Công trình thủy điện lớn nhất
Khi bắt đầu được xây dựng vào năm 1994, đập Tam Hiệp được thiết kế không chỉ để tạo ra điện, nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Trung Quốc, mà còn chế ngự con sông dài nhất nước này. Toàn bộ dự án tiêu tốn 200 tỷ nhân dân tệ (28,6 tỷ USD), mất gần hai thập kỷ để xây dựng và buộc hơn một triệu người dân sống dọc sông Dương Tử phải rời đi. Mặc dù chính phủ cam kết, con đập sẽ bảo vệ cộng đồng xung quanh hạ lưu chống lũ lụt, nhưng hiệu quả của đập Tam Hiệp vẫn thường xuyên bị nghi ngờ.
Những nghi ngờ này tiếp tục dấy lên gần đây, khi lưu vực sông Dương Tử có lượng mưa trung bình lớn nhất trong gần 60 năm. Gần 160 người đã chết hoặc mất tích, hơn 3,6 triệu dân phải di dời và gần 55 triệu người bị ảnh hưởng, gây ra thiệt hại kinh tế 144 tỷ nhân dân tệ (20,5 tỷ USD). Tuy nhiên, giới chức Trung Quốc khẳng định, đập Tam Hiệp đã thành công trong việc ngăn chặn nước lũ. Tập đoàn Tam Hiệp Trung Quốc cho biết, con đập đã ngăn chặn 18,2 tỷ mét khối nước lũ tiềm ẩn.
Trong khi đó, nhiều trạm đo theo dõi các dòng chảy của lưu vực sông Dương Tử cho thấy, mực nước cao kỷ lục vào mùa hè này. Một số nhà địa chất cho rằng, vai trò của đập Tam Hiệp trong việc kiểm soát lũ lụt đã không còn.
“Dùng cốc nhỏ để ngăn bồn nước lớn”
Đập Tam Hiệp là một công trình kiến trúc đáng kinh ngạc. Theo NASA, con đập này là một trong số ít cấu trúc nhân tạo trên Trái đất có thể được nhìn thấy bằng mắt thường từ không gian. Được hoàn thành vào năm 2006, phần thân của con đập vô cùng rộng lớn, cao 181 mét và dài 2.335 mét. Các hoạt động thủy điện thực chất đã bắt đầu một cách hạn chế từ năm 2003, sau đó tăng dần thêm turbine theo từng năm, kéo dài đến năm 2012 với tổng cộng 32 turbine vận hành. Nhờ số turbine khổng lồ này, đập Tam Hiệp có thể tạo và tích trữ 22.500 megawatt điện - lớn bậc nhất thế giới.
Theo đề xuất năm 1992 của chính phủ Trung Quốc, lý do hàng đầu để xây dựng đập Tam Hiệp không phải là phát điện, mà là ngăn lũ lụt. Con đập khổng lồ nằm trên một phần thượng nguồn của sông Dương Tử, giúp ngăn lũ lụt ở hạ lưu bằng cách giữ nước mưa trong một hồ chứa khổng lồ. Sau đó, kiểm soát nước qua các cửa xả. Hồ chứa dài 660 km uốn lượn ngược dòng qua các thung lũng hẹp từ Tam Hiệp đến Trùng Khánh - một đô thị rộng lớn với 30,5 triệu dân ở miền Tây Trung Quốc.
Trong mùa khô, từ tháng 10 đến tháng 5, mực nước của hồ chứa được giữ ở mức tối đa là 175 mét, nhằm tối ưu hóa việc phát điện tại nhà máy thủy điện liền kề.
Trước khi những cơn mưa mùa hè đến vào tháng 6, mực nước dần hạ xuống 145 mét, nhường chỗ cho nước lũ tràn vào. Việc hạ thấp mực nước tạo ra 22 tỷ mét khối không gian lưu trữ, đủ để chứa gần 9 triệu bể bơi kích thước Olympic. Tuy nhiên, theo ông Fan Xiao - nhà địa chất và là người theo dõi lâu năm về con đập, con số đó không là gì so với khối lượng nước lũ tuyệt đối có thể chảy vào đập trong những năm lũ tồi tệ.
