Venezuela: Khủng hoảng lương thực gõ cửa trường học

GD&TĐ - Lạm phát tăng vọt và khan hiếm lương thực đã buộc hơn 10% dân số Venezuela phải cắt bớt ít nhất 1 bữa/1 ngày. Trẻ em cũng chung cảnh ngộ “thắt lưng buộc bụng” khi trường học cũng rơi vào cảnh bị cắt giảm ngân sách cho bữa ăn trường học miễn phí…

Venezuela:  Khủng hoảng lương thực gõ cửa trường học

Đi học hè để… ăn

Giáo viên cho biết, nhiều học sinh không thể tập trung học vì đói bụng. Nhiều em thậm chí đói tới mức hoa mày chóng mặt và ngất xỉu. Nhiều học sinh không đi học vì các bà mẹ dắt theo tới xếp hàng mua lương thực ở siêu thị.

Mở trường học trong dịp hè được một số địa phương coi là phương cách chống suy dinh dưỡng. Ví dụ tại bang Miranda, trường học vẫn mở đón học sinh trong hè để những học sinh nghèo nhất có thể tiếp tục nhận bữa ăn miễn phí do ngân sách đài thọ.

Chương trình học hè được mở ra sau một khảo sát hồi tháng 6 với học sinh lớp 6 cho thấy có tới một nửa học sinh đến trường với cái bụng trống rỗng. Với hơn 1/4 học sinh, bữa ăn miễn phí ở trường là bữa ăn duy nhất chúng ăn trong ít nhất 1 ngày vào tuần lễ trước khi thực hiện khảo sát. Có tới 86% học sinh, nói rằng sẽ đến trường học hè để… ăn.

Bang Miranda không có đủ kinh phí cấp bữa ăn cho toàn bộ 100.000 học sinh nhưng cũng “co kéo” để đáp ứng bữa ăn cho 10.000 em, những trẻ thuộc diện đói nhất trong vài tháng hè. Bọn trẻ tới trường từ 9 giờ đến 11 giờ, chủ yếu chỉ để chờ tới bữa ăn. Chương trình học hè, giống như khủng hoảng lương thực, là chưa từng có tại Venezuela – Giám đốc Sở GD Maragall nói. “Chúng tôi đang học cách kiểm soát nạn đói” – ông nhấn mạnh.

Bóng ma đói ăn song hành thất học

Nỗ lực cứu đói học sinh như ở bang Miranda không phải là phổ biến tại Venezuela. Chính phủ của Tổng thống Nicolas Maduro còn chưa biết sẽ xoay xở chương trình bữa ăn miễn phí trong mùa hè thế nào.

Chương trình quốc gia bữa ăn trường học miễn phí (PAE) được khởi xướng bởi cựu Tổng thống Hugo Chavez, là một công cụ chống suy dinh dưỡng trên toàn quốc. Mùa thu năm ngoái, vị quan chức phụ trách PAE tự hào tuyên bố rằng nhờ vào chương trình này mà Venezuela có thể ngẩng mặt với thế giới như một quốc gia được chứng nhận không có người đói.

Tuy nhiên, các nhà quan sát độc lập nói rằng “tầm với” của PAE đã bị thu hẹp nghiêm trọng. Nhiều trường cho biết đã không nhận được kinh phí; nhiều trường khác thì tố khẩu phần bị cắt xén – theo Tổ chức Minh bạch Quốc tế, một tổ chức phi lợi nhuận chống tham nhũng.

Hiện tại, Luật cấp bữa ăn miễn phí cho nhà trường đang được Quốc hội xem xét phê chuẩn, nhưng cho dù Luật có được thông qua thì để thực hiện được trong năm học mới hay không cũng là điều khó đoán định. Các kệ hàng thực phẩm tại siêu thị đang trống rỗng bởi chính phủ không có đủ ngoại tệ nhập khẩu hàng hoá. Các nhà cung ứng địa phương thì trong tình trạng èo uột sau nhiều năm chính phủ quản lí kinh tế vĩ mô yếu kém.

Cho đến nay, chính quyền của Tổng thống Maduro cho thấy có rất ít can thiệp trong việc đề ra những biện pháp khẩn cấp nhằm khôi phục nguồn cung thực phẩm trong dài hạn. Chính phủ cũng đóng cánh cửa tiếp phẩm nhanh nhất – đó là qua hỗ trợ nhân đạo quốc tế. Đặc phái viên của Venezuela dự Hội nghị Thượng đỉnh Tổ chức các nước châu Mỹ hồi tháng 6 – một tổ chức cấp khu vực – đã từ chối nhận hàng hoá hiến tặng từ nước ngoài với lí do những hỗ trợ như vậy ẩn chứa tác động tới các vấn đề nội bộ của Venezuela.

Các chuyên gia nhận định suy dinh dưỡng và nghỉ học tăng vọt do thiếu lương thực có thể kéo thụt lùi hệ thống giáo dục nhiều năm, nếu không muốn nói là vài thập kỉ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Giải pháp căn cơ

GD&TĐ - Giải pháp căn cơ vẫn là ưu tiên quỹ đất cho trường học, xây thêm trường...