Mạng lưới cơ sở đào tạo nghề đầu tư nhiều nhưng vẫn lạc hậu, manh mún

GD&TĐ - Mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp ở một số tỉnh thành được đầu tư khá nhiều nhưng kết quả thu về vẫn là sự lạc hậu, manh mún, thiếu trọng điểm.

Lớp Kỹ thuật chế biến món ăn quốc tế, Trường Cao đẳng Du lịch – Thương mại Nghệ An.
Lớp Kỹ thuật chế biến món ăn quốc tế, Trường Cao đẳng Du lịch – Thương mại Nghệ An.

Chồng chéo ngành nghề đào tạo

Vừa qua, tỉnh Nghệ An tiếp nhận đề xuất thông qua chủ trương đầu tư dự án Trường Cao đẳng kỹ thuật công nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc. Dự án có tổng mức đầu tư 70 tỷ đồng, được thực hiện trong 2 năm 2022 và 2023. Bao gồm xây dựng nhà xưởng thực hành, nhà trưng bày giới thiệu sản phẩm, thiết bị đào tạo và đánh giá kỹ năng nghề, cùng một số hạng mục cơ sở hạ tầng khác. Khi hoàn thành, các hạng mục trên sẽ góp phần tạo điều kiện cho nhà trường hiện đại hóa, đồng bộ cơ sở vật chất để phát huy và nâng cao chất lượng đào tạo nghề.

Trường CĐ Kỹ thuật công nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc là 1 trong 3 cơ sở đào tạo nghề của Nghệ An được Chính phủ lựa chọn xây dựng trường nghề chất lượng cao. Hàng năm trường đào tạo khoảng 3.000 - 3.500 học sinh, sinh viên của 13 ngành nghề. Trong đó có những ngành nghề tạo nên thương hiệu của nhà trường như: điện công nghiệp, kỹ thuật điện tử, hàn, công nghệ ô tô…

Ông Hồ Văn Đàm – Hiệu trưởng nhà trường cho hay, ngoài các ngành nghề đào tạo cố định, nhà trường còn đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp, tập đoàn trong và ngoài nước. Những năm qua, cơ cấu ngành nghề của trường cũng từng bước hoàn thiện, mở thêm một số ngành mới đáp ứng nhu cầu thị trường lao động.

Sinh viên học nghề tại Trường Cao đẳng Kỹ thuật công nghiệp Việt Nam – Hàn Quốc (Nghệ An)

Sinh viên học nghề tại Trường Cao đẳng Kỹ thuật công nghiệp Việt Nam – Hàn Quốc (Nghệ An)

Những năm gần đây, với sự thay đổi nhận thức của phụ huynh, học sinh hệ thống các cơ sở giáo dục nghề nghiệp của Nghệ An tuyển sinh cơ bản đủ chỉ tiêu. Tuy nhiên, chỉ số ít trường được đầu tư và có cơ sở vật chất, máy móc hiện đại, còn phần lớn chưa đồng bộ, thiếu thốn.

Trung tâm GDNN-GDTX huyện Diễn Châu (Nghệ An) là một trong những đơn vị giáo dục hướng nghiệp, dạy nghề hiệu quả của tỉnh Nghệ An. Hằng năm, Trung tâm tuyển sinh gần 1.000 học sinh GDTX và học viên sơ cấp nghề.

Ông Phan Lam Giang – Giám đốc Trung tâm cho biết: “Kể từ sau khi sáp nhập, Trung tâm được bổ sung cả về đội ngũ và cơ sở vật chất, quy mô hoạt động lớn, cơ cấu ngành nghề đa dạng hơn. Trung tâm cũng có điều kiện nâng cao chất lượng đào tạo. Nhiều học viên nghề đã từng làm lao động phổ thông ở các tỉnh thành khác, đã quay về quê đăng ký học nghề. Tuy nhiên, ngoài một số nghề như may mặc, hàn, điện dân dụng, nấu ăn Trung tâm tự đào tạo được, thì những ngành nghề khác vẫn phải phối hợp với trường CĐ, Trung cấp nghề”.

Tương tự, Trung tâm GDNN-GDTX huyện Tương Dương mới được đầu tư, đưa vào hoạt động 1 phòng may công nghiệp và 1 phòng thực hành nghề hàn trong năm học 2022-2023. Tuy nhiên, ông Nguyễn Thành Vinh – Giám đốc Trung tâm cũng cho biết, do hạn chế về đội ngũ giáo viên, thiết bị máy móc nên Trung tâm phối hợp với Trường Trung cấp nghề dân tộc nội trú (đóng tại huyện Con Cuông).

Trung tâm GDNN-GDTX huyện Anh Sơn cũng liên kết cùng lúc với nhiều trường nghề như: Trường Trung cấp nghề Kinh tế - Kỹ thuật Tây Nam Nghệ An, Trường CĐ Nghề số 4, Trường CĐ Du lịch – Thương mại Nghệ An… Theo đó “chia sẻ” mỗi lớp nghề cho các đơn vị liên kết có thế mạnh đào tạo. Mục tiêu đảm bảo chất lượng đào tạo cũng như “nâng” bằng cấp nghề cho học sinh, vì Trung tâm chỉ có thể cấp chứng chỉ nghề sơ cấp.