Ông Fan nhận định, trong trận “lũ lụt lịch sử”, hơn 244 tỷ mét khối nước - khoảng gấp đôi thể tích của Biển Chết, có thể đi qua Tam Hiệp trong hai tháng. Hồ chứa của đập chỉ có thể xử lý khoảng 9% lượng đó. “Nó giống như việc sử dụng một chiếc cốc nhỏ để xử lý nước từ một bồn lớn. Về mặt kiểm soát lũ lụt, chi phí của con đập chắc chắn cao hơn lợi nhuận thu được”, ông Fan cho hay.
Bên cạnh đó, con đập không thể giữ nước trong thời gian quá lâu, vì phải nhường chỗ cho những trận mưa mới. Vào mùa lũ, những trận mưa như trút nước có thể liên tiếp xảy ra.
Khả năng kiểm soát của đập Tam Hiệp
Mới đây, 3 đợt lũ đã ập đến Tam Hiệp. Con đập đã mở cửa xả nhiều lần kể từ cuối tháng 6. Tuy nhiên, động thái này đã làm dấy lên nhiều tranh cãi cho rằng, con đập làm trầm trọng thêm tình trạng lũ lụt ở hạ lưu. Tập đoàn Tam Hiệp Trung Quốc đã phủ nhận điều này và khẳng định, con đập giúp trì hoãn cũng như ngăn dòng nước lũ đổ về hạ lưu.
David Shankman - Giáo sư Địa lý tại Trường Đại học Alabama và từng nghiên cứu lũ lụt ở trung lưu sông Dương Tử, cho biết, mực nước kỷ lục cho thấy, đập Tam Hiệp không thể ngăn lũ lụt nghiêm trọng. Theo ông Shankman, trong những năm qua, các nhà nghiên cứu Trung Quốc và quốc tế nhận thấy, hồ chứa của đập quá nhỏ để làm giảm đáng kể lưu lượng xả xuống hạ lưu trong những trận lũ lụt nghiêm trọng.
Miroslav Marence - Phó Giáo sư về lưu trữ và thủy điện tại Viện Giáo dục Tài nguyên nước IHE Delft, cho biết vấn đề không phải là thiết kế của con đập, mà là kỳ vọng rằng con đập có thể giải quyết tất cả thiệt hại lũ lụt trên sông Dương Tử. “Không thể làm được điều đó chỉ với một con đập”, ông Marence nhấn mạnh.
Chuyên gia này phân tích, trong khi đập Tam Hiệp có thể làm giảm cường độ lũ từ thượng nguồn ở một mức độ nhất định, nó không thể ngăn lũ gây ra bởi lượng mưa lớn ở trung và hạ lưu sông Dương Tử hoặc các phụ lưu trong lưu vực. Trong khi đó, nhiều trận lũ lụt ở miền Trung và Nam Trung Quốc vào mùa hè này được gây ra từ những trận mưa đổ xuống hạ lưu và không đi qua con đập.
Lý do gây tranh cãi
Một trong những điều gây tranh cãi nhất của dự án lớn này là chi phí khổng lồ. Để xây dựng hồ chứa khổng lồ của con đập, khoảng 1,4 triệu người đã phải rời bỏ nơi sinh sống, nhà cửa của họ bị phá bỏ và đất nông nghiệp bị ngập lụt. Những người phải di dời cho biết, việc đền bù không thỏa đáng, trong khi thiếu đất canh tác và họ không tìm được việc làm. Nhiều người cáo buộc chính quyền địa phương biển thủ quỹ tái định cư và sử dụng vũ lực ép người dân phải di dời. Năm 2013, chính phủ Trung Quốc thừa nhận, một số quỹ đã bị biển thủ hoặc sử dụng sai mục đích.
Theo Chen Guojie - học giả tại Học viện Khoa học Trung Quốc, thu nhập của các gia đình phải di dời đã giảm 20% sau khi tái định cư. Lý do là họ phải từ bỏ những vùng đất bằng phẳng ven sông màu mỡ để làm trang trại trên sườn núi dốc và chông chênh. Con đập cũng có tác động địa chất nghiêm trọng. Năm 2007, các quan chức và chuyên gia Trung Quốc thừa nhận tại một diễn đàn, đập Tam Hiệp đã gây ra một loạt vấn đề sinh thái, bao gồm lở đất thường xuyên.
