Giải bài toán cho đào tạo nghề ngắn hạn trong khu công nghiệp

GD&TĐ - Theo chuyên gia, đại bộ phận lao động đang làm việc trong các khu công nghiệp, khu kinh tế còn hạn chế trong kỹ năng làm nghề.

Cần chú trọng đào tạo nghề ngắn hạn trong khu công nghiệp. Ảnh minh họa
Cần chú trọng đào tạo nghề ngắn hạn trong khu công nghiệp. Ảnh minh họa

Vì vậy, cần có những phương án để đào tạo nghề ngắn hạn cho nhân lực tại đây.

Đẩy mạnh vai trò của lực lượng thanh niên

Ông Nguyễn Tiến Dũng, Trường Cao đẳng nghề Việt Nam - Hàn Quốc Hà Nội, nhận định: Việt Nam ở thời kỳ “cơ cấu dân số vàng” với tỷ lệ thanh, thiếu niên cao nhất trong lịch sử. Trong khi nhóm dân số từ 10 - 29 tuổi chiếm khoảng 33% dân số và dự kiến thời kỳ này sẽ kéo dài cho đến năm 2040. Đây là cơ hội lớn để Việt Nam có thể phát triển kinh tế - xã hội và phát huy tối đa tiềm lực của đất nước bằng đẩy mạnh vai trò của lực lượng thanh niên.

Ông Nguyễn Tiến Dũng còn cho rằng, Nhà nước cần có chính sách, chế tài đối với các doanh nghiệp tại các khu công nghiệp trong việc sử dụng lao động qua đào tạo hoặc qua các khóa đào tạo ngắn hạn. Bên cạnh đó, cần gắn trách nhiệm của các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp với hệ thống giáo dục nghề nghiệp trong các lĩnh vực. Đó là trao đổi công nghệ, tham quan, học tập, thực tập, đào tạo kỹ năng mềm, chia sẻ các kiến thức về vệ sinh an toàn lao động, thực hiện 5S…

Hơn nữa, cần chú trọng thực hiện tốt công tác phân luồng đào tạo sau THCS, rà soát, quy hoạch và cơ cấu lại các ngành nghề theo từng địa phương. Nhằm đảm bảo học sinh, sinh viên tốt nghiệp ra trường đúng theo nhu cầu sử dụng của các doanh nghiệp trên địa bàn. Để thực hiện tốt điều này, các cơ quan chức năng cần phối hợp nghiên cứu, khảo sát để có các số liệu, thông tin chính xác về nhu cầu sử dụng lao động, các sàn giao dịch việc làm…

Cũng theo ông Dũng, Nhà nước tiếp tục có các chính sách tạo điều kiện, khuyến khích cho học sinh được học tập, hướng nghiệp và có thể có việc làm ngay sau khi hoàn thành chương trình trung cấp. Tiếp tục thực hiện tốt công tác tuyên truyền về giáo dục nghề nghiệp nhằm thay đổi nhận thức, tư tưởng trong một bộ phận không nhỏ người dân vẫn còn tình trạng ưu tiên bằng cấp. Đồng thời, huy động các nguồn lực từ Trung ương đến địa phương, các doanh nghiệp. Mục đích nhằm hỗ trợ, tăng cường cơ sở vật chất các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đáp ứng sự thay đổi của công nghệ trong các doanh nghiệp tại các khu công nghiệp.

Theo ThS Trần Đình Long, Hiệu trưởng Trường Trung cấp nghề Lý Tự Trọng (Hà Tĩnh), hệ thống giáo dục nghề nghiệp đã có bước phát triển vượt bậc, từng bước đáp ứng yêu cầu nhân lực qua đào tạo của nền kinh tế và các khu công nghiệp. Công tác đào tạo nghề trong khu công nghiệp đã ghi nhận nhiều chuyển biến tích cực. Một số tập đoàn, doanh nghiệp lớn xây dựng hệ thống đào tạo nghề ngắn hạn bài bản, đồng bộ thông qua các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trực thuộc doanh nghiệp. Các trung tâm, bộ phận đào tạo kỹ năng nghề riêng biệt hoặc ký kết hợp tác đào tạo nghề với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trước khi tuyển dụng.

