Hệ thống đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề thúc đẩy người lao động học tập suốt đời

GD&TĐ - Ngày 16/11, tại Quảng Ninh, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp tổ chức Hội nghị sơ kết hoạt động đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia (KNNQG).

TS Trương Anh Dũng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp phát biểu tại Hội nghị
TS Trương Anh Dũng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp phát biểu tại Hội nghị

Tham dự hội nghị có TS Trương Anh Dũng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, đại diện các vụ, viện chức năng, đại diện các Bộ, ngành, Hiệp hội, tổ chức đánh giá, đại diện văn phòng JICA tại Việt Nam và đại diện một số trường cao đẳng nghề.

Hội nghị nhằm đánh giá thực trạng, định hướng phát triển hệ thống đánh giá, cấp chứng chỉ KNNQG; giải pháp tổ chức đánh giá kỹ năng nghề để chuẩn hóa cho đội ngũ nhà giáo GDNN.

Các hoạt động đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia bắt đầu được quy định tại Luật Dạy nghề, được Quốc hội khóa XI, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 29/11/2006 và có hiệu lực kể từ ngày 01/6/2007.

Triển khai hướng dẫn thi hành Luật Dạy nghề, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đã xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật để quy định, hướng dẫn về xây dựng, thẩm định và ban hành tiêu chuẩn và tổ chức đánh giá, cấp chứng chỉ KNNQG.

Đánh giá, cấp chứng chỉ KNNQG nhằm công nhận trình độ kỹ năng nghề cho người lao động đạt được thông qua các khóa đào tạo chính quy, phi chính quy hoặc do người lao động tự học tập, rèn luyện, tích lũy kinh nghiệm trong quá trình làm việc.

Hệ thống đánh giá, cấp chứng chỉ KNNQG có vai trò thúc đẩy người lao động tham gia học tập suốt đời; các doanh nghiệp tuyển chọn, bố trí công việc, trả lương theo năng lực của người lao động, đồng thời cập nhật những kiến thức và kỹ năng mới của nghề. Việc đánh giá, cấp chứng chỉ KNNQG cũng được quy định để thực hiện chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo giảng dạy thực hành và tích hợp tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Phát biểu tại hội nghị, TS Trương Anh Dũng cho biết: Cho đến nay, đã xây dựng và ban hành được 191 bộ tiêu chuẩn KNNQG; biên soạn được ngân hàng đề thi cho 84 nghề; thành lập được 42 tổ chức đánh giá KNN phân bố tại các vùng miền trọng điểm trên toàn quốc; đã tổ chức đánh giá KNN cho gần 45 nghìn người lao động trong cả nước và cấp chứng chỉ KNNQG cho hơn 38 nghìn lao động, trong đó có các nhà giáo giáo dục nghề nghiệp... Hệ thống đánh giá, cấp chứng chỉ KNNQG đã được hình thành và có những kết quả bước đầu.

Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động đánh giá và cấp chứng chỉ KNNQG còn những hạn chế, tồn tại như: năng lực và quy mô đánh giá thấp, các tiêu chuẩn KNNQG chậm được xây dựng, cập nhật theo yêu cầu; số lượng các nghề có ngân hàng đề thi và số lượng các tổ chức đánh giá còn thấp; việc đào tạo, phát triển đội ngũ đánh giá viên còn hạn chế, mới có khoảng 60% của 80 nghìn nhà giáo đạt chuẩn KNN, còn gần 34 nghìn nhà giáo chưa đạt chuẩn. Đặc biệt, nhận thức của xã hội về vai trò của đánh giá KNNQG chưa đầy đủ, sự tham gia của doanh nghiệp và người lao động vào quá trình này còn hạn chế.

Do vậy, trong thời gian tới, cần tăng cường công tác truyền thông, tuyên truyền; tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động để nâng cao chất lượng, mở rộng quy mô đánh giá, cấp chứng chỉ KNNQG; áp dụng khoa học công nghệ vào quản lý và điều hành. Tăng cường gắn kết với doanh nghiệp và đẩy mạnh hợp tác quốc tế để phát triển hoạt động đánh giá, cấp chứng chỉ KNNQG, qua đó nâng cao chất lượng nguồn nhân lực quốc gia, thúc đẩy công nhận trình độ và di chuyển lao động trong khối cộng đồng kinh tế chung ASEAN.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