“Sức nặng khổng lồ của nước phía sau đập Tam Hiệp đã làm xói mòn nhiều khu vực trên bờ sông Dương Tử. Sự dao động thường xuyên của mực nước đã gây ra nhiều vụ lở đất”, hãng Tân Hoa Xã dẫn lời các quan chức và chuyên gia. Các nhà địa chất cho biết, nước trong hồ chứa bão hòa và làm xói mòn chân các vách đá. Sự dao động của mực nước làm thay đổi trọng lượng của hồ chứa và áp lực lên các sườn núi, gây mất ổn định cho đường bờ biển.
Thảm họa đầu tiên xảy ra vào năm 2003, ngay sau khi hồ chứa đầy lần đầu tiên. Khi mực nước lên 135 mét, tình trạng lở đất bắt đầu diễn ra, khiến 24 người thiệt mạng, phá hủy 346 ngôi nhà và hơn 20 chiếc thuyền bị lật. Con đập cũng được cho là nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng các trận động đất trong khu vực. Các nhà khoa học cho rằng, trọng lượng của hồ chứa lớn và sự thẩm thấu của nước vào các tảng đá bên dưới có thể gây ra động đất ở các khu vực chịu áp lực kiến tạo đáng kể.
Theo một nghiên cứu của Cục Quản lý Động đất Trung Quốc, trong 6 năm sau khi hồ chứa được lấp đầy vào tháng 6/2003, 3.429 trận động đất đã được ghi nhận dọc theo hồ chứa. Trong khi đó, chỉ 94 trận động đất được ghi nhận từ tháng 1/2000 - 5/2003.
Bằng cách cắt dòng chảy của sông Dương Tử, con đập đã giữ lại một lượng phù sa khổng lồ. Điều này không chỉ làm giảm khả năng kiểm soát lũ của nó bằng cách lấp đầy hồ chứa, mà còn gây ra xói mòn đáng kể ở hạ lưu.
Năm 2011, chính phủ Trung Quốc thừa nhận, đập Tam Hiệp đã gây ra nhiều vấn đề lớn. Nội các Quốc vụ viện Trung Quốc cho biết trong một tuyên bố: “Dự án Tam Hiệp mang lại nhiều lợi ích to lớn, nhưng có những vấn đề cấp bách cần được giải quyết, như ổn định và cải thiện điều kiện sống cho người dân tái định cư, bảo vệ môi trường và ngăn ngừa thảm họa địa chất”.
Hướng đi trong tương lai
Một tháng trước khi đập Tam Hiệp động thổ vào cuối năm 1994, Daniel P. Beard - Ủy viên Cục Khai hoang Mỹ, tuyên bố kỷ nguyên xây dựng đập ở nước này đã kết thúc. Thay vào đó, Mỹ sẽ tìm những cách khác để giải quyết vấn đề về nước. Shankman - nhà địa chất học tại Đại học Alabama, cho biết nhiều đập ở bờ biển Tây Bắc nước Mỹ đã bị dỡ bỏ vì ngăn chặn sự di cư của cá từ đại dương lên các con sông. Tại phía Đông Nam đất nước, các con đập ở thượng nguồn trên núi đã tạo ra nhiều vấn đề môi trường.
Theo Hội Đập lớn Thế giới, đến năm 2019, Trung Quốc có 23.841 đập lớn, chiếm 41% tổng diện tích thế giới. Tuy nhiên, một số nhà địa chất cho biết, thay vì dựa vào đập để ngăn lũ, nên tạo không gian cho các con sông và cho phép chúng mở rộng trong mùa lũ.
Với cuộc khủng hoảng khí hậu dự kiến gây ra lũ lụt nặng nề và thường xuyên hơn, một số chuyên gia cho rằng, Trung Quốc sẽ phải tìm ra các giải pháp mới trong tương lai.