Chương trình 9+ khó đảm bảo chất lượng nguồn nhân lực

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Nhiều chuyên gia cho rằng, chương trình 9+ khó đảm bảo chất lượng nguồn nhân lực, không có ý nghĩa gì để phục vụ phát triển kinh tế xã hội.

Theo chuyên gia, việc cô gọn chương trình ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nhân lực. Ảnh minh hoạ.
Theo chuyên gia, việc cô gọn chương trình ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nhân lực. Ảnh minh hoạ.

Chương trình 9+ rút ngắn thời gian có bằng Cao đẳng

Những năm gần đây, nhiều trường cao đẳng rầm rộ quảng cáo tuyển sinh chương trình 9+ với rất nhiều ưu điểm như rút ngắn thời gian học tập, giảm chi phí đào tạo và cam kết khi ra trường sẽ có việc làm ngay.

Hệ đào tạo này dành cho học sinh tốt nghiệp THCS đi theo con đường học nghề với chương trình học văn hóa THPT và Trung cấp trong thời gian đầu. Sau khi có bằng Trung cấp, các em sẽ liên thông lên Cao đẳng với thời gian học tập tổng cộng 4 năm là tốt nghiệp.

Như vậy, các em ra trường khi chỉ mới 19 tuổi, có trình độ Cao đẳng và tham gia thị trường lao động. So với học sinh tốt nghiệp THPT rồi mới học Cao đẳng thì hệ đào tạo 9+ rút ngắn được từ 1-2 năm học. Chương trình học này được cho là giảm thiểu chi phí học tập.

Tuy nhiên, theo chuyên gia, việc rút ngắn thời gian học khó đảm bảo được chất lượng nguồn nhân lực. Học sinh tốt nghiệp hệ cao đẳng khi chỉ với 19 tuổi đã tham gia thị trường lao động sẽ khiến nhiều người phải đặt dấu hỏi về “độ chín” của các em.

TS. Lê Viết Khuyến – Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam chỉ ra, trước đây, để đào tạo ra một loại chức danh nhân lực cụ thể thì đòi hỏi chỉ cần đào tạo ở trình độ trung học là đủ. Nhưng hiện nay do mặt bằng của xã hội, khoa học và công nghệ của đất nước đã được nâng cao hơn nên phải nâng trình độ của nhân lực đó lên cao đẳng.

Rõ ràng, việc nâng chuẩn trình độ đào tạo này là cần thiết nhưng khi triển khai nâng cấp các trường ở Việt Nam, cơ quan quản lý nhà nước và các cơ sở đào tạo thường mắc phải sai lầm. Nhất là khi nâng chuẩn trình độ đào tạo lên nhưng vẫn giữ nguyên đẳng cấp (tên gọi cũ) của cơ sở đào tạo thì sẽ gây thiệt thòi cho người học.

Ví dụ, học sinh học một chương trình nào đó phải được công nhận đạt cấp độ cao đẳng. Nhưng chương trình đó được thực hiện tại các trường trung cấp, thì mọi người vẫn mặc định người đó chỉ tốt nghiệp hệ trung học, chứ không phải hệ cao đẳng.

Ngược lại, khi trình độ người lao động đa số chỉ cần đạt trung học nghề là đủ. Nhưng nếu cơ quan quản lý lại ồ ạt nâng các trường trung cấp nghề lên thành cao đẳng, trong khi chương trình vẫn không thay đổi đáng kể theo chuẩn sẽ dẫn tới tình trạng đào tạo “siêu tốc”.

Ví dụ như trường hợp đang gặp, “tốt nghiệp trung học cơ sở, học 3 năm có bằng cao đẳng, nhận danh hiệu kỹ sư thực hành”. Và với học sinh học xong THCS + 3,5 năm có thể “lột xác” để nhận bằng cao đẳng, trở thành “nhân lực chất lượng cao”?

