Theo đó, Bộ đề nghị các sở GD&ĐT đặc biệt lưu ý nhà trường xây dựng kế hoạch giáo dục thực hiện chương trình lớp 1 theo hướng phân bổ hợp lý về nội dung và thời lượng dạy học giữa các môn học, hoạt động giáo dục để không gây quá tải về nội dung và thời lượng, đáp ứng yêu cầu triển khai thực hiện chương trình mới được xây dựng theo hướng mở; giúp học sinh hoàn thành nhiệm vụ học tập ngay tại lớp học, không giao thêm bài tập về nhà cho học sinh.
Sở dĩ cấp quản lý tăng cường chỉ đạo là do trong thực tế, sau một tháng triển khai dạy học chương trình lớp 1 mới, một số nơi vẫn gặp khó khăn trong quá trình tổ chức dạy học, đặc biệt là với sách giáo khoa Tiếng Việt. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến những khó khăn này. Về mặt khách quan, khác với các năm trước, đa số học sinh lớp 1 được học đầy đủ chương trình mẫu giáo 5-6 tuổi, thì năm qua, trong bối cảnh nghỉ học phòng dịch Covid-19, nhiều em không được học trọn vẹn, chưa có điều kiện làm quen với con chữ trước khi vào lớp 1. Không được tựu trường sớm trước gần 2 tuần để có thời gian làm quen như trước đây, trẻ lớp 1 năm học này đến trường là bắt đầu ngay bài học đầu tiên, cũng khó tránh khỏi áp lực. Ở những nơi có sĩ số đông, hay nhiều học sinh người dân tộc, khó khăn trong tổ chức dạy học càng tăng.
Bên cạnh những khó khăn do khách quan mang lại, bản thân đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên lớp 1 cũng chưa có sự đồng đều về chất lượng, mức độ nhận thức, năng lực đổi mới khác nhau. Thực tế vẫn còn một số thầy cô chưa nắm vững tinh thần chương trình mới. Tâm lý nôn nóng muốn trò học nhanh, học tốt, cũng có người đã bỏ qua những quy định, hướng dẫn, chẳng hạn như quy định không giao thêm bài tập về nhà cho học sinh được Bộ GD&ĐT ban hành từ năm 2016 nhưng một số giáo viên vẫn thực hiện. Tinh thần chương trình mới là giao quyền chủ động cho giáo viên, tùy vào mức độ tiếp nhận của học sinh, thầy cô sẽ điều chỉnh kế hoạch dạy học, nội dung bài dạy cho phù hợp. Thế nhưng một số giáo viên vẫn chưa đủ tự tin để thực hiện quyền của mình trong giảng dạy, cứ chạy theo thời lượng số tiết học một cách cứng nhắc. Trong khi đó, không ít phụ huynh chưa hiểu về chương trình, SGK mới nên có những phương pháp hỗ trợ, hướng dẫn con học tập không phù hợp, gây áp lực lên trẻ và áp lực cho chính mình.
Khó khăn trong những ngày đầu thực hiện Chương trình, SGK mới là không thể tránh khỏi. Nhưng nói như ông Trần Văn Hòa, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Thanh Hóa: “Lớp 1 là nền, là tảng, nếu nền không xong, tảng không vững thì xây ngôi nhà giáo dục được vài lớp là sụp đổ. Do vậy, trận này là phải thắng”. Để thắng trận này, bên cạnh đẩy mạnh phân cấp quản lý, tăng quyền tự chủ trong việc thực hiện kế hoạch giáo dục, đi đôi với nâng cao năng lực quản trị nhà trường, gắn với trách nhiệm người đứng đầu cơ sở giáo dục, công tác chỉ đạo, hướng dẫn, đồng hành hỗ trợ cho giáo viên, nhất các thầy cô ở vùng khó khăn, nơi chưa có điều kiện dạy học 2 buổi rất quan trọng.
Đặc biệt, việc phối hợp giữa gia đình và nhà trường trong thực hiện đổi mới giáo dục là hết sức cần thiết. Dân thông thì không có việc gì khó. Khi giáo viên tự tin nắm vững chương trình, phương pháp, lại tăng cường trao đổi với phụ huynh, giúp phụ huynh tìm hiểu về thời lượng, nội dung, mục tiêu giáo dục của từng bài học để phối hợp nhịp nhàng với nội dung giảng dạy trên lớp, chắc chắn sẽ tạo nên cộng hưởng tích cực đến việc học tập của trẻ, từ đó góp phần thực hiện thành công dạy học chương trình lớp 1.