Tham dự hội nghị có đại diện Uỷ ban dân tộc, UBND tỉnh Kon Tum, Tỉnh ủy Kon Tum...và một số cơ quan ban ngành liên quan, cùng hàng trăm sinh viên đang theo học tại trường.
Theo nhà trường, từ khi thành lập đến nay trường đã tổ chức tuyển sinh và đào tạo 13 khóa Đại học hình thức đào tạo chính quy với tổng số sinh viên trúng tuyển nhập học là 4.438.
Trong đó 676 sinh viên người đồng bào DTTS, chiếm 15,2%. Đặc biệt, trong số sinh viên đồng bào DTTS có 90 em được tỉnh Kon Tum đề nghị Phân hiệu tổ chức đào tạo cho cán bộ nguồn ở các xã, huyện của tỉnh Kon Tum theo diện cử tuyển.
Theo phân hiệu Đại học Đà Nẵng tại Kon Tum, do điểm xét tuyển đầu vào của các em đồng bào dân tộc thiểu số thấp nên việc tiếp thu bài giảng gặp nhiều khó khăn, khả năng hội nhập, khả năng giao tiếp, giải quyết vấn đề còn hạn chế so với những sinh viên khác nên kết quả học tập không cao.
Ngoài ra sinh viên DTTS đa số còn thiếu những phương tiện hỗ trợ học tập như máy tính, laptop cá nhân nên rất khó khăn hạn chế trong quá trình theo học.
Bên cạnh đó, các em học sinh đa số có hoàn cảnh khó khăn, gia đình ít có khả năng chu cấp do đó nhiều em phải đi làm thêm để trang trải cuộc sống. Ngoài ra, các em học sinh DTTS tự ti về bản thân, ngại chia sẻ với bạn bè, thầy cô.
Mặc dù vậy, vẫn có nhiều em học sinh DTTS đạt nhiều thành tích cao, ra trường có ngay việc làm, giúp ích cho tỉnh và nơi các em sinh sống.
Nắm được hoàn cảnh của sinh viên, phân hiệu Đại học Đà Nẵng tại Kon Tum luôn thực hiện đầy đủ và kịp thời các chế độ, chính sách của Đảng và Nhà nước như: trao học bổng khuyến khích học tập, miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập và trợ cấp xã hội, vay tín dụng sinh viên...
Trước tình hình trên, phân hiệu Đại học Đà Nẵng cũng đặt ra giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo sinh viên DTTS như: Tạo mọi điều kiện thuận lợi để sinh viên đồng bào DTTS được xét tuyển nhập học, tổ chức quá trình học tập.
Ngoài ra, nhà trường tổ chức các lớp phụ đạo ngoài giờ, tăng cường mở các lớp bồi dưỡng ngắn hạn, lớp kỹ năng… Đồng thời tăng cường kết nối đơn vị tuyển dụng, doanh nghiệp để tuyển dụng việc làm đối với sinh viên đồng bào DTTS; tăng cường tổ chức giảng dạy, tập huấn các hoạt động khởi nghiệp cho sinh viên DTTS.
Không những vậy, địa phương còn có các chính sách đào tạo, sử dụng học sinh, sinh viên người DTTS sau khi ra tốt nghiệp các trường Cao đẳng, Đại học; Đẩy mạnh các hoạt động tư vấn hướng nghiệp, định hướng tương lai cho sinh viên DTTS ngay từ khi còn học THPT....