Đào tạo và bồi dưỡng giáo viên phổ thông từ góc nhìn nhà tuyển dụng

GD&TĐ - Bên cạnh bảo đảm về số lượng cần đào tạo, bồi dưỡng giáo viên theo nhu cầu của các địa phương. 

Một khóa bồi dưỡng, tập huấn, bồi dưỡng cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông cốt cán do Học viện Quản lý Giáo dục tổ chức. Ảnh: TG
Một khóa bồi dưỡng, tập huấn, bồi dưỡng cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông cốt cán do Học viện Quản lý Giáo dục tổ chức. Ảnh: TG

Trong đó, chú trọng phát triển năng lực nghề nghiệp nhằm triển khai thực hiện tốt Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Thu hút “hạt giống” ngành sư phạm

Theo GS.TS Thái Văn Thành, đại biểu Quốc hội, Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An, Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo; Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28/11/2014 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông khẳng định việc nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông rất cấp thiết.

Đội ngũ giáo viên có trình độ đào tạo đạt chuẩn nhiều nhưng đội ngũ cốt cán có trình độ, năng lực chuyên môn cao còn mỏng so với yêu cầu nhiệm vụ đặt ra. Mặt khác, đội ngũ giáo viên các cấp còn thiếu so với định mức tối đa. Cơ cấu giáo viên chưa hợp lý, còn tình trạng thừa thiếu cục bộ ở một số bộ môn cấp học THCS. Xu hướng thiếu nhiều giáo viên các môn học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 như: Âm nhạc, Mỹ thuật, Tiếng Anh, Tin học, Giáo dục công dân vẫn hiện hữu. Không ít địa phương gặp khó khăn trong việc bố trí giáo viên dạy các môn học, hoạt động giáo dục mới.

Từ góc nhìn nhà tuyển dụng, GS.TS Thái Văn Thành đề xuất giải pháp đào tạo, bồi dưỡng giáo viên phổ thông đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục, chú trọng nâng cao chất lượng đầu vào của ngành sư phạm. Bởi đây được xem như một trong những nhân tố quan trọng ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo giáo viên.

Cùng đó, để thu hút được sinh viên giỏi chọn học và theo nghề sư phạm, có được “hạt giống” tốt cho quá trình đào tạo giáo viên, cần xây dựng và thực hiện đồng bộ một số biện pháp. Đó là: Tăng cường công tác truyền thông, đẩy mạnh tuyên truyền các giá trị, văn hóa của dân tộc, thúc đẩy nhận thức của xã hội trong việc tôn vinh nghề dạy học.

Đồng thời, dự báo nhu cầu nhân lực; xác định chỉ tiêu tuyển dụng giáo viên từ nay đến năm 2025 của từng địa phương và cả nước; quy hoạch lại hệ thống các cơ sở đào tạo giáo viên. Đặc biệt, cần có chính sách tăng thu nhập, bảo đảm vị thế xã hội cho đội ngũ giáo viên...

Đề cập đến giải pháp bồi dưỡng nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên phổ thông, GS.TS Thái Văn Thành nhấn mạnh, cần thực hiện có hiệu quả việc đào tạo, đào tạo lại và đào tạo nâng chuẩn trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ nhà giáo. Trên cơ sở nhu cầu giáo viên từ năm học 2021 - 2022 đến năm học 2024 - 2025, đào tạo mới giáo viên các cấp để bổ sung nhu cầu do tăng quy mô số lớp, số học sinh và thay thế giáo viên nghỉ hưu.

Hàng năm, xây dựng kế hoạch đào tạo cụ thể cho các cấp học trên cơ sở nhu cầu số lượng giáo viên. Cùng với tuyển dụng giáo viên mới, các địa phương cần tiến hành rà soát, cử giáo viên phổ thông những bộ môn thừa giáo viên nhưng có năng lực về chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp, để đào tạo văn bằng 2 chuyên ngành Âm nhạc, Mỹ thuật, tổ hợp môn Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội. Qua đó, kịp thời bổ sung nhu cầu giáo viên thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 theo lộ trình.

Một lớp học của Trường Tiểu học thị trấn Rạng Đông (Nghĩa Hưng, Nam Định). Ảnh: TG

Một lớp học của Trường Tiểu học thị trấn Rạng Đông (Nghĩa Hưng, Nam Định). Ảnh: TG

Phát triển đội ngũ với tầm nhìn dài hạn

TS Đỗ Tường Hiệp, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Đắk Lắk, khuyến nghị địa phương nên xây dựng nội dung bồi dưỡng theo hướng tích hợp và tổ chức bồi dưỡng “2 trong 1” để nâng cao hiệu quả, giảm chi phí và tiết kiệm thời gian bồi dưỡng. Khi xây dựng nội dung bồi dưỡng, cần căn cứ vào nhu cầu bồi dưỡng, xác định nội dung trọng tâm, cấp thiết để thực hiện trước. Những nội dung khác, giáo viên có thể tự học, tự bồi dưỡng trong quá trình công tác.

Cần đa dạng hóa hình thức bồi dưỡng như tập trung trực tiếp, trực tuyến, trực tiếp kết hợp trực tuyến, tại chỗ, thông qua hội nghị, hội thảo, tự bồi dưỡng… Bồi dưỡng tập trung để giảng viên truyền đạt trực tiếp cho học viên những vấn đề mới và khó. Từ đó, học viên có thể học tập qua các hình thức bồi dưỡng khác.

Cô Trần Thị Mỹ Hoa, Trường Tiểu học Vĩnh An (Tây Sơn, Bình Định) mong muốn có cách làm và phương pháp bồi dưỡng đổi mới, theo hướng thiết thực, đáp ứng các vấn đề giáo viên cần. Không nên bồi dưỡng những gì báo cáo viên có. “Qua đó, chúng tôi sẽ có thêm cơ hội để phát triển năng lực nghề nghiệp; bồi đắp tình yêu nghề, sẵn sàng thay đổi để thích ứng với đổi mới giáo dục…”, cô Hoa bộc bạch.

Theo ông Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT), các địa phương cần xây dựng Đề án phát triển đội ngũ giáo viên ở địa phương với tầm nhìn dài hạn, phù hợp với yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đồng thời, có chính sách hợp lý để thu hút giáo viên như hỗ trợ kinh phí, nhà công vụ, việc học tập, nâng cao trình độ…

Cũng theo ông Đức, các địa phương có thể đặt hàng, giao nhiệm vụ các cơ sở đào tạo giáo viên theo Nghị định 116, nhằm bảo đảm nguồn tuyển dụng giáo viên theo cơ cấu môn học và nhu cầu địa phương. Mặt khác, thí điểm cơ chế tự chủ đối với các cơ sở giáo dục công lập ở vùng đô thị, thuận lợi, nhằm khuyến khích các trường chủ động khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả các nguồn lực. Cùng đó, đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục và phát triển hệ thống các trường ngoài công lập.

Từ góc nhìn nhà tuyển dụng, ThS Nguyễn Việt Phương, giảng viên Trường ĐH Vinh, nhấn mạnh 4 giải pháp: Đào tạo giáo viên phổ thông; Nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên phổ thông; Đổi mới công tác quản lý Nhà nước; Tăng cường phối hợp giữa các cơ sở đào tạo giáo viên với nhà trường và địa phương.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