Đảo lộn thực đơn

GD&TĐ - Chuỗi thức ăn nhanh KFC tại Australia thông báo đổi rau diếp truyền thống trong món bánh mì kẹp bằng rau cải bắp do khan hàng.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Các nhà bán cơm gà tại Singapore cũng phải thông báo không có thịt gà tươi trong thành phần món ăn vì nước láng giềng Malaysia cấm xuất khẩu thịt gà.

Nguyên nhân khiến món bánh mì kẹp thịt của KFC tại Australia không còn giữ được vị nguyên bản bắt nguồn từ việc giá rau diếp, nguyên liệu chính trong món salad và nhân kẹp bánh, đã tăng cao đột biến trong những ngày qua.

Mọi việc bắt nguồn từ việc chuỗi cung ứng rau diếp tại Australia bị gián đoạn sau đợt lũ lụt lớn ở miền Đông nước này, trong khi nguồn cung nhập khẩu thay thế không có.

Trước đó, chuỗi nhà hàng ăn nhanh KFC tại Austrlia cũng phải vật lộn với sự thiếu hụt nguyên liệu thịt gà suốt từ đầu năm 2022 đến nay. Tình trạng này kéo dài buộc họ phải cắt giảm một số món quen thuộc trong thực đơn của mình do không tìm được nguồn cung thay thế.

Bộ Nông nghiệp Australia giải thích nguyên nhân của “cú sốc nông sản” ở nước này ngoài hiện tượng lũ lụt còn đến từ sự gián đoạn chuỗi cung ứng, do tác động của đại dịch Covid-19 và tình trạng thiếu lao động dai dẳng ở nước này trong ngành nông nghiệp.

Cũng giống như tại Australia, nguồn cung thịt gà khan hiếm cũng đang làm đảo lộn tình hình kinh doanh của những nhà hàng bán món ăn truyền thống nối tiếng tại Singapore là cơm gà. Lô thịt gà tươi cuối cùng từ Malaysia xuất sang nước này đã kết thúc hôm 1/6, do Thủ tướng Malaysia Ismail Sabri Yaakob ban hành lệnh cấm xuất khẩu gà do nguồn cung thiếu hụt.

Chính phủ Malaysia giải thích cho việc ngừng xuất khẩu 3,6 triệu con gà mỗi tháng, chủ yếu sang nước láng giềng Singapore là để bảo vệ thị trường trong nước. Theo đó quyết định này sẽ được duy trì cho đến khi nào giá cả và nguồn cung thịt gà của Malaysia trở lại ổn định như trước.

Ngay lập tức quyết định này đã tác động đến Singapore, quốc gia nổi tiếng với món cơm gà và vốn phụ thuộc 1/3 lượng gia cầm tiêu thụ đến từ Malaysia. Hiện, nguồn cung gà thay thế cho Singapore là những con gà đông lạnh đến từ Brazil, Mỹ và một số nước khác. Điều này khiến các nhà hàng cơm gà Singapore phải thông báo với khách là sẽ không có nguyên liệu gà tươi trong món cơm nữa mà thay bằng thịt gà đông lạnh kém tươi ngon hơn hẳn.

Câu chuyện khan hiếm thịt gà tại Australia và Singapore chỉ là hai trong vô rất nhiều ví dụ cụ thể của việc chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy đang ảnh hưởng đến cuộc sống người dân trên thế giới như thế nào.

Trong bối cảnh hoạt động cung ứng có dấu hiệu được phục hồi đầu năm nay khi đại dịch lắng dịu thì lại hứng thêm “một cú đấm” là cuộc xung đột Nga - Ukraine. Tất cả các nguyên nhân xảy ra cùng lúc này đã đẩy chỉ số giá lương thực toàn cầu đang ở mức cao kỷ lục, đặc biệt là giá các nguyên liệu đầu vào quan trọng trong sản xuất nông nghiệp.

Ngoài thịt gà, nhiều nước khác cũng đang dựng lên các bức tường bảo hộ lương thực, trong đó có cả những loại lương thực thiết yếu như lúa mì, dầu hướng dương, dầu cọ, đường… nhằm bảo đảm nguồn cung trong nước.

Tình trạng này đẩy thế giới đối mặt với cuộc khủng hoảng lương thực trên diện rộng, đe dọa trực tiếp đến các quốc gia vốn phải phụ thuộc chủ yếu vào nguồn cung lương thực từ nhập khẩu.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