Do đó cần phải làm rõ, khi nâng trình độ học vấn của chương trình đào tạo thì cần song song thực hiện nâng đẳng cấp của trường, cấp độ đào tạo lên để bằng tốt nghiệp phù hợp với trình độ đào tạo.

Còn nếu chỉ cố gắng chạy theo “mốt” lên cao đẳng để “câu kéo” người học, nhưng không đảm bảo thời gian đào tạo và nội dung học cần thiết thì đương nhiên sẽ ảnh hưởng đến chất lượng của nguồn nhân lực.

“Việc đưa học sinh tốt nghiệp THCS lên đào tạo từ 3-3,5 năm, rồi cấp một loạt bằng cấp, tạo ra nguồn nhân lực “dởm”. Như vậy chẳng khác nào làm méo mó nguồn nhân lực khi rút ngắn thời gian, cô gọn chương trình...”, TS Lê Viết Khuyến nhấn mạnh.

Một quảng cáo về lợi ích của học hệ 9+

Một quảng cáo về lợi ích của học hệ 9+

Học sinh trượt tốt nghiệp sau 3 năm có bằng Cao đẳng?

Một phụ huynh chia sẻ, khi các em mới 19 tuổi đã được cho là tốt nghiệp hệ cao đẳng sẽ khiến nhiều cha mẹ lo lắng. Việc tiết kiệm thời gian và chi phí học như quảng cáo không đáng ngại bằng chuyện các em tham gia vào thị trường lao động khi chưa đến “độ chín”. Thời gian học tập đó đã đủ để các em tiếp thu kiến thức, đủ vững vàng chỉ sau 4 năm tốt nghiệp lớp 9 đã đi làm?

Thực tế, cũng chưa có nhiều tấm gương trong việc học hết chương trình này đã thành công trong sự nghiệp để các em noi theo. Trong khi hầu hết người Việt vẫn ưu tiên bằng cấp cao là Đại học. Bởi đó mới là thời gian được đào tạo bài bản, quy mô giúp tích lũy kiến thức trước khi ra trường. Liên quan đến vấn đề này, ông Trần Xuân Nhĩ, Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam nhận định, không thể đào tạo học sinh THCS không đủ trình độ thi vào các trường THPT nhưng chỉ cần học 3 năm thêm mấy tháng lại nhận bằng Cao đẳng. “Tôi lo rằng, những bằng cấp như vậy sẽ không đảm bảo chất lượng. Không có ý nghĩa gì để phục vụ phát triển của đất nước. Trong khi đó, hiện nay hội nhập quốc tế cũng không nước nào công nhận”, ông Trần Xuân Nhĩ nhấn mạnh.

Cũng theo ông Trần Xuân Nhĩ, muốn học cao đẳng phải học hết THPT và theo học ít nhất 2 đến 3 năm nữa. Còn đào tạo như 9+, đầu vào đã không có kiến thức cơ bản còn nhồi kiến thức “cao siêu” trong thời gian ngắn nên không có chất lượng. Học như vậy chả khác nào xây nhà không móng. Kiến thức THPT là nền tảng, muốn học lên cao phải có nền tảng vững chắc đó. Còn nền tảng không có làm sao xây được lâu đài.

Trước “ma trận” quảng cáo tràn lan, thổi phồng giá trị thực của hình thức đào tạo 9+, ông Trần Xuân Nhĩ cho rằng, phụ huynh nên tỉnh táo, nghiên cứu hệ thống giáo dục của nước ta, đối sánh với quốc tế để nhận thức đúng vấn đề. Muốn con mình học xong để phục vụ đất nước, hội nhập quốc tế thì cần suy nghĩ cẩn trọng trước khi quyết định theo học.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Lửa cháy đổ dầu thêm

GD&TĐ - Tổng giá trị gói viện trợ mới nhất Mỹ dành cho Ukraine được Hạ viện nước này phê chuẩn hôm 20/4 vừa qua là 60,84 tỷ USD.