Danh sách giám đốc, cựu giám đốc CDC vướng vòng lao lý liên quan đến Công ty Việt Á

GD&TĐ - Tính đến nay, đã có 9 giám đốc, cựu giám đốc CDC các tỉnh thành bị khởi tố do vi phạm các quy định về mua sắm trang thiết bị phòng chống dịch Covid-19 liên quan đến Công ty Việt Á.

Công ty Việt Á nâng khống giá kit xét nghiệm Covid-19

Ngày 17/12/2021, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Công ty Việt Á, Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Hải Dương và các đơn vị, địa phương liên quan.

Cùng với đó, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã khởi tố bị can đối với 7 người gồm: Phan Quốc Việt (SN 1980, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Việt Á); Vũ Đình Hiệp (SN 1986, Phó Tổng Giám đốc Công ty Việt Á); Hồ Thị Thanh Thảo (SN 1984, thủ quỹ Công ty Việt Á, Cửa hàng trưởng cửa hàng Âu Lạc); Phan Tôn Noel Thảo (SN 1990, Trợ lý tài chính Công ty Việt Á); Trần Thị Hồng (SN 1995, Nhân viên kinh doanh Công ty Việt Á); Phạm Duy Tuyến (SN 1965, Giám đốc CDC Hải Dương) và Nguyễn Mạnh Cường (SN 1985. nguyên Kế toán trưởng CDC Hải Dương).

Sau khi Viện KSND Tối cao phê chuẩn, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã thi hành các quyết định nêu trên. Đồng thời, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã tiến hành phong tỏa, ngăn chặn, kê biên nhiều tài khoản, sổ tiết kiệm của Phan Quốc Việt và các đối tượng thuộc Công ty Việt Á trị giá trên 320 tỉ đồng, 100.000 USD, 20 bất động sản trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội và các địa phương khác; 8 bất động sản của Phạm Duy Tuyến…

Kết quả điều tra và đấu tranh với các đối tượng, cơ quan công an xác định tháng 4/2020, Công ty Việt Á được Bộ Y tế cấp phép đăng ký lưu hành cho sản phẩm kit xét nghiệm Covid-19. Đến nay, Công ty Việt Á đã cung ứng kit xét nghiệm Covid-19 cho CDC và các cơ sở y tế khác của 62 tỉnh, thành phố trên cả nước với doanh thu khoảng gần 4.000 tỉ đồng.

Phan Quốc Việt, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Việt Á.
Phan Quốc Việt, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Việt Á.

Phan Quốc Việt và các đối tượng là lãnh đạo chủ chốt Công ty Việt Á khai nhận quá trình kinh doanh và tiêu thụ kit xét nghiệm Covid-19, lợi dụng tính cấp bách về nhu cầu test Covid-19 của các địa phương trên cả nước, sản phẩm kit test Covid-19 thuộc danh mục được áp dụng hình thức chỉ định thầu rút gọn nên Phan Quốc Việt đã chủ động cung ứng thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế trước cho các Bệnh viện, CDC các tỉnh, thành phố sử dụng.

Sau đó, Việt thông đồng với lãnh đạo các đơn vị này hợp thức hồ sơ chỉ định thầu bằng cách Công ty Việt Á sử dụng các pháp nhân trong hệ thống (công ty liên danh, công ty con) lập hồ sơ chào hàng sản phẩm, xác nhận khống các báo giá... để hoàn thiện hồ sơ, ký hợp đồng, thanh quyết toán cho Công ty Việt Á theo giá do Công ty Việt Á đưa ra, cao hơn nhiều so với giá thành sản xuất.

Để được giao cung ứng trước thiết bị, vật tư y tế, tiêu thụ với số lượng lớn, tăng doanh thu lợi nhuận và được tạo điều kiện trong việc hoàn thiện hồ sơ, thanh quyết toán theo giá do Công ty Việt Á đề nghị, Phan Quốc Việt còn thỏa thuận, thống nhất, chi cho cán bộ, lãnh đạo các đơn vị mua hàng với số tiền rất lớn.

