Chuẩn hóa giáo viên mầm non: Nâng chất từ hoạt động bồi dưỡng

GD&TĐ - Đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục mầm non bảo đảm chuẩn hóa về chuyên môn là nhiệm vụ quan trọng...

Giáo viên mầm non có thể bồi dưỡng thường xuyên và tự học nâng cao trình độ. Ảnh minh họa: INT
Giáo viên mầm non có thể bồi dưỡng thường xuyên và tự học nâng cao trình độ. Ảnh minh họa: INT

Phát triển đội ngũ “chân rết”

Là cán bộ quản lý cơ sở giáo dục mầm non, cô Lục Mai Phương - Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Đạp Thanh (Ba Chẽ, Quảng Ninh) - cho hay, mỗi cơ sở giáo dục mầm non đều có giáo viên cốt cán. Đội ngũ này sẽ truyền đạt lại những kiến thức, kinh nghiệm đã lĩnh hội được từ khóa tập huấn, bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý cốt cán mầm non do cơ quan quản lý giáo dục các cấp tổ chức. Họ cũng trở thành “chân rết” để hỗ trợ đồng nghiệp ngay tại đơn vị mình.

Trên tinh thần đó, giáo viên có thể bồi dưỡng thường xuyên, liên tục và tự học mọi lúc, mọi nơi. “Khi nào mỗi cán bộ quản lý, giáo viên mầm non nhận thấy: Tập huấn, bồi dưỡng là cần thiết, nhu cầu tự thân thì các tài liệu mới phát huy hiệu quả và lớp bồi dưỡng mới thực sự có giá trị trong thực tiễn” - cô Phương chia sẻ.

Để đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục mầm non, Sở GD&ĐT Trà Vinh đã xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý tại địa phương. Trên cơ sở đó, các phòng GD&ĐT cũng chủ động xây dựng kế hoạch này, đồng thời chỉ đạo các cơ sở giáo dục mầm non bám sát mục tiêu, nhiệm vụ của Chương trình giáo dục mầm non mới. Từ đó, có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng phù hợp với điều kiện thực tiễn.

“Chúng tôi chú trọng đổi mới công tác quản lý giáo dục mầm non, nâng cao năng lực tự chủ, trách nhiệm giải trình của người đứng đầu các cơ sở giáo dục mầm non. Đồng thời, thực hiện có hiệu quả các kế hoạch, đề án tuyển dụng, sử dụng, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên mầm non. Cùng với đó, chú trọng bồi dưỡng đổi mới phương pháp giáo dục mầm non theo quan điểm lấy trẻ làm trung tâm” - bà Tăng Thị Ngọc Mai - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Trà Vinh chia sẻ.

Được biết, Trà Vinh sẽ xây dựng kế hoạch đặt hàng đào tạo giáo viên mầm non với Trường ĐH Trà Vinh theo Nghị định số 116/2020/NĐ-CP. Qua đó, bảo đảm đủ về số lượng, cơ cấu và chất lượng đội ngũ giáo viên mầm non, đáp ứng yêu cầu nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ mầm non trên địa bàn tỉnh.

Giáo viên, cán bộ quản lý cốt cán mầm non tham gia Khóa tập huấn, bồi dưỡng do Bộ GD&ĐT tổ chức. Ảnh: TG

Giáo viên, cán bộ quản lý cốt cán mầm non tham gia Khóa tập huấn, bồi dưỡng do Bộ GD&ĐT tổ chức. Ảnh: TG

Cần đều tay giữa các cấp học và địa phương

TS Chu Thị Hồng Nhung - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Khoa học Giáo dục, Trường ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội) - nhìn nhận, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục mầm non là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ. Để bồi dưỡng giáo viên đạt hiệu quả, cần biên soạn tài liệu bồi dưỡng đảm bảo chất lượng, đáp ứng với yêu cầu đổi mới hiện nay.

