Ấn Độ bất ngờ cấm xuất khẩu lúa mì khi thế giới bên bờ vực khủng hoảng lương thực

GD&TĐ - Ấn Độ đã cấm ngay việc xuất khẩu lúa mì – Bộ Thương mại và Công nghiệp nước này cho biết.

Nông dân Ấn Độ làm việc trên cánh đồng.
Nông dân Ấn Độ làm việc trên cánh đồng.

Bộ trên cho biết động thái trên là cần thiết do “giá lúa mì toàn cầu tăng đột biến do nhiều yếu tố, do đó an ninh lương thực của Ấn Độ, các nước láng giềng và các nước dễ bị tổn thương khác đang gặp rủi ro”.

Xung đột giữa Nga và Ukraine đã đẩy thế giới vào bờ vực của sự khủng hoảng lương thực lớn do 2 nước này là những nhà cung cấp chính cho thị trường quốc tế, chiếm khoảng 30% lượng lúa mì xuất khẩu toàn cầu.

Giá lương thực trên khắp thế giới đã tăng 1/3 và Liên hợp quốc cảnh báo rằng khoảng 44 triệu người đang phải chịu cảnh chết đói.

Có nhiều hy vọng rằng Ấn Độ, nhà sản xuất lúa mì lớn thứ 2 thế giới, có thể bù đắp sự thiếu hụt toàn cầu khi nước này dự kiến thu hoạch kỷ lục 111,3 triệu tấn trong năm 2021-2022, với khoảng 10 triệu đến 15 triệu tấn dàn cho xuất khẩu. Vào tháng 4, quốc gia này thông báo kho thóc của họ đã đầy và sẵn sàng để “cung cấp cho thế giới”.

Tuy nhiên, một đợt nắng nóng đột ngột vào mùa xuân đã khiến những kế hoạch đó bị đình trệ, nhiệt độ cao khiến lúa chín sớm và bị lép ở nhiều nơi ở Ấn Độ. Theo báo cáo, nông dân Ấn Độ thu thoạch lượng ngũ cốc ít hơn từ 15 đến 20% so với năm ngoái.

Truyền thông địa phương cho biết, chính phủ Ấn Độ hiện đã điều chỉnh ước tính sản lượng lúa mì xuống 95 triệu tấn, mức thấp nhất kể từ năm 2015-2016.

Theo RT

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