Tâm sự chuyện tình yêu của một cô gái đang là chủ đề khiến dân mạng tranh cãi trên diễn đàn NEU Confession.
Câu chuyện như sau:
“Các bạn nghĩ gì về hôn nhân lệch học vấn.
Tôi K52 NEU ra trường cũng được 4 năm rồi. Tôi thuộc kiểu con gái không quá xinh nhưng ưa nhìn, hiểu chuyện và chăm chỉ. Năm 2010 đỗ đại học. Tôi chân ướt chân ráo ra Hà Nội học lúc ấy thật sự rất khó khăn vì nhà tôi cũng nghèo lại còn có 1 em gái nhỏ. Cuộc sống sinh viên xa nhà thiếu thốn đủ bề rồi cô đơn. Thế rồi tôi gặp anh người yêu hiện tại của tôi bây giờ. Anh gần nhà tôi bằng tuổi học cùng từ cấp 1 đến hết cấp 2 thì do hoàn cảnh cả học lực yếu anh nghỉ ở nhà phụ bố mẹ đến năm 18 ra Hà Nội làm thuê.
Duyên số thế nào anh lại làm ở gần xóm tôi trọ nên vô tình gặp lại tôi. Lúc gặp nhau thật là vui vì có người cùng quê lại biết nhau từ bé nên chẳng mấy tôi và anh thân thiết với nhau như hình với bóng. Hết năm nhất anh ngỏ lời yêu tôi, tôi liền đồng ý ngay vì tôi cũng yêu anh mất rồi. Anh rất tốt hiền lành và chăm chỉ, đi làm bao giờ cũng dành dụm tiền gửi về cho bố mẹ, biết nhà tôi cũng rất khó khăn anh tháng nào cũng trả giúp tôi tiền trọ điện nước và mỗi kỳ đóng học cho tôi.
Tôi thật sự rất cảm kích và càng yêu anh nhiều hơn mặc dù anh chỉ làm công nhân. Năm 2014, tôi ra trường với bằng giỏi, mất 1 năm tôi cũng xin vào được 1 công ty nước ngoài lớn với mức lương xứng đáng với bằng cấp và học thức của mình. Từ lúc đó tôi mới nhận ra những khó khăn trong chuyện tình cảm của mình.
Vào làm công ty tôi như bước vào 1 thế giới mới, ở đó là những người bằng cấp học thức khả năng kiếm tiền không giới hạn, bây giờ khi anh vẫn đang làm công nhân với mức lương 7 triệu tôi đã có thể kiếm đc gấp 4 lần như thế. Tôi đã phải suy nghĩ, ở công ty có rất nhiều người ngỏ ý theo đuổi tôi mà so với họ anh thật sự thua kém quá nhiều.
Tôi đã 26 không còn ở tuổi sinh viên mộng mơ nữa. Tôi cần thực tế là người chồng sau này phải kiếm được nhiều tiền hơn tôi để lo cho tôi cuộc sống hạnh phúc và bố mẹ tôi thoát được cái nghèo. Tôi không thể đưa chồng mình là 1 anh công nhân học hết cấp 2 đi gặp mặt những cử nhân, thạc sĩ, trưởng phòng, giám đốc được. Hôm qua tôi đã nói với anh tất cả, anh rất sốc. Anh đã khóc ngay trước mặt tôi và nói xin lỗi vì anh không tài giỏi như người ta để đem được hạnh phúc cho tôi và mong tôi tìm được người thật tốt. Giờ ngồi đây lòng tôi đau như cắt nhưng tôi nghĩ quyết định của mình là tốt nhất cho cả tôi và anh”.
Dưới những dòng tâm sự này, dân mạng rần rần bàn tán, bình luận.
Facebooker Tạ Giang viết: “Nếu anh không học thức nhưng nhà anh giàu thì chị đã nghĩ khác rồi. Học thức hay không cũng chỉ là ngụy biện thôi người phụ nữ ích kỉ à. Trả lại thanh xuân cho người ta đi”.
Ngô Thị Hồng Hoa bình luận: “Nên nhớ anh là người giúp bạn lúc bạn khó khăn, không có anh liệu bạn có học được hết đại học không? Liệu bạn có ra trường với cái bằng giỏi và đi làm công ty nước ngoài thế này không? Tham lam vừa thôi không sẽ quay lại ngày xưa đấy”.