Bên cạnh đó, quá trình bồi dưỡng cần đủ thời gian cho người học được thực hành, trao đổi, rút kinh nghiệm; liên kết nội dung các chuyên đề bồi dưỡng với thực tế ở các cơ sở giáo dục mầm non. Hình thức tập huấn, bồi dưỡng cần đa dạng và đổi mới. Chẳng hạn, có thể sử dụng phương pháp: Thuyết trình, thảo luận nhóm, làm các bài tập thông qua việc tương tác như Kahoot, Quiz, Padlet… Quá trình bồi dưỡng cần tiến hành liên tục, có kiểm tra, đánh giá. Bồi dưỡng có thể thực hiện thông qua các hình thức như trực tiếp, trực tuyến để người học rộng cơ hội tham gia học tập.

Nhấn mạnh, đội ngũ giáo viên mầm non là yếu tố then chốt, TS Đặng Lan Phương - Phó Trưởng khoa Sư phạm, Trường Đại học Thủ đô Hà Nội - khẳng định, giáo viên mầm non góp phần tạo sự khởi đầu để trẻ phát triển chức năng tâm sinh lý, năng lực và phẩm chất mang tính bền vững; cùng với đó là kỹ năng sống cần thiết, phù hợp với lứa tuổi. Đồng thời, khơi dậy những khả năng tiềm ẩn, chuẩn bị tốt cho trẻ vào tiểu học và sự phát triển trong các giai đoạn sau.

Chính vì vậy, đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo đội ngũ giáo viên mầm non ở các cơ sở giáo dục và giảng viên chủ chốt tại trường sư phạm là một trong những nhiệm vụ hàng đầu. Để phát triển, nâng cao năng lực của giảng viên mầm non, cần thực hiện một số giải pháp như: Tăng cường các khóa đào tạo, bồi dưỡng năng lực chuyên môn cho đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý giáo dục ở cơ sở đào tạo giáo viên mầm non. Mở rộng hợp tác giữa cơ sở đào tạo giáo viên mầm non trên cả nước, trong khu vực và trên thế giới. Qua đó, giảng viên có cơ hội tiếp cận, trao đổi, học tập kinh nghiệm giáo dục mầm non với đồng nghiệp trong nước và quốc tế.

Mặt khác, tiếp tục tăng cường các điều kiện về cơ sở vật chất, phương tiện dạy học cho giảng viên. Các trường sư phạm cần thiết lập mối liên hệ chặt chẽ với cơ quan quản lý giáo dục, trường mầm non. Trên cơ sở đó, giảng viên được tiếp cận với thực tiễn và công tác chỉ đạo của ngành, giúp cho nội dung giảng dạy phù hợp với thực tiễn hơn.

Theo TS Vũ Minh Đức – Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT), Luật Giáo dục 2019 và Nghị quyết 29 của Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo đều nhấn mạnh đến vai trò, vị trí của giáo dục mầm non. Đây là cấp học đầu tiên, đặt nền móng cho phát triển nhân cách của người Việt Nam.

Với nhận thức như vậy, những năm qua, Đảng và Nhà nước có nhiều chính sách liên quan đến giáo dục mầm non. Các cấp ủy Đảng, chính quyền, tổ chức xã hội đã quan tâm đến việc xây dựng cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng đội ngũ, xây dựng chương trình chất lượng đào tạo của ngành Giáo dục Mầm non.

TS Vũ Minh Đức cho biết, những năm gần đây, giáo dục mầm non đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Tuy nhiên, so với yêu cầu của đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, vẫn cần tiếp tục cố gắng nhiều hơn nữa để có được cơ sở vật chất, cũng như đội ngũ giáo viên thực sự đáp ứng yêu cầu.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.

MIT miễn học phí cho sinh viên đến từ gia đình thu nhập thấp.

MIT miễn học phí cho sinh viên

GD&TĐ - Từ học kỳ mùa Thu năm 2025, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), sẽ miễn học phí cho sinh viên thuộc gia đình có thu nhập dưới 200 nghìn USD.