Cho trẻ học trước chương trình lớp 1: Lợi bất cập hại

GD&TĐ - Dù Bộ GD&ĐT đã có chỉ thị chấn chỉnh tình trạng dạy học trước chương trình lớp 1 cho trẻ với nội dung cụ thể là không yêu cầu trẻ tập viết, tập tô chữ và điều kiện tuyển sinh vào lớp 1 của các trường công lập cũng không yêu cầu trình độ mà chỉ xem xét hồ sơ và độ tuổi của trẻ. Thế nhưng, “cơn sốt” cho con học trước chương trình lớp 1 của phụ huynh vẫn chưa hề hạ nhiệt…

Cho trẻ học trước chương trình lớp 1: Lợi bất cập hại

Thương con hay hành con?

Dù anh Đức Quang (65 - phố Trần Hưng Đạo - Hà Nội) có can gián thế nào thì chị Hồng vợ anh vẫn quyết tâm đăng ký cho con đi tập viết, tập đọc trước khi vào lớp 1. Làm việc trong một tổ chức quốc tế nên chị Hồng Điệp không thể về sớm đi đón con rồi đưa đến lớp học thêm của cô giáo được. Thế nên ngay từ đầu tháng Tư đến giờ, anh Quang chiều nào cũng làm cuộc chạy xô trên đường. Đón cậu con trai học lớp 4 và cô con gái sắp “tốt nghiệp” mẫu giáo về nhà, cho con gái ăn vội vàng thứ gì đó rồi chở đến nhà cô giáo.

“Mình cứ đinh ninh đã là chủ trương thì các nhà trường và các bậc phụ huynh đều được quán triệt và tuân thủ. Thế nên, mấy năm trước, mình không cho con đầu là cháu Việt Anh học trước chương trình lớp 1, chỉ tập trung rèn các kỹ năng sống cho con, cho con đi học tiếng Anh và trải nghiệm nhiều hoạt động để chuẩn bị tâm thế cho con vào lớp 1 vững vàng… Cứ tưởng như vậy là quá ổn rồi. Con thông minh, hồ hởi và tiếp thu mọi thứ dễ dàng. Ai ngờ, chỉ vì kỹ năng đọc và viết của con không thành thục như các bạn đã được học trước, mà cô giáo lớp 1 nhận xét về con khiến mình điếng người. Cái câu: “Con có vấn đề” và gợi ý của cô “nên cho con đi gặp bác sĩ” ám ảnh mình và khiến cả nhà mình vừa lo lắng vừa vô cùng bức xúc. Mình đã định chuyển trường cho con khi thấy con đang từ một đứa trẻ nhanh nhẹn, vui vẻ, ham học chuyển sang khó hòa đồng, ủ ê, không thích đi học...” - chị Hồng Điệp chia sẻ.

Chuyện khúc mắc đã qua, cậu bé Việt Anh vẫn luôn đạt danh hiệu học sinh giỏi… nhưng “nỗi sợ” thì chị Hồng Điệp không thể nào quên được. Năm nay, con gái lại vào học ở ngôi trường của anh nó. Dù biết khả năng tập trung, sức tiếp thu của con gái khá nổi trội nhưng đề phòng bất trắc, chị đành hỏi cô giáo tìm lớp cho con gái đến học ở nhà cô một tuần 3 buổi chiều tối ngay từ đầu tháng Tư.

Ai dũng cảm đổi thay?

Trước sự thật hiển nhiên là không có qui định nào bắt buộc trẻ  phải biết chữ và biết làm Toán trước khi vào trường tiểu học. Nhưng cũng không có qui định bắt buộc nào qui định là trẻ không được biết đọc, biết viết trước khi vào trường cả. Thế nên, cái tâm lý sợ con mình thua kém các bạn, sợ con mình bị cô giáo… ghét vì tiếp thu chậm, vì kỹ năng tính toán chưa thành thạo, đã chi phối điều khiển các bậc phụ huynh.

Nỗi sợ khiến họ quên mất cả nhiệm vụ của các giáo viên lớp 1 là dạy cho các con những kiến thức cơ bản, ban đầu là biết đọc biết viết. Họ sẵn sàng tước đoạt cả mùa hè của con, tự nguyện gánh đỡ nhiệm vụ của các cô giáo lớp 1…và phớt lờ luôn cả qui định, tiếp tay cho việc dạy thêm học thêm trá hình đang diễn ra phổ biến và công khai.

Nhìn nhận vấn đề này, chuyên gia tâm lý Phạm Hiền (Trung tâm Đào tạo Kỹ năng sống Wedo-Wegood) chia sẻ: Các bố mẹ Việt hiện nay mắc bệnh tâm lý hoang mang quá nhiều, bị tâm lý đám đông tác động và đưa dắt, không dám bảo vệ chính kiến của mình. Lo gần rồi lo xa. Cho con học trước như là bỏ tiền ra mua một sự yên tâm. Bệnh thành tích “muốn con mình không thua bạn kém bè”, muốn “con mình phải giỏi giang hơn” đã tạo áp lực lên chính những đứa trẻ ngay từ trong gia đình, lây lan thành căn bệnh xã hội, cộng hưởng với căn bệnh thành tích của các nhà trường lại dội ngược xấu vào những đứa trẻ. Không gian chơi ngày càng bó hẹp, thời gian chơi ít dần nhường chỗ cho học thêm… Thế là, đôi vai nhỏ bé của các con nặng trĩu kỳ vọng của người lớn…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