Đánh thức sân vườn… kể chuyện

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Thật bất ngờ khi không gian triển lãm ngoài trời của Bảo tàng Hà Nội đang là điểm hẹn hò thú vị dành cho du khách đón năm mới 2023.

'Thông linh' rực rỡ sắc màu, thu hút sự quan tâm của du khách quốc tế. Ảnh: Bình Thanh
'Thông linh' rực rỡ sắc màu, thu hút sự quan tâm của du khách quốc tế. Ảnh: Bình Thanh

“Nếu trước đây, không gian này chưa tạo được sự chú ý thì với một “Thông linh” chúng tôi mong muốn góc vườn, khoảng sân cũng có thể… kể chuyện” - Giáo sư, Viện sĩ, họa sĩ Ngô Xuân Bính tâm huyết nói.

Rực rỡ để mời gọi

Bắt đầu từ cổng, sắc đỏ lan rộng khoảng sân vườn phía trước của Bảo tàng Hà Nội. Sắc màu rực rỡ ấy thực sự gây chú ý, tò mò đối với bất cứ ai có dịp đi qua đường Phạm Hùng (quãng thuộc phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm), từ 23/12 đến hết tháng 3/2023. Bởi vậy, không quá ngạc nhiên khi trong những ngày đón năm mới 2023, Bảo tàng Hà Nội đặc biệt nhộn nhịp, đông vui…

Cùng con gái đến Bảo tàng Hà Nội, chị Thanh Hà (quận Thanh Xuân) kể, hôm trước đi qua, vừa nhìn thấy không gian lộng lẫy, cô con gái reo lên và đòi được vào xem. Nhưng vì trời đã ngả chiều nên chị Hà hẹn con sẽ trở lại trong ngày nghỉ cuối tuần này.

Đến từ khá sớm và đã dạo khắp nhưng cả hai mẹ con chị Hà vẫn chưa muốn rời đi. “Bước vào “Thông linh” được sắp đặt tại không gian sân vườn này, cùng với cảm giác được truyền năng lượng ấm áp, hân hoan để đón năm mới từ các gam màu nóng: Đỏ, vàng và cả xanh sẫm, tôi và con gái còn có nhiều trải nghiệm lạ lẫm, thú vị”, chị Hà cho biết.

Quả vậy, ở “Thông linh”, khoảng sân lát đá khô cứng và góc vườn loáng thoáng bóng cây xanh vốn lặng lẽ, khiêm nhường bấy lâu, nay được “trang điểm” để tạo ra sự mê hoặc bởi những khối hình: Chữ nhật, vuông, tam giác, lục giác… xếp không theo trật tự và trang trí bằng những gam màu mạnh.

Những tác phẩm điêu khắc hình khối lớn làm bằng nhiều chất liệu như: Đồng, gỗ, đá… không im lìm vì biết kể nhiều câu chuyện khác nhau, tùy theo sự cảm nhận, góc nhìn của mỗi người.

Được trải nghiệm một cách khoan thai, du khách có thể chậm rãi bước lên cây cầu rồi phóng tầm mắt bao quát toàn bộ không gian triển lãm; thả lỏng, hít căng lồng ngực và cùng ước nguyện về một năm mới đong đầy hạnh phúc.

Có thể thấy, Ban tổ chức rất biết cách kích thích tính hiếu kỳ, tò mò của du khách, ngay từ bên ngoài không gian triển lãm. Nếu không có sự rực rỡ, bắt mắt của màu đỏ, sự không kém phần bí ẩn của những tạo hình cũng như việc chủ động nâng bước chân khách tham quan hướng lên cao để có thể thay đổi điểm nhìn… thì chưa chắc triển lãm đã thu hút được sự quan tâm của công chúng. Bằng cách thiết kế, dẫn dắt thân thiện, mời gọi ấy, “Thông linh” đã góp phần làm “sống lại” không gian triển lãm ngoài trời của Bảo tàng Hà Nội.

Sau những dạo bước ở triển lãm ngoài trời với “Thông linh”, khách tham quan còn được gợi mở để tiến vào bên trong và khám phá triển lãm “Ego – người” cũng của họa sĩ Ngô Xuân Bính.

Đây là sự tiếp nối khá thú vị khi không chỉ được gặp lại những tác phẩm đã hiện diện ở “Thông linh” với phiên bản thu nhỏ, mà còn được dịp bận rộn, choáng ngợp trước “gia tài” hơn trăm tác phẩm điêu khắc và hội họa trưng bày vòng tròn theo trụ xoay tổng thể gần như ôm trọn diện tích tầng 2 của Bảo tàng Hà Nội.