Để thu lợi nhuận bất chính và chi tiền ngoài hợp đồng, Phan Quốc Việt và các đối tượng của Công ty Việt Á đã nâng không giá thiết bị, chi phí nguyên vật liệu đầu vào đưa vào thuyết minh cơ cấu giá xác định giá bán là 470.000 đồng/kit; thỏa thuận và chi tiền % hợp đồng cho lãnh đạo bệnh viện, CDC các tỉnh, thành phố trong quá trình cung cấp sản phẩm.

Những giám đốc, cựu giám đốc CDC nào đã bị gọi tên?

Liên quan vụ “thổi” giá kit xét nghiệm này, Cục CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03) đã khởi tố hàng loạt bị can, trong có Giám đốc CDC các tỉnh, thành phố.

Đầu tiên là ông Phạm Duy Tuyến (Giám đốc CDC tỉnh Hải Dương). Ông Tuyến bị khởi tố, bắt tạm giam ngày 18/12/2021 về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng và tội Nhận hối lộ.

Phạm Duy Tuyến, Giám đốc CDC tỉnh Hải Dương.
Phạm Duy Tuyến, Giám đốc CDC tỉnh Hải Dương.

Theo điều tra, Phan Quốc Việt và Phạm Duy Tuyến thỏa thuận và thống nhất về việc Công ty Việt Á sẽ chi tiền “lại quả” cho Phạm Duy Tuyến theo Hợp đồng Công ty Việt Á được CDC Hải Dương ký kết và thanh quyết toán.

Để có tiền trích % cho Phạm Duy Tuyến, Phan Quốc Việt đã nâng khống giá đầu vào chi phí sản xuất sản phẩm vật tư, thiết bị của công ty nhằm tạo lợi thế cạnh tranh, giúp sản phẩm được tiêu thụ nhiều và lợi nhuận lớn.

Ngày 31/12/2021, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã ra quyết định bổ sung quyết định khởi tố vụ án về các tội Đưa hối lộ, Nhận hối lộ và Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ liên quan đến vụ nâng khống giá kit xét nghiệm Covid-19.

Mở rộng điều tra, Cơ quan CSĐT Bộ Công an còn xác định một số lãnh đạo, cán bộ CDC Nghệ An đã thông đồng, câu kết với Phan Quốc Việt và các đối tượng liên quan thuộc Công ty Việt Á, Công ty TNHH Phát triển công nghệ ứng dụng Việt Nam trong vụ thổi giá kit xét nghiệm Covid-19.

Nguyễn Văn Định, Giám đốc CDC Nghệ An.
Nguyễn Văn Định, Giám đốc CDC Nghệ An.

Đáng nói, trước khi bị khởi tố 10 ngày, ông Nguyễn Văn Định (Giám đốc CDC Nghệ An) đã có trả lời báo chí và khẳng định không nhận bất cứ khoản hỗ trợ nào từ Công ty Việt Á.

Được biết, CDC Nghệ An đã mua sinh phẩm của Công ty Việt Á khoảng 28 tỷ đồng, chủ yếu là các vật tư, sinh phẩm chạy xét nghiệm sàng lọc và không mua test nhanh.

28 tỷ đồng tỉnh Nghệ An mua sinh phẩm của Công ty Việt Á được thực hiện ở 4 gói thầu (2 gói chỉ định thầu, 2 gói đấu thầu rộng rãi). Riêng 2 gói chỉ định thầu có tổng số tiền 18,5 tỷ đồng.

Tiếp đó, cùng ngày 31/12/2021, Viện KSND Tối cao đã phê chuẩn Quyết định khởi tố Nguyễn Thành Danh (Giám đốc CDC Bình Dương) và cấp dưới liên quan đến vụ án Vi phạm quy định trong đấu thầu trong vụ nâng khống giá kit xét nghiệm Covid-19 của Công ty Việt Á.

Nguyễn Thành Danh (ảnh phải), Giám đốc CDC Bình Dương.
Nguyễn Thành Danh (ảnh phải), Giám đốc CDC Bình Dương.

Được biết, Nguyễn Thành Danh đã có ít nhất 4 quyết định phê duyệt Công ty Việt Á trúng chỉ định thầu các gói bán mua vật tư y tế lên tới trên 40 tỷ đồng việc cung cấp 72.000 kít xét nghiệm Covid-19 do chính Công ty Việt Á sản xuất và 10.000 kít của Mỹ sản xuất.

