Chọn nghề, chọn trường phù hợp
Trước Kỳ thi tốt nghiệp THPT, Kiều My - học sinh lớp 12 tại huyện Thạch Thất, Hà Nội dành nhiều thời gian rảnh để tìm hiểu nghề làm đẹp. Được đánh giá học lực khá, nữ sinh lớp 12 không thích học đại học mà muốn học nghề và đi làm sớm để có một khoản chi phí phụ giúp cho gia đình.
Từ lớp 11, Kiều My đã bắt đầu nghĩ đến việc không vào đại học vì thấy chị gái tốt nghiệp cử nhân bằng giỏi nhưng công việc hiện tại cũng chi đủ trang trải cuộc sống gia đình. Vì vậy, em càng có động lực theo đuổi ước mơ của mình khi cảm thấy yêu thích trang điểm.
“Em chứng kiến nhiều anh chị học chuyên ngành không phù hợp, không đúng sở thích, vỡ mộng, phải về quê xin làm công nhân tại khu công nghiệp kiếm tiền trang trải qua ngày. Cho nên em đã quyết định đi học nghề ngay sau khi tốt nghiệp THPT. Vừa được làm công việc yêu thích, vừa có mức thu nhập ổn định”, Kiều My nói.
Còn Lê Đình Hưng, sinh viên nghề công nghệ ô tô, Trường Cao đẳng công nghệ Bách khoa Hà Nội lựa chọn cho mình lối đi từ khi ngồi trên ghế nhà trường. Nam sinh cân nhắc những ưu điểm, nhược điểm giữa việc học đại học và học nghề, xác định được đam mê của mình từ sớm nên khẳng định đã đi đúng hướng.
“Điểm thi tốt nghiệp của em đủ sức để đỗ vào những trường đại học có đào tạo ngành em đang học. Tuy nhiên học cao đẳng chi phí thấp hơn, thời gian đào tạo ngắn, chúng em sẽ được thực hành nhiều nên ra trường có thể đi làm luôn. Gia đình rất ủng hộ quyết định này. Em cảm thấy hài lòng với ngành học và trường học hiện tại. Em tin rằng, nếu bản thân tiếp tục nỗ lực sẽ nhanh chóng gặt hái được thành công”, Hưng nói.
Theo ông Lê Danh Quang - Trưởng khoa Công nghệ ô tô, Trường Cao đẳng công nghệ cao Hà Nội, học nghề đang là xu hướng hiện nay. Phụ huynh, học sinh đã nhận thức đúng hơn về bản chất, mục đích của việc học nghề. Khi tìm hiểu về trường nghề, họ đã có định hướng công việc tương lai cho con em mình.
“Học nghề sinh viên sẽ được làm việc, thực hành nhiều, sau khi ra trường không phải mất thời gian làm quen với nghề. Nếu như sinh viên lựa chọn học liên thông lên đại học có thể vừa học vừa làm. Nhiều ngành “hot” đang thiếu nhân lực như: Công nghệ ô tô, cơ khí, chăm sóc sắc đẹp… được học sinh lựa chọn đăng ký rất nhiều. Thậm chí, có những doanh nghiệp “khát” nhân lực phải đặt hàng sinh viên ngay từ đầu vào”, ông Quang phân tích.
Ảnh minh họa ITN. |
Nâng cao nguồn lực có kỹ năng
Thực tế nhiều năm nay cho thấy, tình trạng người học tốt nghiệp để rồi thất nghiệp vì thiếu kỹ năng, hoặc doanh nghiệp tuyển nhân sự phải bỏ thêm chi phí ra để đào tạo trước khi sử dụng là một sự lãng phí đối với các doanh nghiệp tuyển dụng lao động.
Chính vì vậy, trong những năm gần đây, không ít trường, cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã chú trọng đến việc liên kết với doanh nghiệp để đào tạo nghề. Và đây chính là hình thức “đào tạo nghề theo địa chỉ”.
Để đáp ứng được yêu cầu này, các trường, cơ sở giáo dục nghề nghiệp đều cần chú trọng việc “Học đi đôi với hành”, đào tạo kết hợp với lao động sản xuất. Hay nói đúng hơn là thực hiện phương châm: “Nhà trường đào tạo cái xã hội cần mà không phải đào tạo cái nhà trường có”.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp liên kết sẽ hướng dẫn việc làm, các kỹ năng cần thiết, đồng thời góp ý cho trường những nội dung cần phải bổ sung vào chương trình giáo dục, đào tạo nghề để đáp ứng yêu cầu công việc của họ.
Ông Trần Minh Hoàng, Giám đốc Công ty HSMart nhìn nhận, doanh nghiệp chú trọng vào đào tạo, xây dựng được lộ trình học tập và thăng tiến rõ ràng cho nhân viên thường có tỷ lệ nhảy việc thấp hơn hẳn. Ngoài ra, doanh nghiệp có chương trình đào tạo bài bản thường sẽ chủ động, ít bị rối loạn khi có sự thay đổi về mặt nhân sự hoặc các yếu tố sản xuất kinh doanh biến động.
“Không chỉ duy trì sự ổn định trong quá trình vận hành của doanh nghiệp, đào tạo nhân viên còn tăng sức cạnh tranh trên thị trường nhờ đội ngũ nhân viên được trang bị kiến thức và kỹ năng vững vàng”, ông Hoàng cho biết.
Theo các chuyên gia, để nâng cao hiệu quả đào tạo nghề theo địa chỉ, các trường, cơ sở giáo dục cần thường xuyên mời các chuyên gia từ doanh nghiệp đến trường chia sẻ nghề nghiệp; kết hợp giảng dạy chính khóa với các hoạt động ngoại khóa ở các doanh nghiệp liên kết. Đi liền với việc đặt hàng của các doanh nghiệp, thời gian tới, giáo dục nghề nghiệp cần đặt hàng đào tạo ra lực lượng trẻ, có kỹ năng để đáp ứng yêu cầu hợp tác của doanh nghiệp.
Để làm được điều này, các trường học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần nắm bắt được xu hướng dự báo về các ngành nghề “khát” nguồn nhân lực, nghề chất lượng tại các doanh nghiệp để có kế hoạch hợp tác hiệu quả. Theo dự báo, các ngành nghề thuộc các lĩnh vực: Công nghệ thông tin, cơ khí, cơ khí giao thông, điện tử, quản lý dự án, xây dựng công nghiệp, môi trường, nông nghiệp… vẫn đang rất cần nguồn lao động chất lượng cao.