Trường nghề loay hoay bài toán tuyển sinh, đào tạo

GD&TĐ - Nhiều trường nghề ở TPHCM khó khăn trong tuyển sinh, loay hoay trong việc chọn lĩnh vực trọng điểm để tập trung đào tạo.

Học viên Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện Nhà Bè, TPHCM trong giờ thực hành. Ảnh: Mạnh Tùng
Học viên Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện Nhà Bè, TPHCM trong giờ thực hành. Ảnh: Mạnh Tùng

Tuyển sinh khó, đào tạo dàn trải

Thực trạng trên được nêu tại Hội nghị lần thứ nhất Hội đồng Hiệu trưởng các trường cao đẳng, trung cấp trên địa bàn TPHCM (Hội đồng) năm 2023, diễn ra vào ngày 9/11.

Theo báo cáo của Hội đồng, trên địa bàn TPHCM hiện có 376 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó 62 trường cao đẳng, 60 trường trung cấp, 22 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, 54 trung tâm nghề và 178 doanh nghiệp đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Quy mô đào tạo các trình độ giáo dục nghề nghiệp đến tháng 9/2023 là 430.690 người học.

Phó Chủ tịch Hội đồng, ông Lê Văn Thinh (Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TPHCM) cho biết, số người đang làm việc đã qua đào tạo là hơn 4,43 triệu người (đạt tỷ lệ 86,96% lực lượng lao động ở thành phố). Kết quả dạy và học, công tác phân luồng hướng nghiệp, tuyển sinh đạt nhiều tích cực.

Chất lượng nhân lực sau đào tạo giáo dục nghề nghiệp dần khẳng định vị thế với xã hội. Kiến thức chuyên môn, trình độ kỹ năng nghề của người học sau tốt nghiệp ngày càng tiệm cận thực tế sản xuất, đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp. Thầy và trò các trường nghề còn gặt hái nhiều thành tích cao tại các kỳ thi kỹ năng nghề quốc gia, quốc tế.

Tuy nhiên, ông Lê Văn Thinh cho biết hệ thống trường nghề tại TPHCM cũng còn nhiều hạn chế. Theo đó, kết quả tuyển sinh ở các nghề đào tạo ngắn hạn vẫn chiếm tỷ trọng cao trong tổng thể kết quả tuyển sinh ở nhiều năm gần đây.

Điều này phản ánh phần nào xu hướng chọn nghề của người học, muốn học nghề nhanh, sớm tham gia thị trường lao động. Từ đó, đa phần người lao động sẽ khó thích ứng với sự thay đổi nhanh của khoa học công nghệ so với người lao động có tay nghề trình độ trung cấp, cao đẳng.

Ngoài ra, các trường trung cấp, trường cao đẳng bị động trong nguồn tuyển sinh hàng năm. Kết quả tuyển sinh trình độ trung cấp không đạt chỉ tiêu nhiều năm. Thực trạng được lý giải một phần do ảnh hưởng từ chính sách tuyển sinh trình độ đại học ngày càng thuận lợi hơn; một phần do chính uy tín của các trường khi chất lượng đào tạo, điều kiện học tập chưa đảm bảo hoặc chưa thu hút người học.

Ngoài ra, công tác tự đánh giá, kiểm định chất lượng chương trình đào tạo, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chưa thực sự chủ động triển khai. Nhiều trường có cơ sở vật chất xuống cấp, phương tiện kỹ thuật dạy học lạc hậu; diện tích đất nhỏ, không đảm bảo diện tích tối thiểu theo quy định.

Cũng theo ông Lê Văn Thinh, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp còn tổ chức đào tạo đa ngành, thiếu định hướng đào tạo trọng tâm, mũi nhọn nên việc đầu tư còn dàn trải, thiếu tập trung.

Theo TS Lê Đình Kha, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng kỹ thuật Cao Thắng, với khối ngành cơ khí - tự động hóa, thành phố đặt mục tiêu tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 87% vào năm 2025, đạt 89% vào năm 2030. Trong quý II/2023, nhu cầu nhân lực của thành phố về lĩnh vực cơ khí - tự động hóa cần khoảng 5.000 chỗ làm việc. Tuy nhiên, cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo nguồn nhân lực ngành này không nhiều, nhân lực đào tạo chưa đáp ứng về số lượng theo yêu cầu của xã hội.