Tuy nhiên, đi từ những tên gọi trừu tượng mang màu sắc tâm linh như: “Hồng hoang”, “Nhân linh”, “Thông sứ”, “Thông giao”, “Ngộ duyên”, “Thiên giới”… người xem không dễ dàng đọc được câu chuyện của “Ego - người”.

Với những người có góc nhìn truyền thống còn cảm thấy khá ngượng khi bắt gặp những tạo hình thoải mái, táo bạo về các bộ phận sinh dục của con người cũng như những động tác gợi dục trên cả tranh và tượng điêu khắc.

Hướng đến tương lai

Du khách có thể bước lên cây cầu rồi phóng tầm mắt bao quát toàn bộ không gian triển lãm 'Thông linh'. Ảnh: Bình Thanh.

Du khách có thể bước lên cây cầu rồi phóng tầm mắt bao quát toàn bộ không gian triển lãm 'Thông linh'. Ảnh: Bình Thanh.

Tâm huyết chia sẻ về ý đồ sáng tạo ở triển lãm “Thông linh”, họa sĩ Ngô Xuân Bính cho biết, việc sử dụng gam màu tươi hay cách sắp đặt những khối hình đa dạng là chủ ý của ông và ê-kíp thực hiện. Bởi lẽ, giữa sự chuyển động gấp gáp, vội vã của cuộc sống đô thị, để có thể khiến công chúng dừng chân thì phải tạo ra điểm nhìn thực sự cuốn hút, một trường thị giác đa dạng hóa.

Với mục tiêu hướng đến là thế hệ trẻ nên ngay từ đầu triển lãm phải tạo ra hiệu ứng của việc truyền năng lượng. Bước vào không gian này, các bạn trẻ phải có được cảm giác tưng bừng thay đổi, từ hiệu ứng sắc màu rực rỡ. Đôi khi người tổ chức chưa cần họ quá quan tâm đến tác phẩm mà chỉ cần có người thấy thích thú ở một góc chụp nào đó.

Đối với không gian sân vườn của Bảo tàng Hà Nội, họa sĩ Ngô Xuân Bính cho rằng, việc sắp đặt, tạo điểm nhấn của triển lãm theo ý đồ sáng tạo như thế nào cũng phải đảm bảo nguyên tắc không được phá vỡ.

Cùng với đó, thiết kế còn phải tìm cách đưa những cái vốn có như hồ nước, con đường, hàng cây… vào kịch bản sắp đặt để vừa góp phần tạo nên dáng vẻ cho triển lãm vừa khoác lên không gian ấy tấm áo mới sang trọng hơn, hữu ích hơn.

“Một trong những yêu cầu đầu tiên chúng tôi đặt ra khi thiết kế là phải luôn tôn trọng không gian bảo tàng, không chỉ không phá vỡ chi tiết, mà còn phải tôn chúng lên. Đây là việc rất khó nhưng vẫn phải làm.

Bên cạnh đó, với không gian này nếu không biết cách sắp đặt thì sẽ bị loãng và trống, làm cho người xem có cảm giác như đang xem các tượng đặt ở ngoài vườn hoa công cộng.

Bởi vậy, cần tạo ra những yếu tố lạ hóa trong trang trí để tạo ra sự thay đổi của trạng thái, diện mạo bên ngoài. Chúng tôi mong muốn tất cả những người đã dừng chân và bước vào đây là được thưởng thức bữa tiệc thị giác mãn nhãn”, Giáo sư, Viện sĩ, họa sĩ Ngô Xuân Bính nhấn mạnh.

Từ triển lãm “Ego - người” đến “Thông linh” là những nỗ lực và lao động, sáng tạo không ngừng của họa sĩ Ngô Xuân Bính với nghệ thuật hội họa. Và, ông luôn mong ước: ““Ego” - “Thông linh” chính là đang mở ra không gian mới, không gian của sự hòa quyện bản ngã con người và tương lai của xã hội để tạo ra những giá trị tốt đẹp trong chính cuộc sống cộng đồng và cho chính mọi người.

Đó là sự hòa mình của con người với đất trời để bản ngã được giải phóng và phát huy giữa cái chung của cộng đồng hướng đến không gian hiện đại”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