Đằng sau quyết định sa thải Bộ trưởng Quốc phòng Israel

GD&TĐ - Thủ tướng Israel Netanyahu đã sa thải Bộ trưởng Quốc phòng Gallant hôm 5/11 sau nhiều tháng bất đồng về cuộc chiến ở Gaza và Lebanon.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và cựu Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và cựu Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant.

Tờ Jerusalem Post dẫn tuyên bố của Thủ tướng Israel hôm 5 tháng 11: "Giữa một cuộc chiến, hơn bao giờ hết, cần có sự tin tưởng hoàn toàn giữa thủ tướng và bộ trưởng quốc phòng.

Thật không may, mặc dù trong những tháng đầu của chiến dịch đã có sự tin tưởng như vậy và đã có công việc rất hiệu quả, nhưng trong những tháng cuối cùng, sự tin tưởng này đã rạn nứt giữa tôi và Bộ trưởng Quốc phòng.

Cuộc khủng hoảng lòng tin đã dần phát triển giữa tôi và bộ trưởng quốc phòng và cuộc khủng hoảng này không cho phép tiếp tục lãnh đạo chiến dịch quân sự một cách đúng đắn.

Do đó, hôm nay tôi đã quyết định chấm dứt quyền hạn của Bộ trưởng Quốc phòng. Tôi đã quyết định bổ nhiệm Bộ trưởng Ngoại giao Israel Katz thay thế ông ấy".

Động thái này đã gây ra một làn sóng chỉ trích dữ dội trong một Israel vốn đã chia rẽ về chính sách trong nước và cách thức các cuộc chiến ở Gaza, Lebanon và cuộc xung đột ủy nhiệm rộng lớn hơn với Iran đang diễn ra.

Nó cũng diễn ra sau các vụ bắt giữ liên quan đến cuộc điều tra về việc rò rỉ các tài liệu quốc phòng được tiết lộ cho báo chí.

Cựu Bộ trưởng Quốc phòng, Phó Thủ tướng và nhân vật đối lập Benny Gantz chỉ trích quyết định của ông Netanyahu, gọi việc sa thải Bộ trưởng Gallant là "chính trị gây tổn hại đến an ninh quốc gia".

Trong khi đó, lãnh đạo phe đối lập trong quốc hội Yair Lapid kêu gọi người dân Israel xuống đường phản đối quyết định sa thải này.

"Việc sa thải ông Gallant giữa lúc chiến tranh là điều điên rồ. Thủ tướng Netanyahu đang bán rẻ lực lượng an ninh và chiến binh của Lực lượng Phòng vệ Israel để đổi lấy sự sống còn chính trị đáng xấu hổ.

Chính phủ cánh hữu thích những kẻ phản bội hơn là người hầu. Tôi kêu gọi người dân của đảng Yesh Atid và tất cả những người yêu nước theo chủ nghĩa phục quốc Do Thái xuống đường biểu tình tối nay", lãnh đạo Lapid kêu gọi.

Thời điểm sa thải liên quan đến Mỹ?

Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant đã bị sa thải vào Ngày bầu cử tại Mỹ để "những người liên lạc của ông tại Mỹ không thể gây sức ép lên chính phủ Netanyahu vì họ quá bận rộn và không quan tâm vào lúc này", Tiến sĩ Ori Goldberg, một chuyên gia về chính trị Israel và Trung Đông, nói khi bình luận về thời điểm đưa ra quyết định của ông Netanyahu.

"Ông Gallant giống như mọi cựu tướng lĩnh Israel, chắc chắn là người đã vươn lên đến đỉnh cao của giới lãnh đạo quân sự, có mối quan hệ chặt chẽ với người Mỹ. Tôi nghĩ chính quyền Netanyahu gần như xa rời Washington như bất kỳ chính phủ Israel nào từng có.

Tôi nghĩ Gallant đã yêu cầu - vì quan điểm của ông ấy và cũng vì chương trình nghị sự của Mỹ - rằng Netanyahu sẽ không đầu hàng chương trình nghị sự của những người định cư, chiếm đóng Gaza và tiếp tục chiến tranh kiểu diệt chủng", Tiến sĩ Goldberg nói.

"Ông Netanyahu không muốn áp lực này. Ông ấy muốn những người trung thành và ông ấy cũng muốn dập tắt và đàn áp mọi sự kháng cự tiềm tàng trong quân đội vốn được ông Gallant hậu thuẫn, bởi vì cuối cùng ông ấy là một cựu tướng lĩnh và lòng trung thành của ông ấy dành cho đồng chí của mình nhiều hơn là dành cho Thủ tướng Netanyahu", người quan sát giải thích.

Khi được yêu cầu bình luận về trình độ của người thay thế ông Gallant, học giả Goldberg cho biết việc lựa chọn Bộ trưởng Quốc phòng mới hoàn toàn mang tính chính trị và không hề liên quan đến trình độ.

Israel Katz không được đánh giá cao bất kể ông ấy đảm nhiệm vị trí bộ trưởng nào, điều này khiến ông ấy trở thành lựa chọn tốt nhất vì ông ta không có gì để cung cấp cho Thủ tướng Netanyahu ngoài lòng trung thành… Katz thực sự không có cơ sở quyền lực độc lập nào như Gallant, người có người Mỹ và quân đội.

Ông Katz hoàn toàn phụ thuộc vào thiện chí của Thủ tướng Netanyahu. Ông Netanyahu muốn một người hoàn toàn đồng ý trong Bộ Quốc phòng, và đây là một ngày rất tốt để làm điều đó. Bởi vì ngày hôm nay, không có ai ở Mỹ dành ra dù chỉ một phút cho việc này", Tiến sĩ Goldberg kết luận.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Truyện ngắn: Hậu phương yêu thương

GD&TĐ - Mấy hôm nay gió bấc đã tràn về đảo nhỏ. Lão gió gào thét lùng sục khắp các ngõ ngách, thấy cái gì cũng lật tung lên như thể để tìm kiếm thứ gì đó.