‘Đảng không bao giờ bỏ lãnh đạo nền kinh tế’

“Quyết định tái lập Ban Kinh tế là cần thiết. Đảng không bao giờ bỏ chức năng lãnh đạo kinh tế” - Thủ tướng phát biểu tại cuộc làm việc với Ban Kinh tế Trung ương ngày 19/3.

Ông Vương Đình Huệ tặng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bức ảnh chân dung thời kỳ Thủ tướng làm Trưởng Ban Kinh tế Trung ương (1997-1998)
Ông Vương Đình Huệ tặng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bức ảnh chân dung thời kỳ Thủ tướng làm Trưởng Ban Kinh tế Trung ương (1997-1998)

Hơn một năm sau khi được tái lập, sáng 19/3, lần đầu tiên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có cuộc làm việc tại trụ sở Ban Kinh tế Trung ương. 

Từng có thời gian lãnh đạo cơ quan này, Thủ tướng khẳng định việc tái lập là cần thiết vì Đảng lãnh đạo kinh tế, lãnh đạo toàn xã hội, nhà nước.

“Đảng không bao giờ bỏ chức năng lãnh đạo kinh tế. Mấy năm vừa rồi không có Ban Kinh tế song chức năng tham mưu, đề xuất, giám sát kinh tế vẫn giao cho Văn phòng Trung ương Đảng. Khi đó, nhận thức muốn gọn bộ máy mới giao cho Văn phòng chứ không phải bỏ” - Thủ tướng nhấn mạnh.

Thực tế, điều này thể hiện qua tính liên tục của đội ngũ cán bộ khi có khoảng 40 người từ Văn phòng Trung ương Đảng trong tổng số hơn 100 nhân sự của Ban Kinh tế Trung ương.

Đánh giá cao kết quả hoạt động sau một năm, theo Thủ tướng, để làm tốt hơn chức năng của mình, Ban Kinh tế cần chủ trì huy động các cơ quan, nhà khoa học tâm huyết hiến kế; từ đó tổng hợp ý kiến, kiến nghị với Bộ Chính trị. 

Về phần mình, Chính phủ luôn hết sức ủng hộ và chủ động phối hợp. Tuy nhiên, điều này cũng đặt ra yêu cầu phải có quy chế phối hợp giữa Ban với các cơ quan của Đảng, mặt trận đoàn thể, đặc biệt là cơ quan của Chính phủ.

Trước đó, phát biểu tại cuộc làm việc, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ đã đề nghị Thủ tướng chỉ đạo các bộ ngành, địa phương để Ban Kinh tế tham gia vào các đề án, chương trình ngay từ đầu. Những lần phối hợp vừa qua theo đánh giá của Ban Kinh tế là đã cho kết quả tốt.

Ông Huệ cũng mong được Thủ tướng dành thời gian làm việc với Ban để chỉ đạo công tác những vấn đề lớn trong việc hoạch định chính sách kinh tế - xã hội.

Buổi làm việc cũng ghi nhận nhiều ý kiến liên quan đến nội dung sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 khóa X về tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Thứ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Nguyễn Văn Trung cho biết, hiện đã có báo cáo sơ kết 5 năm và lấy ý kiến 45 bộ, ngành, địa phương.

Ông Trung cho hay, về cách tiếp cận, đánh giá còn chưa đủ sâu mà cần phải lội ngược lại cả quá trình, bởi tất cả các mô hình mới đều có trong đời sống thực tế trước. Cách tổng kết theo ông vì thế cũng phải bắt đầu từ thực tế.

Lấy dẫn chứng từ việc quản lý giá xăng dầu, giá điện, ông Trung cho là cực kỳ gian nan, có tác động lớn đến đời sống, nhưng phải làm và chọn thời điểm, cách làm. Tương tự đó là vấn đề về đất đai…

“Chúng ta đã lo cho lợi ích số đông, lợi ích người lao động, lo cho nhiều mảng xã hội thì phải làm rõ tính chất xã hội chủ nghĩa ở chỗ nào, nhiều nước cũng làm như vậy, không riêng gì Việt Nam” - Ông Trung chia sẻ.

Còn theo Chủ tịch Viện hàn lâm Khoa học Xã hội Nguyễn Xuân Thắng, lúc này là thời điểm để có nhìn nhận đánh giá tổng kết lại 30 năm đổi mới, thay đổi tư duy trong nhận thức phát triển. 

Theo Thủ tướng, kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là con đường mới, chưa có ai vạch sẵn mà phải vừa thiết kế, thi công… Vì vậy, sơ kết phải làm rõ, làm sâu sắc.

Chia sẻ băn khoăn với Thứ trưởng Nguyễn Văn Trung, Thủ tướng khẳng định, kinh tế thị trường mà giá xăng dầu vẫn bao cấp thì không thể được. Còn người nghèo thì còn chính sách hỗ trợ. Chính phủ cách đây ít ngày cũng vừa bàn giá bán lẻ điện.

“Đây không phải là bao cấp mà là chính sách xã hội. Nhưng EVN phải công khai minh bạch đầy đủ giá thành. Chúng ta tạm thời chấp nhận độc quyền tự nhiên thì phải công khai minh bạch” - Thủ tướng nêu và đặt câu hỏi thêm với các giá dịch vụ thiết yếu khác như y tế, giáo dục liệu có nên tiếp tục giữ giá thấp rồi cùng thiếu thốn, khó khăn. Trong khi đó, nhiều gia đình vẫn cho con em đi học nước ngoài dù học phí cao.

“Tổng kết phải làm rõ mục tiêu của kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa chứ nay muốn tăng giá theo giá thành là khó lắm. Nhiều nơi thiếu người giỏi vì mức lương thấp, cần có cải cách không, hay mãi duy trì sự cào bằng” - Thủ tướng chốt lại.

Theo VnExpress

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Cảnh báo người mới

GD&TĐ - Trung Quốc vừa quyết định cấm xuất khẩu kim loại và vật liệu có chứa những nguyên tố hoá học nhất định, trong đó có Gallium và Germanium sang Mỹ.