Hai mô hình đào tạo giáo viên ấn tượng
Mô hình đào tạo giáo viên phổ thông cấp 3 theo phương thức vừa học vừa làm
Phương thức này được thực hiện theo ý tưởng của GS Nguyễn Cảnh Toàn đã triển khai trên một số tỉnh thành miền Bắc do Trường ĐH Sư phạm tiến hành vào những năm thập niên 80 của thế kỷ trước.
Một số trường cấp 3 đã chọn học sinh khá có nguyện vọng theo nghề thầy giới thiệu về Trường ĐH Sư phạm 1. Trường phổ thông giúp cho sinh viên (khi được tuyển chọn) rèn luyện nghiệp vụ sư phạm. Trường ĐH Sư phạm chỉ đạo cho sinh viên tự học chuyên ngành đăng ký, theo kiểu học hàm thụ (lúc đó chưa có CNTT để học từ xa).
Sinh viên tham gia vào công việc của trường phổ thông như một thành viên, được nhận thù lao theo công sức do quỹ lao động sản xuất của nhà trường cung ứng và hoàn thành nghĩa vụ học tập của mình theo lịch biểu của Trường ĐH Sư phạm quy định. Mỗi sinh viên được sự giúp đỡ của giáo viên có tay nghề từ trường phổ thông và giảng viên từ trường sư phạm.
Những người được đào tạo theo loại hình này có thể bước vào công việc trường phổ thông một cách tự tin. Tuy nhiên, về kiến văn tổng quát thì tiềm năng này chưa bằng các sinh viên được đào tạo theo chế độ tập trung. Đáng tiếc là từ thập niên 90 và đặc biệt từ khi có kinh tế thị trường, xu hướng giáo dục từ chương lấn át xu hướng vừa học vừa làm. Mô hình này đi vào “ký ức giáo dục”.
Mô hình đào tạo giáo viên – nghiên cứu viên
Phương thức này được thực hiện ở Trường ĐH Giáo dục (ĐHQG Hà Nội) những năm đầu thế kỷ 21. Sinh viên được tuyển vào, học 3 năm đầu theo một chuyên ngành nào đó ở khoa chuyên môn (Toán, Văn, Lý, Hóa, Sử... của ĐHQG). Năm cuối cùng được học sâu về nghiệp vụ sư phạm… do các khoa của trường phụ trách.
Những sinh viên loại hình này do Trường ĐH Giáo dục đào tạo được hướng nghiệp nghề thầy. Ngay từ khi nhập học, có khả năng đa diện, vừa có thể làm thầy, vừa có thể làm cán bộ nghiên cứu sau khi tốt nghiệp.
Do giới hạn về quỹ thời gian đào tạo (4 năm) nên thời lượng thâm nhập thực tế phổ thông của loại hình này chưa nhiều. Vì cơ chế tuyển dụng công chức giáo dục hiện nay tại các địa phương còn nhiều phiền hà nên số tốt nghiệp theo mô hình này muốn tìm được một chỗ làm việc chính thức tại trường công lập phải qua nhiều thử thách, có khi không phải là thử thách về kiến thức nghiệp vụ. Họ thường thích ứng với trường ngoài công lập và phát huy tốt tác dụng “giáo viên – nghiên cứu viên” nơi họ công tác.
Mặt thuận và chưa thuận
Mô hình Nguyễn Cảnh Toàn đã triển khai có ưu thế đào tạo nghề thầy giáo thích ứng với thực tiễn nhưng để tạo cho họ một tiềm năng tiến xa trong nền kinh tế tri thức thì chưa hẳn có thuận lợi. Nó phảng phất cách học “tại chức”. Mô hình ĐH Giáo dục (ĐHQG) triển khai có ưu thế đào tạo thầy giáo có tiềm năng nghiên cứu khoa học, song để có nhân lực “miệng nói tay làm cụ thể tỉ mỉ” đòi hỏi tiếp tục rèn luyện. Vẫn còn khoảng cách giữa đào tạo và sự thực dụng ngay vào thực tiễn mà người quản lý với tư duy “mì ăn liền” chưa mặn mà.
Đề xuất
Có thể có nhiều phác thảo về nhân cách giáo viên thời kỳ hiện tại. Song dù đi theo tiếp cận nào thì yêu cầu chung là người đó phải có năng lực ứng biến tốt với sự thay đổi, có khả năng tự học, tự đào tạo. Họ phải như một con dao pha: Thích ứng được trường công lập, trường ngoài công lập, trường dạy theo hòa nhập, trường dân tộc nội trú… Họ phải có khả năng tác nghiệp sư phạm trên lớp, lại phải có khả năng nghiên cứu khoa học giáo dục và rèn luyện cho học sinh khả năng này. Không thể hy vọng 4 năm học tại trường sư phạm với những cung ứng khiêm tốn như hiện nay có thể đào tạo ngay giáo viên toàn năng như trên.