Tương tự, khối ngành công nghệ thông tin - truyền thông cũng rơi vào thực trạng nhu cầu nhân lực lớn nhưng đội ngũ lao động có tay nghề lại thiếu. Báo cáo tại hội nghị của ThS Võ Long Triều, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ Thủ Đức cho thấy, số doanh nghiệp hoạt động chuyên ngành chính điện tử - công nghệ thông tin ở TPHCM là trên 5.500, chiếm tỷ lệ xấp xỉ 3% số doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn.

Sự thiếu hụt nhân lực khối ngành này đến từ nhiều phương diện, chủ yếu do nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn cao chưa đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường, trong khi đội ngũ nhân sự mới lại thiếu những kỹ năng cần thiết để vận hành. Ngoài ra, chương trình đào tạo tại các trường chưa đáp ứng kịp sự thay đổi của khoa học công nghệ hoặc chưa đúng trọng tâm doanh nghiệp tìm kiếm. Nhiều sinh viên ra trường rất giỏi nhưng lại rất thiếu kiến thức về mặt nghiệp vụ.

Sinh viên Trường Cao đẳng Đại Việt Sài Gòn thực hành với chi tiết máy. Ảnh: Mạnh Tùng

Sinh viên Trường Cao đẳng Đại Việt Sài Gòn thực hành với chi tiết máy. Ảnh: Mạnh Tùng

Tìm giải pháp gỡ vướng

Lãnh đạo một số trường cao đẳng, trung cấp nghề và các chuyên gia về giáo dục nghề nghiệp cho rằng, để gỡ vướng trong công tác tuyển sinh, đào tạo trường nghề, cần nâng cao chất lượng đào tạo, gắn kết giữa nhà trường và doanh nghiệp trong từng nhóm ngành, kịp thời cung ứng nguồn nhân lực theo nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp, của xã hội.

ThS Võ Thị Mỹ Vân, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Du lịch – Khách sạn Saigontourist đề xuất TPHCM tạo điều kiện mở rộng các chương trình công tác liên kết quốc tế về đào tạo nguồn nhân lực du lịch để các nhà giáo trong ngành được học hỏi kinh nghiệm ở nước bạn.

Sau khi về có thể triển khai cho sinh viên. Bên cạnh đó, cần có chế độ hỗ trợ cơ sở đào tạo và doanh nghiệp gắn kết phối hợp đào tạo, đáp ứng nhu cầu phục hồi và phát triển ngành du lịch hậu Covid-19.

Với ngành công nghệ thông tin, ThS Võ Long Triều, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ Thủ Đức đề xuất cách cải tiến nội dung và phương thức đào tạo, đồng thời gắn liền nghiên cứu khoa học, áp dụng thành tựu khoa học, công nghệ mới trong giảng dạy.

Phó Chủ tịch UBND TPHCM, Dương Anh Đức yêu cầu mỗi cơ sở cần đề ra chiến lược, kế hoạch, xác định các lĩnh vực trọng điểm tập trung đào tạo, tránh đào tạo đa ngành, thiếu định hướng. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cũng cần quan tâm hơn nữa việc đầu tư cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật dạy học chuyên ngành.

Bên cạnh việc tự đầu tư các thiết bị dạy học, theo quy định hiện hành còn cho phép các đơn vị có thể hợp tác, thuê mướn để tối ưu hóa hoạt động tài chính của các đơn vị. Đồng thời, các trường cần đẩy mạnh thực hiện công tác kiểm định chất lượng đào tạo, tiến tới thực hiện kiểm định do các tổ chức quốc tế thực hiện.

Hội đồng Hiệu trưởng các trường cao đẳng, trung cấp được thành lập năm 2021, gồm 8 tiểu ban phụ trách các nhóm ngành: Vận tải - Kho bãi - Logistics, Du lịch - Nhà hàng - Khách sạn, Cơ khí - Tự động hóa, Công nghệ thông tin - Truyền thông, Y tế - Chăm sóc sắc đẹp - Thời trang, Tài chính - Tín dụng - Ngân hàng, Xây dựng - Đô thị - Môi trường, Văn hóa - Nghệ thuật - Xã hội và Nhân văn. Hội đồng do ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TPHCM làm Chủ tịch.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

phiên dịch tiếng nhật Đại học Duy Tân