Việc liên kết cũng là giải pháp tăng khả năng tuyển sinh cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp khi cùng mô hình đào tạo, cơ cấu ngành nghề. Đồng thời thỏa mãn nhu cầu vừa có bằng nghề, vừa được thi tốt nghiệp THPT của học sinh. Cụ thể, những ngành nghề rất nhiều trường tại Nghệ An cùng đào tạo như điện, hàn, may mặc, nấu ăn, tiếng Hàn, tiếng Nhật… Nhưng ngược lại, việc các trường nghề cùng tuyển sinh các ngành nghề giống nhau sẽ tạo sự chồng chéo, dàn trải, khó đầu tư tập trung. Vấn đề này đã được nhiều lần đưa ra thảo luận, trao đổi trong các hội nghị cấp tỉnh. Trong đó, giải pháp được xem là căn cơ để giải quyết sự chồng chéo này, là sáp nhập một số trường trung cấp, cao đẳng nghề có cùng mô hình, cùng hệ đào tạo, cùng địa bàn.

Một số địa phương, khu vực, ngành nghề vẫn đang xảy ra tình trạng mất cân đối cung cầu, thiếu hụt nguồn cung cục bộ, riêng trong quý I năm 2022 có xảy ra sự thiếu hụt lao động cục bộ khoảng 120.000 lao động (gần 10% so với nhu cầu tuyển dụng), cao hơn những năm trước khoảng 2-3%, chủ yếu thiếu hụt lao động phổ thông ở ngành dệt may, lắp ráp linh kiện điện tử, chế biến gỗ và một số ngành bị tác động mạnh, phải dừng hoạt động dài như du lịch, giáo dục... (Nguồn Bộ LĐTB&XH)

Rà soát, sắp xếp mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp

Nghệ An là một trong những tỉnh thành có mạng lưới cơ sở giáo dục, đào tạo nghề rộng lớn. Hiện toàn tỉnh có 62 cơ sở giáo dục nghề nghiệp (công lập 46 cơ sở, ngoài công lập 16 cơ sở), gồm: 9 trường cao đẳng, 13 trường trung cấp, 22 trung tâm giáo dục nghề nghiệp, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, 18 cơ sở khác có tham gia đào tạo nghề nghiệp.

Học viên học nghề hàn tại Trung tâm GDNN-GDTX huyện Diễn Châu, Nghệ An.

Học viên học nghề hàn tại Trung tâm GDNN-GDTX huyện Diễn Châu, Nghệ An.

Quy mô tuyển sinh, đào tạo trung bình đạt 88.500 học sinh, sinh viên/năm. Cơ cấu ngành, nghề đào tạo từng bước được điều chỉnh phù hợp hơn với thực tiễn và nhu cầu của thị trường lao động. Chất lượng, hiệu quả đào tạo đã có chuyển biến tích cực với tỷ lệ có việc làm đạt 80,76%, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và cả nước nói chung.

Tuy nhiên, chất lượng hoạt động của hệ thống giáo dục đào tạo nghề trên địa bàn, tỉnh Nghệ An cho rằng vẫn còn một số khó khăn, hạn chế. Tại cuộc làm việc “về công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực trên địa bàn tỉnh Nghệ An, từ năm 2015 - 2020”, lãnh đạo tỉnh Nghệ An đánh giá, mạng lưới cơ sở đào tạo nghề nhiều nơi có quy mô manh mún, dàn trải. Đội ngũ nhà giáo còn thiếu và chưa đảm bảo cơ cấu. Cơ sở vật chất, trang thiết bị còn thiếu, lạc hậu. Lực lượng lao động đào tạo chưa cân đối giữa các ngành nghề, trình độ. Chất lượng một số ngành nghề đào tạo chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường sử dụng lao động. Việc gắn kết giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp chưa thật chặt chẽ…

Tại cuộc làm việc, lãnh đạo tỉnh Nghệ An nhấn mạnh, sẽ tập trung quyết liệt để triển khai Đề án số 14-ĐA/TU ngày 25/01/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về đào tạo, phát triển nguồn nhân lực có kỹ năng nghề trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Đồng thời tập trung rà soát lại hiệu quả các cơ sở đào tạo nghề để có sự sắp xếp phù hợp; gắn với đó là rà soát, tính toán, cân đối đội ngũ giáo viên đảm bảo đáp ứng yêu cầu đào tạo.

Việc đầu tư cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thực hiện quan điểm có trọng tâm, trọng điểm, nhằm có cơ sở vật chất đồng bộ. Mặt khác, đồng hành với các doanh nghiệp, nhà đầu tư để đào tạo người lao động phục vụ các dự án đầu tư trên địa bàn. Lãnh đạo tỉnh Nghệ An cũng đề nghị Sở LĐ-TB&XH rà soát đánh giá lại toàn bộ hoạt động cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Từ đó, đề xuất, tham mưu cho tỉnh những giải pháp, nhất là về tổ chức bộ máy để nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động đào tạo nghề.

Về mặt tổng thể quốc gia, chưa tạo ra được lực lượng lao động có trình độ, kỹ năng nghề cao. Người học tốt nghiệp yếu về ngoại ngữ và các kỹ năng mềm. Quy mô, cơ cấu nguồn nhân lực theo trình độ chuyên môn kỹ thuật chưa phù hợp. Tỷ lệ lao động có trình độ đại học trở lên (9,8%) cao hơn trình độ cao đẳng (3,6%) và trình độ trung cấp (4,3%). Chất lượng nhân lực có kỹ năng nghề vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của thị trường lao động do vậy chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế -xã hội, chưa đủ sức hấp dẫn các doanh nghiệp, nhà đầu tư lớn nước ngoài vào Việt Nam. Năng lực cạnh tranh quốc gia còn thấp, chưa tận dụng được hết cơ hội của thời kỳ dân số vàng để thu hút nguồn lực đầu tư FDI. (Nguồn Bộ LĐTB&XH)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

GD&TĐ - Trong hai tháng thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh Trường THPT Chu Văn An đã tổ chức sự kiện Sparkling Chu Văn An 2024.