Coi công tác xoá đói, giảm nghèo là nhiệm vụ trọng tâm
Theo kết quả điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo cuối năm 2021, toàn huyện Thuận Châu có 18 xã có tỷ lệ hộ nghèo từ 30% trở lên. 216 bản, tiểu khu của 26 xã có tỷ lệ hộ nghèo từ 30% trở lên, 1.707 hộ đang ở nhà tạm (trong đó nhu cầu làm mới 1.293 nhà, sửa chữa 414 nhà).
Trước thực tiễn đó, Đảng bộ huyện Thuận Châu đã lãnh đạo chỉ đạo huy động nhiều nguồn lực, triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp trong công tác xóa đói, giảm nghèo. Nhờ đó đến nay, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm còn dưới 26%.
Ông Quàng Văn Dũng, Phó bí thư huyện uỷ, Chủ tịch UBND huyện Thuận Châu cho biết: Vừa qua, huyện đã xây dựng dự án phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị phù hợp với điều kiện địa phương, như: Mô hình trồng 7ha dứa ở xã Co Mạ, 10 ha ngô ngọt xã Bó Mười. Trồng 3ha cây khôi nhung ở xã Pá Lông, Long Hẹ, 3ha cây gừng trâu ở xã Long Hẹ; 3ha cây vừng đen ở xã Mường Bám và triển khai mô hình nuôi gà đen với quy mô 3.000 con ở xã É Tòng.
"Hiện, một số mô hình cho thu hoạch, đem lại hiệu quả kinh tế, đã và đang nhân rộng cho năm tiếp theo. Việc chúng tôi triển khai các mô hình sản xuất, chăn nuôi này là để khích lệ tinh thần, định hướng cho bà con áp dụng vào thực tiễn phát triển kinh tế. Từ đó, tạo điều kiện hỗ trợ người dân phát triển kinh tế và nâng cao nguồn thu nhập, góp phần giảm nghèo bền vững ở địa phương", ông Dũng nói.
Nhờ chú trọng công tác giảm nghèo, đời sống của người dân huyện Thuận Châu từng bước được cải thiện và nâng cao. |
Để công tác xoá đói giảm nghèo đạt hiệu quả cao, Ban Thường vụ Huyện ủy Thuận Châu đã ban hành kết luận số 378-KL/HU về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ giảm nghèo, xóa nhà tạm trên địa bàn huyện giai đoạn 2021 - 2025. Kết luận số 386-KL/HU về chủ trương phân công các tổ chức cơ sở đảng phụ trách công tác giảm nghèo, xóa nhà tạm tại các xã, thị trấn giai đoạn 2021 - 2022.
Huyện chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền, tổ chức đoàn thể căn cứ vào tình hình thực tế xây dựng kế hoạch, chương trình hành động về công tác giảm nghèo nhanh và bền vững. Tiếp tục đưa mục tiêu giảm nghèo vào tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cấp ủy, chính quyền và người đứng đầu ở cơ sở. Chủ động tìm hướng sản xuất cho người dân, bằng việc đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong sản xuất, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu của địa phương.
Thời gian qua, huyện Thuận Châu đã tập trung hướng dẫn bà con phát triển mô hình sản xuất mang lại giá trị kinh tế cao, góp phần nâng cao nguồn thu nhập và xoá nghèo bền vững. |
Hỗ trợ, giúp đỡ người dân vay vốn phát triển sản xuất
Những năm qua, các cấp ủy đảng, chính quyền từ huyện đến cơ sở đã thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các chính sách hỗ trợ vốn cho người nghèo. Hiện, tổng dư nợ tại phòng giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội huyện là trên 602 tỷ đồng, với hơn 18.766 hộ vay. Nhiều hộ nghèo đã làm ăn hiệu quả và vươn lên thoát nghèo.
Ông Quàng Văn Dụ, xã Phổng Lái, huyện Thuận Châu cho hay: “Gia đình tôi được xã và huyện tạo điều kiện cho vay hơn 60 triệu đồng đầu tư chăn nuôi và trồng cây ăn quả trên đất dốc phát triển sản xuất. Hiện nay, tôi có 7 con bò, 6 con lợn và 1ha vườn xoài Đài Loan, cuộc sống đỡ vất vả hơn so với trước. Tôi cũng đã trả xong số tiền vay ngân hàng trước đây. Giờ gia đình tôi đã thoát khỏi diện nghèo rồi”.
Bên cạnh công tác định hướng, hỗ trợ, giúp đỡ người dân phát triển sản xuất xoá đói giảm nghèo. Việc xóa nhà tạm cũng được huyện Thuận Châu đặc biệt chú trọng quan tâm, các tổ chức cơ sở đảng đã vận động cán bộ, đảng viên phối hợp doanh nghiệp, nhà hảo tâm trong và ngoài huyện vận động ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo”. Từ nguồn quỹ này, năm 2022 huyện đã làm mới hơn 47 ngôi nhà, với tổng kinh phí hơn 500 triệu đồng, giúp các hộ nghèo có chỗ ở ổn định, yên tâm phát triển kinh tế.
Chị Trần Thị Tuyết, bản Kiến Xương (xã Phổng Lái, huyện Thuận Châu) thoát nghèo và có cuộc sống khấm khá, nhờ huyện mở lớp tập huấn hướng dẫn trồng bưởi Da Xanh trên đất dốc. |
Theo ông Quàng Văn Dũng, thực hiện mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện còn trên 3% đến hết 2022, vừa qua huyện đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng, nhân rộng các mô hình sản xuất có giá trị kinh tế cao, gắn với ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất. Huyện đã mở lớp tập huấn hướng dẫn trồng trọt, chăn nuôi cho bà con, đặc biệt là hỗ trợ sản xuất cho người nghèo, xây dựng liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục tạo điều kiện cho các đối tượng là hộ nghèo vay vốn làm ăn, chủ động thu hút các nhà đầu tư tại địa bàn xây dựng các mô hình kinh tế hiệu quả, giải quyết việc làm cho lao động nghèo. Chúng tôi sẽ đẩy mạnh công tác xã hội hóa vì người nghèo, tiếp nhận và sử dụng có hiệu quả nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước, của cộng đồng. Phấn đấu trở thành huyện phát triển khá của tỉnh vào năm 2025 theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện đã đề ra”, ông Dũng nhận định.