(GD&TĐ) - Đầu tháng 7, HĐND TP Hà Nội đã thông qua chính sách “chiêu hiền, đãi sĩ” mới, bày tỏ quyết tâm thu hút người tài góp sức xây dựng thủ đô. Nhiều tỉnh, thành phố khác cũng đưa ra chính sách này để kéo người tài về mình. Nhu cầu tìm kiếm và sử dụng người tài hiện là vấn đề “nóng” của nhiều địa phương. Trong bối cảnh hội nhập, phát triển kinh tế dựa trên nền tảng tri thức, người tài có vai trò rất quan trọng trong việc xây dựng, phát triển của địa phương nói riêng và cả nước nói chung.
Ảnh minh họa/internet |
Bài này không bàn về chính sách thu hút người tài của các địa phương vì đã được các chuyên gia bàn nhiều. Chỉ xin đặt ra vấn đề: Chính sách “chiêu hiền, đãi sĩ” đã tác động tới lãnh vực GD&ĐT như thế nào và ngành GD&ĐT đã, đang và sẽ làm gì để đáp ứng tốt nhu cầu này?
Nhu cầu tìm kiếm người tài trước hết tác động tích cực đến lãnh vực GD&ĐT. Các cơ sở giáo dục phải nỗ lực tìm cách nâng cao chất lượng đào tạo, mở thêm nhiều ngành nghề để đáp ứng yêu cầu của các địa phương. Cơ sở càng đào tạo được nhiều người tài thì uy tín càng tăng, càng thu hút thêm nhiều người giỏi tới học. Càng có nhiều người giỏi, cơ sở giáo dục càng thuận lợi hơn trong việc đào tạo người tài. Vòng tròn khép kín theo hình trôn ốc này đưa cơ sở giáo dục ngày càng phát triển đi lên. Mặt khác, chính sách thu hút người tài cũng tác động tới ý chí tiến thủ của người học. Ai cũng muốn ra sức học giỏi để được tuyển dụng vào chỗ làm tốt, để có một cuộc sống dễ chịu và có điều kiện trau dồi chuyên môn, phát triển nghề nghiệp, thực hiện ước mơ của mình.
Những tác động tích cực trên mang lại sự thuận lợi lớn cho ngành GD&ĐT trong việc thực hiện các nhiệm vụ của mình, trong đó có nhiệm vụ đào tạo người tài. Sự thuận lợi ấy thể hiện ở sự quan tâm, đầu tư nhiều hơn của chính quyền trung ương, sự góp sức của các địa phương và các tổ chức, doanh nghiệp vì họ là các đối tượng hưởng lợi.
Thời gian qua, ngành GD&ĐT đã có nhiều chủ trương, biện pháp quan trọng nhằm phát hiện, bồi dưỡng nhân tài. Chẳng hạn ở bậc phổ thông đã xây dựng hệ thống trường, lớp chuyên ở các địa phương, tổ chức các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, tham dự các kỳ thi quốc tế… Ở bậc đại học và sau đại học, nhiều trường có chương trình đào tạo cử nhân - kỹ sư tài năng, chất lượng cao. Ngoài ra, hơn chục năm qua, ngành GD&ĐT hàng năm đều triển khai đề án cử người đi học nước ngoài bằng ngân sách nhà nước...
Tuy nhiên, công tác tuyển chọn, bồi dưỡng và đào tạo tài năng còn nhiều lúng túng. Mạng lưới các trường chuyên, lớp chọn phát triển tràn lan, tự phát, bộc lộ khiếm khuyết về nội dung chương trình… Công tác đào tạo tài năng ở bậc đại học và sau đại học chưa rõ nét. Chương trình đào tạo không dựa vào các tiêu chí cụ thể nên thiếu nhất quán, dẫn đến chưa mang lại hiệu quả như mong đợi. Một tổng kết của Đại học Quốc gia TP.HCM gần đây cho thấy đa số sinh viên tài năng ra trường đều làm trái nghề, khó xin việc. Sinh viên tài năng được làm việc trong môi trường học thuật, nghiên cứu càng hiếm hoi. Trong khi đó, phản hồi từ các địa phương thì cho rằng các lãnh vực họ cần thì hầu như không tuyển được, các lãnh vực họ không cần thì dư thừa. Một vấn đề khác, tuy tuyển được người có bằng cấp nhưng trên thực tế chưa đáp ứng được yêu cầu công việc.
Để giải quyết bài toán đào tạo người tài, theo chúng tôi công việc trước hết là tìm ra đúng người tài. Muốn vậy cần có cơ chế tuyển sinh công khai, minh bạch, công bằng. Những người được chọn phải được học trong môi trường thuận lợi nhất, được bao cấp về kinh phí đào tạo, đồng thời có chính sách (chẳng hạn học bổng) để khuyến khích các tài năng trẻ nỗ lực học tập. Nội dung, chương trình và phương pháp đào tạo phải được đổi mới, sát với trình độ thế giới và quan trọng hơn là sát với nhu cầu tuyển dụng. Tạo điều kiện để các trí thức trẻ du học, giao lưu, làm việc với các bạn bè đồng trang lứa, với các chuyên gia giỏi nước ngoài…
Nói tóm lại, chính sách “chiêu hiền, đãi sĩ” của các địa phương là cơ hội tốt để ngành GD&ĐT thể hiện vai trò và nâng cao vị thế của mình. Tất nhiên, công tác này đòi hỏi không ít thử thách.
Lê Đông