Triển lãm “Meo” diễn ra tại Huyen Art House (Q.1 - TPHCM), kéo dài đến hết ngày 17/12.
Nhà phê bình mỹ thuật Lý Đợi cho biết, họa sĩ Nguyễn Tấn Phát luôn gọi mình là nghệ nhân, bên cạnh danh xưng nghệ sĩ. Thật sòng phẳng và thú vị.
Mỗi chú mèo là một tác phẩm khác biệt, độc bản. |
Nghệ nhân khác nghệ sĩ ở chỗ nào? Có nhiều định vị, nhưng tựu trung thì nghệ nhân thường thích làm quen tay, mười cái như một, hiệu quả cao, còn nghệ sĩ thì thường không như vậy.
Thế nhưng với Nguyễn Tấn Phát, sự sòng phẳng và thú vị ở chỗ những tác phẩm ở triển lãm “Meo” được làm độc bản và nguyên bản. Vậy chúng khác gì với các tác phẩm nghệ thuật, dù chúng được làm ra bởi một nghệ nhân?
Ý niệm nghệ nhân đã giúp Nguyễn Tấn Phát thuần thục hơn, thẩm mỹ hơn về thi công và vật liệu - đa số là gỗ mít Sơn Tây và sơn mài.
Nhờ am hiểu và thuần thục, với học vấn và quá trình sáng tạo cùng những thành tựu đã có, Nguyễn Tấn Phát đúng chuẩn danh xưng nghệ sĩ.
Cho nên, khi khước từ danh xưng nghệ sĩ để định vị nghệ nhân, làm ra những tác phẩm độc bản và nguyên bản, là điều rất thú vị.
Trong biểu tượng của thế giới, mèo luôn mang tính hai mặt, khó lường nên tùy tâm cảnh và tầm đón đợi mà ta có hình tướng mèo riêng - hoan hỷ, tích cực hoặc lạnh lùng, bí hiểm.
Không chỉ là một biểu tượng khỏe mạnh, thông minh và độc lập trong 12 con giáp, mà trong văn hóa dân gian Bắc Bộ, mèo còn là biểu tượng của uy quyền, sung túc, cần được chiều chuộng.
Trong đời sống dân gian hiện đại, mèo là biểu tượng của nữ lưu, của tự do, của thời trang và tình ái.
Nguyễn Tấn Phát chắt lọc, liên nối với văn hóa dân gian, với biểu tượng kiến trúc, phù điêu Bắc Bộ để làm nên bộ mèo độc bản và nguyên bản “Meo”.
Triển lãm như mở một cánh cửa sớm để bước vào năm Quý Mão.