Tuy nhiên, phần lớn các doanh nghiệp tại các khu công nghiệp vẫn đang tuyển dụng lao động phổ thông nằm trong độ tuổi thanh niên chưa qua đào tạo, như Tập đoàn Samsung, doanh nghiệp dệt may, xây dựng... Do đó, thanh niên trong độ tuổi lao động chưa được trang bị tốt tâm lý lẫn ý thức, cũng như các công tác an toàn lao động chưa cao, trình độ tay nghề chưa đạt yêu cầu.

Vì thế, việc thích nghi với tác phong công nghiệp trong các doanh nghiệp và dây chuyền vận hành trở nên hạn chế, ảnh hưởng đến hiệu quả của công việc. Cùng với đó là kết quả sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp. Từ đó, dẫn đến việc lao động liên tục bị sa thải, chủ yếu là các đối tượng thanh niên.

Tuyển dụng liên tục làm giảm chất lượng nhân lực

Theo ThS Trần Đình Long, doanh nghiệp tiếp nhận lao động mới liên tục tuyển dụng để lấp đầy khoảng trống nên không có thời gian đào tạo bài bản... Rất nhiều lao động thanh niên sau khi được doanh nghiệp tiếp nhận vào làm việc một thời gian ngắn đã xin nghỉ việc hoặc tự ý nghỉ việc. Họ không quan tâm đến ràng buộc hợp đồng lao động do chưa có đủ nhận thức về việc vi phạm pháp luật khi phá vỡ hợp đồng, làm ảnh hưởng đến hệ thống dây chuyền sản xuất trong các doanh nghiệp.

Chất lượng lao động thấp không chỉ ảnh hưởng đến hiệu suất công việc, dây chuyền sản xuất, mà còn ảnh hưởng rất lớn đến hệ thống thiết bị. Bởi việc vận hành bị lỗi trong dây chuyển sản xuất khi tay nghề lao động chưa đáp ứng.

Việc thống kê, dự báo nguồn lao động cũng chưa kịp thời, vai trò của các trung tâm giới thiệu việc làm chưa đáp ứng. Công tác tư vấn định hướng nghề nghiệp, công tác phân luồng, đào tạo nghề ngắn hạn cho thanh niên sau tốt nghiệp THCS cũng chưa được quan tâm đúng mức.

Ông Long cho rằng, công tác đào tạo nghề ngắn hạn cho thanh niên nói chung và trong khu công nghiệp nói riêng cần được quan tâm nhiều hơn. Trong đó, cần tăng cường tập huấn đội ngũ cán bộ Đoàn, Hội, Đội. Mục đích để giáo dục, huấn luyện kỹ năng mềm, tác phong công nghiệp, ý thức về an toàn lao động khi đang ngồi trên ghế nhà trường, đặc biệt đối với độ tuổi 14.

Cùng với đó, các doanh nghiệp có quy mô từ 1.000 lao động trở lên cần thành lập trung tâm đào tạo nghề và trước khi tuyển dụng phải yêu cầu lao động có chứng chỉ đào tạo nghề ngắn hạn. Đó là chứng chỉ đào tạo nghề phải do các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cấp hoặc bộ phận đào tạo nghề của doanh nghiệp đăng ký đào tạo nghề với ngành Giáo dục nghề nghiệp cấp.

Ban Quản lý các khu công nghiệp cần chú trọng xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực bên cạnh chiến lược kinh doanh để đảm bảo sự phát triển bền vững trong tương lai. Đồng thời, sớm báo cáo số liệu lao động cần tuyển đến hệ thống các cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo từng khu vực. Mục đích để các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chủ động xây dựng chương trình đào tạo và chuẩn bị cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo phù hợp, sát với dây chuyền sản xuất trong doanh nghiệp.

“Chúng ta không nên chờ đợi các em tốt nghiệp THCS, THPT mới làm việc này vì tốt nghiệp xong các em ngại học nghề hơn. Đồng thời, có tâm lý rời khỏi địa phương để tìm công việc tại các gia đình người thân như một giải pháp tình thế”, Hiệu trưởng Trường Trung cấp nghề Lý Tự Trọng nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.