Bên cạnh đó, Nguyễn Thành Danh cũng là người đã tham mưu nhiều gói mua sắm vật tư trong lúc cấp bách phòng dịch để Sở Y tế Bình Dương trình UBND tỉnh Bình Dương phê duyệt.

Đến ngày 21/1/2022, Cơ quan CSĐT Bộ Công an tiếp tục ra quyết định khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam ông Lâm Văn Tuấn (Giám đốc CDC Bắc Giang) để điều tra về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.

Lâm Văn Tuấn, Giám đốc CDC Bắc Giang.
Lâm Văn Tuấn, Giám đốc CDC Bắc Giang.

Được biết, ngày 22/11/2021, ông Lâm Văn Tuấn ký quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu Mua sinh phẩm, vật tư lấy mẫu, tiêm chủng và xét nghiệm SARS-CoV-2. Ngoài ra, CDC Bắc Giang còn phê duyệt ít nhất 2 gói thầu mua kit xét nghiệm của Công ty Việt Á.

Ngày 19/2/2022, Công an tỉnh Thừa Thiên Huế đã khởi tố, bắt tạm giam đối với ông Hoàng Văn Đức (Giám đốc CDC tỉnh Thừa Thiên Huế) và ông Hà Thúc Nhật (Kế toán trưởng đơn vị này). 2 bị can trên bị bắt về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.

Cơ quan chức năng thi hành các biện pháp tố tụng đối với Hoàng Văn Đức, Giám đốc CDC Thừa Thiên Huế.
Cơ quan chức năng thi hành các biện pháp tố tụng đối với Hoàng Văn Đức, Giám đốc CDC Thừa Thiên Huế.

Theo Đại tá Đặng Ngọc Sơn, Phó Giám đốc - Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thừa Thiên – Huế, cho biết việc khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Hoàng Văn Đức và Hà Thúc Nhật  là chưa liên quan trực tiếp đến quá trình mua sắm kit xét nghiệm của Công ty Việt Á.

Ngày 25/4/2022, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Nam Định đã ra các quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra Lệnh bắt bị can để tạm giam, Lệnh khám xét đối với 5 bị can gồm: Đỗ Đức Lưu (SN 1962, Giám đốc CDC Nam Định); Vũ Ngọc Tuyên (SN 1964, Kế toán trưởng CDC Nam Định); Vũ Khánh Vân (SN 1979, Trưởng phòng Kế hoạch nghiệp vụ CDC Nam Định); Phạm Thị Nga (SN 1973, Trưởng khoa Dược, Vật tư y tế thuộc CDC Nam Định) và Vũ Thị Ngọc Thanh (SN 1979, Phó trưởng Khoa xét nghiệm của CDC Nam Định).

Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Nam Định đọc các quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam với ông Đỗ Đức Lưu.
Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Nam Định đọc các quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam với ông Đỗ Đức Lưu.

Căn cứ tài liệu điều tra đã thu thập, nhận thấy trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, UBND tỉnh Nam Định, Sở Y tế tỉnh Nam Định đã giao cho CDC Nam Định triển khai mua hàng hóa, sinh phẩm xét nghiệm phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Trong 2 năm 2020 và 2021, CDC Nam Định đã ký 5 Hợp đồng mua kit test Covid-19 của Công ty Việt Á và đã thanh toán cho công ty này hơn 23 tỷ đồng. Quá trình đấu tranh, cơ quan chức năng làm rõ các cá nhân đã nhận tiền hoa hồng 1,25 tỷ đồng từ Công ty Việt Á.

Đến ngày 11/5/2022, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hậu Giang đang tiến hành bắt tạm giam và thực hiện lệnh khám xét đối với ông Nguyễn Văn Lành (nguyên Giám đốc CDC Hậu Giang); Huỳnh Thị Hồng Đoan (nguyên Trưởng Khoa dược - Vật tư Y tế) và  Hà Tấn Bình Đẳng (nguyên Trưởng Khoa xét nghiệm - Chẩn đoán hình ảnh - Thăm dò chức năng thuộc CDC Hậu Giang).

