Góp phần cho sự phát triển ngoại ngữ
Trong hơn ba thập kỷ vừa qua, trung tâm ngoại ngữ (TTNN) đã đóng góp rất lớn cho sự phát triển ngoại ngữ ở nước ta. Ngoài một số ít (18%) là những trung tâm trực thuộc trường đại học, cao đẳng, Sở GD&ĐT, đại đa số là trung tâm tư nhân xây dựng trên nguồn lực xã hội hoá của cá nhân cũng như tập thể, có mặt khắp trên các tỉnh, thành trong các điều kiện tổ chức dạy học khác nhau.
Hệ thống TTNN hoạt động với quy mô và tính chất rất đa dạng, linh hoạt từ mô hình chỉ có một cơ sở với vài chục HS đến mô hình có hàng trăm nghìn HS với vài chục chi nhánh ở các tỉnh/thành phố đáp ứng nhu cầu học tập ngoại ngữ của mọi người dân trong mọi điều kiện tổ chức dạy học ngoại ngữ từ lớp học theo kiểu bình dân học vụ, xoá mù ngoại ngữ đến các lớp học hiện đại theo công nghệ 4.0 theo chuẩn quốc tế về cơ sở vật chất đến đội ngũ, chương trình, học liệu, thi kiểm tra đánh giá.
Khi bắt đầu xuất hiện, TTNN mới chỉ phát triển các lớp ngoại ngữ theo chương trình A, B, C. Tuy nhiên, do sự phát triển của xã hội và nhu cầu hội nhập, các trung tâm đã mở rộng đa dạng hóa các chương trình đào tạo cũng như các lĩnh vực đào tạo. Một số trung tâm đã phát triển ra ngoài lĩnh vực ngoại ngữ thuần túy.
Theo nhóm nghiên cứu, điểm qua lại phạm vi hoạt động của TTNN chúng ta thấy các loại hình đào tạo xuất hiện bù đắp cho những bất cập của giáo dục ngoại ngữ công lập như trang bị khả năng sử dụng ngoại ngữ cho HS, rèn luyện các kỹ năng mềm và đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời của mọi người dân.
Có thể tổng hợp gồm một số nhóm lớp/chương trình chính sau: 1) Nhóm các lớp tiếng Anh giao tiếp (GE), tiếng Anh chuyên ngành (ESP), các lớp tiếng Anh nghe - nói (Oral courses), các lớp luyện thi chứng chỉ quốc tể như IELTS, TOEFL, TOEIC... và những lớp luyện thi đại học. 2) Nhóm các lớp Toán và Khoa học dạy bằng tiếng Anh; 3) Nhóm các lớp đào tạo người quản lý (Leadership courses); 4) Nhóm các lớp đào tạo giáo viên tiếng Anh; 5) Nhóm các lớp kỹ năng giao tiếp; 6) Nhóm các lớp kỹ năng sống, viết chữ đẹp, hát, múa, vẽ, võ (gọi là lớp năng khiếu) nhóm các lớp tin học.
Nhiều TTNN đã tổ chức giảng dạy theo đường hướng giao tiếp nhắm đến chuẩn đầu ra quốc tế và đặc biệt tạo ra được một môi trường ngoại ngữ vui vẻ, sinh động và tự nhiên giúp HS hứng thú học tập hơn nhiều. Thành tích học tập của HS đang theo học các TTNN tốt đa phần cao hơn các bạn cùng lớp, đạt được nhiều giải thưởng, thành tích qua các cuộc thi do nhà trường, phòng - sở hoặc ngành tổ chức, tạo điều kiện cho các HS và phụ huynh có kế hoạch cho con em đi du học.
Nhiều TTNN đã thực hiện các chương trình tiếng Anh cho trẻ em từ những năm 1990 và chương trình giúp trẻ mầm non làm quen với tiếng Anh từ đầu những năm 2010. Việc sớm đưa các chương trình tiếng Anh cho trẻ em đã góp phần tạo ra một bộ phận HS nhỏ năng động hơn và nhanh nhẹn hơn trong quá trình phát triển tư duy, nhận thức và các kỹ năng xã hội như các nghiên cứu liên quan đã chỉ ra.
Đào tạo ngoại ngữ còn nặng lý thuyết, yếu thực hành
Theo kết quả tổng điều tra dân số năm 2015, dân số Việt Nam đã vượt mức 90 triệu người trong đó nữ chiếm 50,7%, nam 49,3%, đứng thứ 13 thế giới, thứ 7 châu Á và thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á. Đến 2015, lực lượng lao động Việt Nam có 53,7 triệu người trong đó 52,8 triệu người có việc làm và 0,9 triệu người thất nghiệp (tỷ lệ thất nghiệp là 1,84%); 70% lực lượng lao động tập trung ở khu vực nông thôn, đây là một cơ cấu lao động không hợp lý, khi tỷ trọng lao động trong ngành nông nghiệp là cao nhất trong khi đây là ngành có đóng góp thấp nhất vào GDP.