Phan Thu Hiền viết: “Quyết định của chị là hợp lý. Lúc còn trẻ, thứ người ra có là tình yêu, ngoài ra không chắc có thêm điều gì, nhưng khi đến một thời điểm nào đó, người ta cần thật nhiều, thêm vào một chút tình yêu. Hai người chia tay trong thấu hiểu vậy là được rồi”.
Minh Nhật nhận xét: “Vấn đề vẫn là thực dụng và mê tiền thôi. Anh chàng mặc dù đi làm nhưng vẫn giúp cô gái từ những lúc khó khăn. Vậy tại sao khi cô gái đã có điều kiện được như vậy rồi thì lại không giúp chàng trai thành đạt. Cũng bởi tình cảm dành cho nhau không bằng đồng tiền ở trước mắt. Mà thôi, quyết định ở người ta”.
Nguyễn Thùy Linh: “Chị yêu anh ấy nhiều nhưng chị càng yêu cái sĩ diện của chị hơn. Vượt qua cái nghèo bằng cách dẫm đạp lên người đã hi sinh và cùng chị vượt qua năm tháng khổ cực”.
Hằng Nga: “Lệch học vấn làm sao bằng lệch nhân cách được. Người ta ít học nhưng nhân cách người ta cao”.
Phương Thảo Lê: “Sao lúc chưa ra trường, lúc anh kia đóng tiền học tiền trọ này nọ cho thì không nói gì? Có thể học vấn và thu nhập của anh ấy không bằng chị, nhưng nhân cách anh ấy hơn chị gấp ngàn lần. Nói chung là chị không xứng với anh ấy, chia tay cho anh ấy tìm được người con gái xứng đáng hơn thôi. Còn chị thì tốt thôi, kiếm lấy ông thạc sỹ, tiến sỹ mà yêu cho xứng với chị, cho nở mày nở mặt”.
Nguyễn Thành Tâm lại có quan điểm khác: “Ai cũng mắng bạn thớt. Nhưng mình cũng nghĩ thử xem. Trình độ chênh lệch sẽ rất khó có điểm chung để nói chuyện dù yêu nhau. Con trai phải có trình độ cao hơn thì mới làm con gái phục được. Hơn nữa mỗi nguời một tư duy khiến cho hai người có một khoảng cách khi nói chuyện cũng như trong cuộc sống. Tôi không ủng hộ bạn gái nhưng cũng không nên quá gay gắt với bạn ấy”.
Phạm Đức viết: “Cái đúng cái sai ở đây thật khó để phân biệt rạch ròi. Yêu nhau là một chuyện, đến được với nhau là chuyện khác. Cái sai của chị không nằm ở chỗ chị muốn một người chồng học thức, mà cái sai của chị là không nhận ra điều đó sớm hơn, để cả 2 không lấy đi của nhau những thanh xuân và hi vọng. Cái giá phải trả cho sự lựa chọn là quá lớn, mà ở đó không chỉ nằm ở tình yêu, nó còn nằm ở tình nghĩa”.
Hoài Giang suy nghĩ xa hơn: “Đến tận bây giờ mình vẫn thực sự thấy buồn cười bởi suy nghĩ của bố mẹ và đa số các cô gái hiện nay: lấy chồng để dựa vào chồng, để chồng lo cho mình... Vậy, trước giờ một mình mình không tự lo được à? Chẳng lẽ phấn đấu mấy chục năm cuộc đời có đầu óc có bằng cấp lại đành kết thúc cuộc đời mình bằng cách dựa vào người khác?
Chắc chắn một điều nếu lấy được chồng có điều kiện hơn thì vấn đề kinh tế cũng bớt lo ngại hơn. Nhưng với mức thu nhập mà bạn có thì thừa sức có thể trích ra chi tiêu mà vẫn có khoản tiết kiệm. Hãy nghĩ đến lúc trước, khi bạn không có tiền, người yêu bạn có tính toán như bạn bây giờ không? Hay người yêu bạn nghĩ rằng yêu một cô sinh viên đại học sẽ có tương lai?”.