Đạo đức nhà giáo làm nên môi trường sư phạm

GD&TĐ - Trong xã hội, nhiều lực lượng cùng tham gia vào giáo dục, đào tạo con người. Tuy nhiên, nhà trường và đặc biệt đội ngũ thầy cô giáo đóng vai trò quyết định bởi sản phẩm trực tiếp và sau cùng là những thế hệ học trò được giáo dục toàn diện. Chính vì vậy, vai trò người giáo viên không chỉ yêu cầu cao hơn về tri thức, kỹ năng mà chuẩn mực đạo đức cũng phải song hành không thể thiếu.  

GV đóng vai trò quan trọng trong việc phát huy năng lực học sinh. Ảnh: Thanh Long
GV đóng vai trò quan trọng trong việc phát huy năng lực học sinh. Ảnh: Thanh Long

Tri thức không chưa đủ

Giáo viên trong công cuộc đổi mới chỉ cần tri thức là đủ? Điều đó hoàn toàn sai lầm bởi thời đại mới đã và đang đặt ra nhiều trách nhiệm với người thầy chứ không dừng lại ở nhiệm vụ truyền thụ kiến thức đến học trò.

Hàng năm, biết bao vụ bạo lực học đường vẫn xảy ra; biết bao học sinh trở thành học sinh hư hoặc có những hành động nông nổi bởi thiếu đi sự tư vấn tâm lý, giáo dục đạo đức cần thiết… Điều đó đòi hỏi giáo viên có trách nhiệm với học trò trên nhiều mặt thay vì chỉ dạy kiến thức. Giáo viên cũng đồng thời phải là người đồng hành chia sẻ với phụ huynh học sinh, chia sẻ những niềm vui, nỗi buồn về con cái họ để phối kết hợp cùng giáo dục hiệu quả.

Giáo viên trong công cuộc đổi mới, mọi sự giao tiếp mang tính trịch thượng hay e dè với học trò, hay phụ huynh đều không mang lại hiệu quả giáo dục. Trong môi trường giáo dục, giáo viên càng nhiệt tình trong công việc, biết chia sẻ lắng nghe trong giao tiếp bao nhiêu thì chắc chắn càng tạo dựng được mối quan hệ tốt, tích cực giữa gia đình và nhà trường để nâng cao hiệu quả giáo dục.

Đổi mới giáo dục đang đặt ra những yêu cầu mới buộc đội ngũ nhà giáo phải thích nghi và làm mới bản thân. Mỗi giáo viên cần ý thức và biến mình trở thành lực lượng nòng cốt, biến các mục tiêu giáo dục về đích thành công.

Thực tế giáo dục cho thấy, lứa tuổi học sinh nhận thức và hiểu biết chưa thể toàn diện nên cần sự giúp đỡ và định hướng từ người thầy. Không có sự đồng hành, lắng nghe và chia sẻ của giáo viên thì các em khó tránh khỏi những ảnh hưởng thiếu tích cực từ xã hội.

Môi trường sư phạm cũng đòi hỏi người thầy những ứng xử, giao tiếp chuẩn mực bởi mối quan hệ này đang chịu nhiều tác động của cá tính, trình độ và năng lực của hai bên. Giáo viên cần nắm vững nguyên tắc: Dù là thầy nhưng không phải thầy luôn luôn đúng, trò luôn luôn sai. Nguyên tắc này sẽ giúp giáo viên nhìn nhận vấn đề và rút ra những kinh nghiệm, bài học qua giao tiếp với học sinh.

Một bất cập hiện nay cũng được chỉ ra đó là cách tiếp cận giáo dục, phê bình học sinh của một bộ phận giáo viên chưa hợp lý khiến quá trình giáo dục không hiệu quả thậm chí dẫn tới tác dụng ngược ngoài mong muốn. Nhiều giáo viên khi phê bình học sinh đi kèm luôn với phê bình phụ huynh. Họ ít khi dùng động viên khuyến khích để giáo dục, hay dùng từ ngữ mạnh khiến học sinh tổn thương và tiếp nhận kiểu giáo dục một cách thụ động.

