Sáng tạo từ kiểm tra đánh giá
Để đáp ứng yêu cầu của đổi mới giáo dục hướng vào phát triển năng lực người học, việc kiểm tra đánh giá kết quả học tập cũng phải đổi mới nhằm hướng vào việc phát huy năng lực và đánh giá năng lực của người học. Song hành với đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy không thể không nói tới việc đổi mới kiểm tra đánh giá.
PGS.TS Trần Anh Tuấn – Trường CĐSP Nghệ An cho rằng: Đánh giá học sinh theo cách tiếp cận năng lực là đánh giá theo chuẩn về sản phẩm đầu ra nhưng sản phẩm đó không chỉ là kiến thức, kĩ năng mà là năng lực vận dụng kiến thức, kĩ năng và thái độ cần có để thực hiện nhiệm vụ học tập tới một chuẩn nào đó.
Đánh giá HS theo cách tiếp cận năng lực dựa trên các yếu tố như: Kiến thức; Kĩ năng; Thái độ. Đánh giá năng lực và đánh giá kiến thức, kỹ năng xét về bản chất thì không có mâu thuẫn giữa hai cách đánh giá, đánh giá năng lực được coi là bước phát triển cao hơn so với đánh giá kiến thức, kĩ năng.
Để chứng minh người học có năng lực ở một mức độ nào đó, phải tạo cơ hội để họ được giải quyết vấn đề trong tình huống, bối cảnh mang tính thực tiễn. Khi đó người học vừa phải vận dụng những kiến thức kĩ năng đã được học ở nhà trường, vừa phải vận dụng những kinh nghiệm của bản thân thu được từ những trải nghiệm bên ngoài nhà trường.
ThS Nguyễn Xuân Mai Trường ĐH An Giang lấy ví dụ từ khâu kiểm tra đánh giá môn Văn, giáo viên thường chỉ chú ý vào việc kiểm tra, đánh giá bằng bài luận sau mỗi chương, mỗi phần hay cuối kì và xem đó là những bản đánh giá toàn bộ những gì về tri thức mà HS có được sau một năm học.
Chính vì cách kiểm tra đánh giá đó nên HS học đối phó, không có động lực, đợi đến kiểm tra mới học. Với cách đánh giá ấy, GV cũng chỉ có thể kiểm tra HS nhớ được những tri thức gì, ở một vài bài nào đó chứ không thể đánh giá được toàn bộ quá trình học tập của HS, cũng như không phát huy được các năng lực của HS...
ThS Nguyễn Xuân Mai khẳng định: Đánh giá là một trong những khâu quan trọng trong quá trình dạy học. Vì thế, để đánh giá mang lại hiệu quả và đáp ứng được mục đích đo lường, cải thiện chất lượng dạy học phát triển năng lực thì GV phải có hình thức đánh giá đúng đắn, linh hoạt và phù hợp.
HS luôn là trung tâm của đổi mới giáo dục. Ảnh: Thanh Long |
Nhà trường cần chủ động nâng chất
Kinh nghiệm từ Singapore và một số nước châu Âu trong vấn đề đáp ứng yêu cầu dạy học phát triển năng lực học sinh đó là cần chú trọng đến công tác bồi dưỡng năng lực dạy học cho giáo viên.
Nhà trường phải được lập kế hoạch cụ thể trên cơ sở khảo sát đánh giá năng lực hiện có của giáo viên, đối chiếu với các yêu cầu năng lực theo chuẩn nghề nghiệp và những năng lực cần có trong thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới để xác định nội dung bồi dưỡng phù hợp. Mặt khác phải đa dạng hóa hình thức bồi dưỡng và triển khai thực hiện nghiêm túc. Hoạt động bồi dưỡng nâng cao năng lực dạy học phải được giáo viên nhận thức đúng đắn, chủ động và tích cực tham gia.
Với TS Nguyễn Tuyết Hạnh – Học viện Quản lý GD lại nhấn mạnh vai trò của nhà trường trong quá trình dạy học phát triển năng lực. Đó là cần xây dựng nhà trường thành một tổ chức mở, có cấu trúc linh hoạt, tăng cường khả năng tự chủ cho mỗi thành viên trong thực hiện các hoạt động giáo dục của nhà trường.
Cụ thể, cần thực hiện xây dựng cơ cấu tổ chức hợp lý để tăng cường phát triển lực lượng giáo viên trẻ, quan tâm đến việc chuyển giao thế hệ và tạo ra các cơ hội cho các nhà lãnh đạo mới. Xây dựng lực lượng giáo viên cốt cán để làm nòng cốt trong chuyên môn...