Chưa đáp ứng nhu cầu
Thời gian qua, hệ thống đánh giá của Việt Nam tương đối phát triển và đạt một số thành công. Trên cơ sở các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Luật GDNN và Luật Việc làm về đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia (KNNQG), Tổng cục GDNN (Bộ LĐ-TB&XH) đã triển khai xây dựng được gần 200 bộ tiêu chuẩn KNNQG, tạo cơ sở quan trọng để triển khai Luật GDNN, xây dựng tiêu chuẩn đầu ra, từ đó thiết kế chương trình đào tạo.
Tổ chức xây dựng ngân hàng đề thi, đánh giá kỹ năng nghề cho gần 45 nghìn lao động trong cả nước; cấp chứng chỉ KNNQG cho hơn 38 nghìn người, trong đó có các nhà giáo GDNN. Một số ngành nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm trong ngành than và khoáng sản yêu cầu bắt buộc phải có chứng chỉ KNNQG, đã được triển khai rất tốt. Gần 50% số lao động làm việc trong lĩnh vực này đã được đánh giá.
Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động đánh giá và cấp chứng chỉ KNNQG còn những hạn chế như: Năng lực và quy mô đánh giá thấp, các tiêu chuẩn KNNQG chậm được xây dựng, cập nhật theo yêu cầu; số lượng các nghề có ngân hàng đề thi và số lượng các tổ chức đánh giá còn thấp; việc đào tạo, phát triển đội ngũ đánh giá viên còn hạn chế, mới có khoảng 60% trong số 80 nghìn nhà giáo đạt chuẩn kỹ năng nghề. Sự tham gia của doanh nghiệp và người lao động vào quá trình này còn hạn chế.
Trong gần 600 ngành nghề đang đào tạo, mới xây dựng được khoảng 1/3 các bộ tiêu chuẩn KNNQG, trong đó chỉ 45% số ngành nghề có ngân hàng đề thi. Hệ thống đánh giá, mặc dù đã phát triển được hơn 40 trung tâm, nhưng so với nhu cầu vẫn còn rất thiếu. Đặc biệt, việc đánh giá kỹ năng nghề cho người lao động không qua trường lớp đào tạo mà vẫn có kiến thức, kỹ năng thực tế còn nhiều khó khăn.
Phát triển hệ thống đánh giá
TS Trương Anh Dũng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN, cho biết: Nhận thức của xã hội về vai trò của đánh giá KNNQG còn chưa đầy đủ, doanh nghiệp mặc dù được huy động vào tham gia xây dựng tiêu chuẩn kỹ năng nghề, nhưng kết quả cũng còn rất hạn chế. Đây là những thách thức lớn trong thời gian tới. Trên thế giới, nhiều quốc gia đã xây dựng và vận hành thành công hệ thống đánh giá tiêu chuẩn KNNQG như Nhật Bản mỗi năm tổ chức đánh giá cho khoảng 700.000 – 800.000 người, Hàn Quốc mỗi năm đánh giá cho khoảng 2 triệu người. Còn tại Việt Nam, số lượng người lao động được đánh giá KNNQG vẫn còn rất khiêm tốn.
Để phát triển hệ thống đánh giá, TS Trương Anh Dũng cho rằng, cần tập trung vào một số giải pháp về hoàn thiện thể chế. Thiết kế hệ thống đánh giá KNNQG ngắn gọn, dễ hiểu hơn. Thường xuyên cập nhật, bổ sung, phát triển những bộ KNNQG mới, đặc biệt là những nghề liên quan đến CMCN 4.0. Đẩy mạnh công tác truyền thông, để xã hội và người lao động hiểu hơn về tầm quan trọng của đánh giá KNNQG, từ đó tích cực tham gia vào công tác này.
Là bên được hưởng lợi khi phát triển hệ thống đánh giá KNNQG, các cơ sở GDNN căn cứ vào tiêu chuẩn KNNQG để phát triển chương trình đào tạo, xây dựng tiêu chuẩn đầu ra, chỉnh sửa, hoàn thiện chương trình đào tạo của nhà trường. “Đây là hoạt động có thể đem lại nguồn thu, khi phát triển vận hành trung tâm đánh giá trong nhà trường. Qua đó hỗ trợ nguồn thu, tăng cường tự chủ tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp” - TS Trương Anh Dũng nhấn mạnh.