý vốn có trong truyền thống và văn hóa của dân tộc.
Lê Đông