Thay đổi thói quen
Thuận Châu là huyện miền núi khó khăn của tỉnh Sơn La. Toàn huyện có 29 xã, thị trấn với 6 dân tộc anh em cùng sinh sống, như: Thái, Mông, Kinh, Khơ Mú, La Ha…
Huyện có địa hình đồi núi dốc, cộng với thời tiết khắc nghiệt đã ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất của nhân dân, đặc biệt là ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Một bộ phận người dân còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại, chưa có ý thức tự vươn lên. Ở đây, đa số người dân còn quen với tập quán sản xuất lạc hậu, chưa biết áp dụng khoa học kỹ thuật nên năng suất cây trồng còn thấp. Với những lí do trên đã khiến cho tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn vẫn còn cao.
Từ thực tế trên, huyện Thuận Châu đã chú trọng, tăng cường các giải pháp nhằm giúp người dân xóa đói, giảm nghèo. Đáng phải kể đến là việc huyện đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi. Thông qua các dự án cung cấp con giống, vật nuôi… hỗ trợ người dân phát triển sản xuất.
Mô hình trồng dứa đang góp phần nâng cao thu nhập của nhiều hộ nghèo ở Thuận Châu. |
Để công tác giảm nghèo chuyển biến tích cực và đi vào chiều sâu, những năm qua huyện Thuận Châu đã triển khai nhiều giải pháp thiết thực như: Khuyến khích nông dân phát triển các mô hình sản xuất mới; Chỉ đạo các phòng chuyên môn tập huấn kiến thức và tổ chức cho người dân tham quan các mô hình sản xuất hiệu quả để áp dụng vào thực tiễn. Cùng với đó, thúc đẩy liên kết giữa các doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) với người nông dân trong tiêu thụ nông sản. Từ đó nâng cao thu nhập và đời sống cho người dân.
Ông Quàng Văn Dũng, Chủ tịch UBND huyện Thuận Châu cho biết: “Chúng tôi luôn xác định công tác giảm nghèo là nhiệm vụ chính trị quan trọng, việc làm thường xuyên của cả hệ thống chính trị. Từ đó, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, ngành, đoàn thể triển khai thực hiện công tác giảm nghèo, gắn với xây dựng nông thôn mới. Chúng tôi cũng thành lập Ban chỉ đạo giảm nghèo cấp huyện, phân công nhiệm vụ cụ thể. Từng ngành, từng thành viên phải xây dựng kế hoạch thực hiện cụ thể hàng năm và trong từng giai đoạn về công tác giảm nghèo”.
Theo ông Dũng, để thực hiện các chính sách giảm nghèo và xoá nghèo, trước tiên huyện đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao ý thức vươn lên. Cùng với đó, huyện chỉ đạo các cơ quan chuyên môn sử dụng hiệu quả các nguồn vốn, chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Đẩy mạnh phát triển sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập cho bà con. Lồng ghép công tác tuyên truyền phát triển mô hình sản xuất hiệu quả, thông qua các buổi họp bản, Hội nghị… Từ đó, nâng cao nhận thức và làm thay đổi thói quen, tâm lý ỷ lại của người dân. Qua đó, góp phần xây dựng cuộc sống ngày càng ấm no.
Giao chỉ tiêu giảm nghèo cho địa phương
Hàng năm, huyện Thuận Châu còn giao chỉ tiêu đăng ký giảm nghèo cho các xã, thị trấn. Đưa mục tiêu giảm nghèo vào tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu đơn vị, cơ sở. Tăng cường công tác đối thoại, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân. Qua đó, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và có biện pháp hỗ trợ kịp thời để người dân vươn lên. Huyện cũng tranh thủ tối đa các nguồn lực xã hội hoá và sự hỗ trợ của Nhà nước thông qua các chương trình, dự án giảm nghèo như: Chương trình 135, 30a, nông thôn mới… để hỗ trợ phát triển sản xuất. Xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, kênh mương thuỷ lợi, các công trình phúc lợi… làm đòn bẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Huyện Thuận Châu tập trung phát triển sản phẩm OCOP và hình thành chuỗi sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm. |
Anh Lò Văn Hoan, xã Liệp Tè cho biết: “Trước đây, cuộc sống của gia đình tôi rất khó khăn, chi phí trang trải cuộc sống thiếu thốn đủ bề. Sau khi được Nhà nước hỗ trợ bò giống, gia đình chăn nuôi phát triển. Sau mấy năm, kinh tế gia đình cũng đổi thay. Đến nay, tôi đã trả hết nợ từ trước đó. Vừa rồi cũng xây được ngôi nhà khang trang hơn trước”.
Ông Quàng Văn Dũng cho biết, để công tác giảm nghèo đạt hiệu quả, huyện đã đẩy mạnh vận động nhân dân khai thác tiềm năng, thế mạnh sẵn có. Đồng thời, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng. Khuyến khích người dân ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả kinh tế cao, sản xuất gắn với thị trường tiêu thụ.
Cùng với đó, huyện cũng chỉ đạo các phòng chuyên môn đẩy mạnh chuyển giao kỹ thuật, áp dụng công nghệ cao vào sản xuất. Đồng thời, tăng cường quảng bá, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm. Từ đó, góp phần nâng cao thu nhập, giúp người dân vươn lên thoát nghèo.
Nhờ áp dụng các chính sách giảm nghèo và định hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đến nay huyện Thuận Châu hiện có hơn 4.200 ha cây ăn quả các loại. Trong đó, trên 3.500 ha cây ăn quả được trồng bằng các giống chất lượng cao. Huyện đã hình thành 11 chuỗi sản xuất giá trị gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm; 21 cơ sở trồng trọt được cấp giấy chứng nhận VietGAP; 10 mã số vùng trồng; 5 sản phẩm đạt OCOP đạt từ 3 - 4 sao.
Thời gian qua, Thuận Châu đã xuất khẩu thành công nhiều sản phẩm chủ lực như: Thanh long, chanh leo, chè, cà phê sang thị trường châu Âu và các quốc gia như: Trung Quốc, Pháp, Đài Loan...
Theo thống kê, tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm dần qua từng năm. Đến nay, tỷ lệ này chỉ còn khoảng 37% (theo tiêu chuẩn đa chiều). Điều kiện sống của người dân không ngừng được cải thiện, nâng lên.