Tăng cơ hội thoát nghèo từ dự án hỗ trợ nuôi bò

GD&TĐ - Nhằm giúp người dân tăng cơ hội thoát nghèo, dự án hỗ trợ nuôi bò sinh sản, bò thịt được kỳ vọng sẽ đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Ông Bùi Văn Khải, xóm Khe Nác, xã Yên Đổ tham gia dự án nuôi bò sinh sản tại HTX nông nghiệp công nghệ cao Phú Lương.
Ông Bùi Văn Khải, xóm Khe Nác, xã Yên Đổ tham gia dự án nuôi bò sinh sản tại HTX nông nghiệp công nghệ cao Phú Lương.

Mô hình đa lợi ích

Động Đạt là xã phía bắc của huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên cách trung tâm huyện 4 km, có diện tích tự nhiên hơn 3.500,00 ha. Tỷ lệ người dân tộc thiểu số chiếm 50% tổng dân số, bao gồm 8 dân tộc chính Tày, Nùng, Sán dìu, Sán chí, HMông, Dao cùng nhau sinh sống. Hoạt động kinh tế chủ yếu của bà con là sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, nên đời sống người dân vẫn còn nhiều khó khăn, thu nhập chưa ổn định.

Do đó, với mục tiêu hỗ trợ giảm tỷ lệ nghèo ở một số xã, xóm có tỷ lệ nghèo cao, có đông đồng bào dân tộc sinh sống trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, Văn phòng điều phối chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới phối hợp cùng quỹ Thiện tâm của tập đoàn Vingroup và UBND huyện Phú Lương đã xây dựng mô hình hợp tác liên kết với hộ nông dân để phát triển kinh tế và thoát nghèo bền vững.

Dự án do Quỹ Thiện Tâm tài trợ và cho vay con giống để Hợp tác xã và Hộ nông dân khó khăn cùng chăn nuôi, phát triển kinh tế. Theo đó, Quỹ Thiện Tâm tài trợ cho Hợp tác xã nông nghiệp công nghệ cao Phú Lương 25 con bò giống và cho vay 25 con bò giống với tổng trị giá 1 tỷ đồng.

Hợp tác xã sẽ chuẩn bị đủ các điều kiện về hạ tầng, kinh phí hoạt động và nguồn lực khác để chăn nuôi, quản lý con giống, tạo việc làm cho người dân bằng hình thức ký hợp đồng lao động hoặc hợp đồng liên kết với các hộ khó khăn để cung cấp hàng hóa, dịch vụ cho HTX, hỗ trợ các hộ khó khăn được tham gia dự án để có thu nhập và các lợi ích khác từ 3 năm trở lên.

Dự án do Quỹ Thiện Tâm tài trợ và cho vay con giống.

Dự án do Quỹ Thiện Tâm tài trợ và cho vay con giống.

Ông Bùi Văn Khải, xóm Khe Nác, xã Động Đạt cho biết: Do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên gia đình được UBND xã ưu tiên tham gia dự án chăn nuôi do Quỹ Thiện Tâm tài trợ. Nhờ có kinh nghiệm nhiều năm cùng với sự hỗ trợ từ ngành nông nghiệp địa phương nên công việc rất phù hợp với 25 hộ dân trong xã.

“Hàng ngày chúng tôi được giao nhiệm vụ chăm sóc, dọn dẹp chuồng trại, kiểm tra sức khỏe cho đàn vật nuôi. Cứ làm hết một ngày công mỗi người sẽ được trả số tiền 220.000 đồng/ ngày. Nhờ đó, chúng tôi không chỉ có thêm thu nhập mà còn học hỏi thêm được nhiều kinh nghiệm trong chăm sóc và cân đối dinh dưỡng cho vật nuôi. Sau 3 năm, ngoài số tiền lương được hưởng nếu hoàn thành đủ số ngày công, đàn vật nuôi sinh sản tốt, mỗi hộ sẽ được cấp cho một con bò để làm giống.” ông Khải cho biết thêm.

“Đòn bẩy” quan trọng trong công tác giảm nghèo

Ông Nhâm Văn Núi, Phó Chủ tịch UBND xã Động Đạt, huyện Phú Lương cho biết: Qua khảo sát các điều kiện, nhận thấy mô hình nuôi bò sinh sản, bò thịt dễ chăm sóc, chi phí chăn nuôi ít. Bên cạnh đó, bà con tại địa phương có quỹ đất rộng, nhiều kinh nghiệm trong chăn nuôi, yêu quý gia súc, đặc biệt là đồng bào người Mông, họ luôn coi vật nuôi như trâu bò là tài sản quý giá. Do đó, dự án khi được triển khai cho 25 hộ dân tại 2 xóm Khe Nác và Đồng Tâm, xã Động Đạt sẽ góp phần cải thiện đời sống tại nông hộ, bởi con bò có giá trị kinh tế cao so với nhiều vật nuôi khác. Đồng thời, đây cũng được xem là “đòn bẩy” quan trọng trong công tác giảm nghèo tại địa phương.

Mỗi hộ dân được hỗ trợ 220.000 đồng cho một ngày công chăm sóc.

Mỗi hộ dân được hỗ trợ 220.000 đồng cho một ngày công chăm sóc.

Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phú Lương cho biết: Dự án tài trợ và cho vay con giống giúp người dân cùng chăn nuôi phát triển kinh tế do Quỹ Thiện Tâm tài trợ được đánh giá cao, có ý nghĩa rất to lớn nhằm giảm tỷ lệ nghèo ở một số xã, xóm có đông người đồng bào dân tộc sinh sống.

Đây vừa là tài sản, vừa là tư liệu sản xuất để các hộ nghèo phát triển kinh tế vươn lên thoát nghèo, đồng thời là động lực, sự động viên hỗ trợ lớn lao về mặt tinh thần, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước và của cộng đồng với các hộ dân có hoàn cảnh khó khăn.

Để dự án được triển khai có hiệu quả, đảm bảo đúng tiến độ và chất lượng, phòng Nông nghiệp huyện cũng phối hợp với UBND xã Động Đạt để tổ chức các lớp tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi, vỗ béo trâu, bò, cách thiết kế chuồng trại, chế độ dinh dưỡng với khẩu phần ăn hợp lý, công tác vệ sinh, phòng bệnh trong chăn nuôi, không để dịch bệnh xảy ra.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.