Tuy nhiên, việc đào tạo sư phạm là rất quan trọng, nó đặt cơ sở ban đầu để sinh viên có “năng lực thực hiện” những nhiệm vụ tổng quát của người thầy. Đó là người cùng đồng nghiệp biết truyền đạo, biết thụ nghiệp, biết giải hoặc cho thế hệ trẻ.
Các phương án đào tạo giáo viên trong cuộc đổi mới lần này vẫn phải tùy thuộc vào hoàn cảnh của đất nước: Thu nhập quốc dân bình quân vẫn ở mức từ 1.000 – 2.000 USD. Cung ứng cho giáo dục, cho sư phạm chưa dồi dào, thời gian đào tạo vẫn bị giới hạn ở khung 4 năm, chế độ tuyển dụng chưa phải được phân cấp ở mức triệt để, vai trò của Sở Nội vụ, Phòng Nội vụ vẫn có dấu ấn rất lớn cho việc tuyển giáo viên công lập. Mọi kinh nghiệm hay của thế giới đáng được tham khảo, song khó hiện thực ngay vào Việt Nam do khác biệt về chính trị, văn hóa.
Từ một số định hướng trên, dựa vào các kịch bản Nguyễn Cảnh Toàn và Trường ĐH Giáo dục, quán triệt quan điểm kinh tế - giáo dục (lợi ích tổng hòa của cả kinh tế và giáo dục) và cần tận dụng tiến bộ của CNTT, lý luận dạy học hiện đại (tín chỉ), chúng tôi đề xuất triển khai như sau:
Lấy thời gian đào tạo được hạn định là 4 năm thì chia thành 2 giai đoạn:
Giai đoạn 1 (2 năm), sinh viên học tập trung để nhận bằng cử nhân sư phạm đại cương. Chương trình của giai đoạn này cần kiến tạo bám sát với sự thay đổi cơ cấu môn học sẽ được ấn định cho trường phổ thông.
Cần tận dụng 2 mùa hè năm thứ nhất, năm thứ 2 (6 tháng) để sinh viên được trau dồi nghiệp vụ sư phạm tạo cho họ khả năng sau giai đoạn này có thể đảm đương nhiệm vụ người thầy trên bục giảng. Rèn luyện cho họ phương pháp tự học, kỹ năng tự học.
Giai đoạn 2 (2 năm), sinh viên có bằng cử nhân sư phạm đại cương sẽ được thu nhận vào một cơ sở giáo dục làm việc tập sự và hoàn thành tín chỉ của giai đoạn 2 bằng cách tự học (được hỗ trợ bởi giáo dục từ xa).
Giai đoạn này sinh viên được dìu dắt bởi 2 cố vấn: Cố vấn về thực tiễn từ trường phổ thông và cố vấn khoa học từ trường sư phạm.
Kinh phí đào tạo đáng lẽ theo chế độ tập trung dôi ra sẽ được trích một phần bồi dưỡng cho các cố vấn này và hỗ trợ sinh viên tự học (cung cấp học liệu...).
Cũng cần tận dụng thời gian 2 mùa hè năm thứ 3, năm thứ 4 (6 tháng) để sinh viên được rèn luyện về nghiên cứu khoa học giáo dục, làm khóa luận tốt nghiệp và báo cáo kết quả khóa luận này.
Sinh viên hoàn thành tốt giai đoạn 2 nên được tuyển thẳng vào biên chế không phải qua thi công chức nếu sinh viên có nguyện vọng. Làm tốt đào tạo giai đoạn 2 sẽ tạo nên các nhân tố thúc đẩy sự gắn kết sư phạm và phổ thông mà từ lâu vẫn chưa khởi sắc.
Bất cứ một phương án mới nào đề xuất trong hoàn cảnh hiện nay đều không thể coi là ưu việt hơn các phương án đang có, tuy nhiên nó sẽ có tác dụng như điểm đối sánh để tìm ra những lợi ích nhất định trong tương quan với mục tiêu nào đó trong hoàn cảnh phát triển đa dạng hiện nay.
Từ chỗ chỉ 5% dân cư đi học, ngày nay là 100% dân cư đi học (ở tuổi phổ cập), việc đào tạo người thầy phải có sự cộng tác chặt chẽ của cả hai giới kinh tế - giáo dục tìm ra các luận cứ, luận chứng thuyết phục để đi tới các giải pháp chấp nhận được. Chúng tôi chỉ dám nói sẽ có phương án chấp nhận được, không dám khẳng định làm cái nào là tối ưu trước tình hình giáo dục của nước ta hiện nay.
Ngẫm cho cùng, trách nhiệm với người thầy, đào tạo người thầy không chỉ riêng ai. Đó là trách nhiệm từ người quản lý cấp cao đến mỗi người dân bình thường, chỉ cần tấm lòng cho các hiến kế để xã hội có một nguồn chất lượng ưu đẳng.