Đứng trước đổi mới của giáo dục, sự biến đổi của học sinh, xã hội hiện nay đòi hỏi giáo viên cách làm việc, xử lý tình huống khoa học mà linh hoạt. Đòi hỏi giáo viên phải xây dựng được môi trường giáo dục thân thiện để học sinh nhận ra mình là một thành viên của một đại gia đình, của tập thể lớp và nhà trường.

Đổi mới giáo dục đòi hỏi giáo viên cần có sự đào sâu suy nghĩ, linh động và nhuần nhuyễn trong việc đưa chương trình giáo dục kỹ năng sống vào hoạt động tập thể, sinh hoạt ngoại khoá. Điều đó không chỉ đơn giản là giáo dục kiến thức mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho việc hình thành nhân cách học sinh.

Vai trò trách nhiệm của người giáo viên trong quá trình đổi mới giáo dục không đơn giản. Nó buộc giáo viên không thể đứng yên trong phạm trù tri thức mà hàng ngày, hàng giờ phải không ngừng học tập, mỗi người thầy phải là tấm gương sáng về cả tri thức và đạo đức để học sinh noi theo. Giáo dục sẽ đạt được hiệu quả nếu mỗi người thầy trở thành điểm tựa, một bến đậu cho học sinh chia sẻ buồn vui, khúc mắc tinh thần… để vững vàng hơn trong cuộc sống.

Đổi mới GD phải bắt đầu từ người thầy. Ảnh: Thanh Long

Đổi mới GD phải bắt đầu từ người thầy. Ảnh: Thanh Long

Đổi mới tất yếu từ người thầy

Đứng trước đổi mới giáo dục, sự biến đổi ngày càng lớn của xã hội, học sinh… thì vai trò trách nhiệm của người thầy càng nhiều trọng trách. Sự đổi mới của giáo dục phải có sự đổi mới tất yếu từ người thầy.

Khi chia sẻ về vai trò của nhà giáo trong công cuộc đổi mới, PGS. TS Huỳnh Văn Sơn – Phó Hiệu trưởng Trường ĐHSP TPHCM - cho rằng: Người giáo viên phải nêu cao tấm gương đạo đức, chuyên môn nghiệp vụ tốt, yêu và hiểu tâm lý học sinh. Mặt khác, cũng đòi hỏi trong công việc của giáo viên phải trải qua thực tiễn vừa làm vừa học hỏi, sáng tạo và rút kinh nghiệm vì không có một lý thuyết chuyên biệt, bài bản nào dành riêng cho các tình huống sư phạm trong môi trường đầy biến động…

Giáo viên trong quá trình đổi mới giáo dục căn bản, toàn diện phải biết đặt mình vào trung tâm của nhiều mối quan hệ giữa các lực lượng giáo dục. Quan hệ giữa giáo viên và học sinh, giữa các đồng nghiệp với đồng nghiệp, giữa giáo viên và phụ huynh, giữa nhà trường và các tổ chức xã hội có liên quan. Giáo viên như linh hồn và có tầm quan trọng trong sự thành bại của một lớp học, trường học.

Trách nhiệm đào tạo thế hệ trẻ trong thời đại mới vừa có tri thức tốt vừa có phẩm chất đạo đức cao, đáp ứng yêu cầu của xã hội… càng đòi hỏi đội ngũ những người thầy phải không ngừng trau dồi tri thức, hoàn thiện bản thân, trở thành tấm gương để việc giáo dục và tự giáo dục đạt kết quả tốt.

Đổi mới giáo dục đòi hỏi đội ngũ giáo viên trở thành lực lượng nòng cốt biến các mục tiêu giáo dục thành hiện thực, giữ vai trò quyết định chất lượng và hiệu quả giáo dục. Giáo dục sẽ đạt được hiệu quả nếu mỗi người thầy trở thành điểm tựa vững vàng, cho học sinh chia sẻ buồn vui, khúc mắc tinh thần… để vững vàng hơn trong cuộc sống.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.