Phân tích những hạn chế của nguồn nhân lực Việt Nam, tác giả Trịnh Hoàng Lâm đã xác định được bên cạnh các nguyên nhân như thể lực kém, trình độ chuyên môn chưa đáp ứng yêu cầu, khả năng phối hợp hạn chế, thiếu tính sáng tạo, ý thức lao động thì nguyên nhân chính dẫn tới chất lượng nhân lực của ta còn yếu hơn các nước trong khu vực, đó là năng lực ngoại ngữ và công nghệ thông tin. Trong quá trình hợp tác và hội nhập quốc tế, phát triển nguồn nhân lực của ta chưa theo kịp tốc độ hội nhập kinh tế, văn hoá, xã hội; hệ thống giáo dục chưa bắt kịp với mô hình hệ thống giáo dục và đào tạo nhân lực phổ biến của các nước trong khu vực và thế giới. Đào tạo ngoại ngữ của Việt Nam còn nặng tính hình thức, lý thuyết nhưng lại yếu kém trong thực hành.
Số lượng TTNN tuy nhiều, nhưng chất lượng dường như lại đang bị thả nổi. Hiện nay, số lượng cơ sở dạy ngoại ngữ tăng theo từng năm và chiếm hơn 40% tổng số các cơ sở dạy văn hóa ngoài giờ của cả nước, các trung tâm, loại hình giảng dạy ngoại ngữ cũng tăng đáng kể, tổng số học viên học ngoại ngữ chiếm gần 70% lượt người tham gia học các loại hình văn hóa ngoài giờ.
Thực hiện mục tiêu chung của công cuộc đổi mới giai đoạn 2008 - 2020, việc học và vấn đề người học ngoại ngữ (NN) đã được quy hoạch tổng thể và toàn diện. Hệ thống chính sách chỉ đạo đổi mới dạy học NN ở nước ta bao gồm: Quyết định 1400/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Dạy và học NN trong hệ thống giáo dục quốc dân (GDQD) giai đoạn 2008 - 2020” và Chỉ thị số 3575/CT- BGDĐT ngày 10/9/2014 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT về việc tăng cường triển khai thực hiện nhiệm vụ dạy và học NN trong hệ thống GDQD.
Quyết định 1400/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 30/9/2008 phê duyệt Đề án “Dạy và học NN trong hệ thống GDQD giai đoạn 2008 - 2020” (Đề án NNQG 2020) xác định NN có vị trí đặc biệt trong bối cảnh đất nước mở cửa và hội nhập và là môn học đầu tiên được Chính phủ chọn đưa ra Chiến lược phát triển nhằm đổi mới dạy và học NN.
Mục tiêu chính của Đề án NNQG 2020 là: Đổi mới toàn diện việc dạy và học NN trong hệ thống GDQD; nhằm đến năm 2015 đạt được một bước tiến rõ rệt về trình độ, năng lực sử dụng NN của nguồn nhân lực, nhất là đối với một số lĩnh vực ưu tiên; đến năm 2020 đa số thanh niên Việt Nam tốt nghiệp trung cấp, CĐ và ĐH có đủ năng lực NN sử dụng độc lập, tự tin trong giao tiếp, học tập, làm việc trong môi trường hội nhập, đa ngôn ngữ, đa văn hóa; biến NN trở thành thế mạnh của người dân Việt Nam, phục vụ sự nghiệp CNH, HĐH đất nước…
Mặc dù ngoại ngữ có vai trò quan trọng trong chính sách giáo dục ngôn ngữ của Việt Nam, nhưng năng lực NN của người Việt nói chung vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của đất nước. Việc học ở trường chủ yếu phục vụ cho các kỳ thi như thi tốt nghiệp THPT, thi đại học... nên phần nghe, nói không được chú trọng nhiều; chủ yếu là học ngữ pháp, từ vựng, trong khi ở TTNN thì phần nói và nghe được nhấn mạnh, trau dồi nhiều hơn.
Nhận biết về điều này, nhiều phụ huynh đã chủ động đưa con em mình đến các trung tâm, trường NN để trẻ có thể tiếp xúc với các chương trình học thực tế để rèn luyện kỹ năng nghe, nói, đọc, viết và thực tế hầu hết các em phải học thêm ở các TTNN với chương trình hiện đại, tiên tiến. SV ĐH cũng không ngoại lệ, họ theo học ở TTNN để bổ sung những điều mà nhà trường chưa thể đáp ứng được, nâng cao năng lực sử dụng NN, vì nhiều lý do như giáo án, thời lượng tiết học quá ít, sĩ số lớp quá đông hoặc trình độ giáo viên còn hạn chế.
Nắm bắt được nhu cầu xã hội, hàng loạt các TTNN xuất hiện khắp nơi trên cả nước. Trên toàn hệ thống GDQD hiện nay, tổng số các TTNN bao gồm 2.830 trung tâm với tổng số 3.839 cơ sở, trong đó: Số TTNN có đầu tư nước ngoài: 27, với 184 cơ sở; Số TTNN có vốn đầu tư trong nước trực thuộc học viện, trường đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ): 527 cơ sở; số TTNN có vốn đầu tư trong nước trực thuộc các Sở GD&ĐT: 2.276, với 3.655 cơ sở.
(Bài 2: Những hạn chế trong các quy định, hướng dẫn)