Trước đó, ngày 5/5/2022, Đoàn thanh tra đã công bố Kết luận của UBND tỉnh Hậu Giang thanh tra về việc mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm, kit test, vắc xin, thuốc phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Nguyễn Văn Lành, nguyên Giám đốc CDC Hậu Giang.
Nguyễn Văn Lành, nguyên Giám đốc CDC Hậu Giang.

Đối với các gói thầu mua sắm liên quan Công ty Việt Á, Thanh tra tỉnh Hậu Giang xác định trong 2 năm 2020 và 2021, ngành Y tế tỉnh Hậu Giang có 3 đơn vị thực các hợp đồng mua hóa chất, sinh phẩm, vật tư xét nghiệm phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 với công ty này là Sở Y tế tỉnh Hậu Giang, CDC tỉnh Hậu Giang và Bệnh viện Đa khoa TP. Ngã Bảy.

3 đơn vị này đã ký kết 7 hợp đồng mua gần 32.000 test với tổng số tiền hơn 11,4 tỷ đồng, đã thanh toán gần 11 tỉ cho công ty Việt Á. Trong đó, CDC tỉnh Hậu Giang ký 2 hợp đồng với số tiền gần 3,4 tỷ đồng.

Cùng trong ngày 11/5, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hà Giang đã thi hành các Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và thực hiện Lệnh khám xét, Lệnh bắt bị can để tạm giam 4 tháng đối với Nguyễn Trần Tuấn (SN 1971, Giám đốc CDC Hà Giang); Phan Thị Nga (SN 1971, Trưởng khoa Xét nghiệm thuộc CDC Hà Giang) và Tô Minh Huệ (SN 1972, Trường phòng Tài chính - Kế toán thuộc CDC Hà Giang) về hành vi Nhận hối lộ, theo quy định tại Điều 354 Bộ luật Hình sự.

Nguyễn Trần Tuấn, Giám đốc CDC Hà Giang.
Nguyễn Trần Tuấn, Giám đốc CDC Hà Giang.

Theo cơ quan điều tra, quá trình thực hiện mua các sinh phẩm phục vụ phòng chống dịch, các đối tượng Nguyễn Trần Tuấn, Phan Thị Nga và Tô Minh Huệ đã không thực hiện đúng các quy định của pháp luật về đấu thầu mua sắm tài sản, gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước nhiều tỷ đồng.

Bên cạnh đó, trong quá trình thực hiện các hợp đồng mua kít xét nghiệm của Công ty Việt Á, các đối tượng trên đã nhiều lần nhận phần trăm ngoài hợp đồng từ Công ty Việt Á với số tiền trên 1 tỷ đồng.

Mới đây nhất, ngày 20/5/2022, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đồng Tháp vừa tống đạt Quyết định khởi tố bị can và bắt tạm giam 2 đối tượng gồm: Trần Văn Hai (SN 1963, ngụ phường 4, TP. Cao Lãnh - Giám đốc CDC Đồng Tháp) và Nguyễn Thị Lệ Ngọc (SN 1983, ngụ phường 3, TP. Cao Lãnh - Phó trưởng khoa xét nghiệm – Chẩn đoán hình ảnh -  Thăm dò chức năng thuộc CDC Đồng Tháp) về hành vi Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.

Trần Văn Hai - Giám đốc CDC Đồng Tháp.
Trần Văn Hai - Giám đốc CDC Đồng Tháp.

Theo cơ quan chức năng, trước đó, tiếp nhận kiến nghị khởi tố đối với vụ việc có dấu hiệu sai phạm trong mua sắm sinh phẩm, thiết bị y tế của Công ty Việt Á xảy ra tại tỉnh Đồng Tháp, ngày 21/4/2022, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đồng Tháp đã đưa vụ việc vào giải quyết theo quy trình giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm hoặc kiến nghị khởi tố.

Qua kết quả giải quyết, đã có đủ căn cứ xác định vụ việc có dấu hiệu tội phạm nên ngày 17/5/2022, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đồng Tháp đã Quyết định khởi tố vụ án hình sự Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, xảy ra tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đồng Tháp và các đơn vị, cơ sở y tế khác trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.