Vất vả sinh viên nữ làm mẹ

Vất vả sinh viên nữ làm mẹ

(GD&TĐ) - Thập niên 90 đổ về trước, các “đối tượng” nữ sinh viên sinh con khi đang còn “cắp sách tới giảng đường” phần lớn đều là những cán bộ được cơ quan cử đi học. Thế nhưng, những năm gần đây, tại một số trường ĐH, CĐ, Học viện có không ít sinh viên đang học năm thứ 2, thứ 3 đã làm mẹ. Đang đi học, chưa có nghề nghiệp ổn định, sống dựa hoàn toàn vào gia đình nội ngoại nên cuộc sống của họ khá vất vả.

Sinh viên làm mẹ 

Thường thì vào năm thứ nhất, chỉ số ít sinh viên mải mê chuyện kiếm tìm người yêu, còn lại đa số vẫn ngoan, hiền, ngại tiếp xúc với mọi người, chú tâm chuyện học hành. Nhưng bước sang năm thứ hai trở đi, nhất là từ năm thứ ba, để lo tương lai bám trụ thành phố, không muốn quay trở về quê nghèo làm việc, các sinh viên nữ ngoại tỉnh nhanh chóng tìm kiếm một nửa của mình.

Khi được cậu ấm nhà giàu ngỏ ý, thậm chí kể cả “cậu ấm” nhà không giàu nơi thành phố, miễn có nhà cửa ổn định, có nghề nghiệp ổn định, hình thức tàm tạm là họ dễ dàng chấp nhận lên xe hoa về nhà chồng khi chưa tốt nghiệp ĐH. Vậy là vừa đi học, chưa có nghề nghiệp tương lai, những nữ sinh ấy vừa phải lo chuyện chăm chồng, chăm con.

Quê ở Thanh Hóa, bố mẹ mới ngoài 40 tuổi nhưng T.T, nữ sinh viên Trường ĐH Văn hóa (Hà Nội) chấp nhận lấy người chồng chỉ kém bố mẹ có 10 tuổi, nhà ở Cầu Diễn. Cơ duyên nên nghĩa vợ chồng của họ cũng rất đơn giản. Bước sang năm học thứ 2, để có thêm tiền chi tiêu cho bản thân và giảm bớt gánh nặng cho bố mẹ, T.T xin vào bán hàng cho cửa hàng giải khát gần Trường ĐH Thương mại. 

Có nước da trắng trẻo, ăn nói khéo léo, T.T lọt vào tầm ngắm ông chủ. Bố mẹ can ngăn mãi cũng không được bởi mong muốn con gái học xong ĐH hãy lo chuyện chồng con, hơn nữa tuổi con rể tương lai chênh con gái rượu đến hơn một con giáp, chênh lệch học vấn, cuối cùng họ cũng chấp nhận tổ chức đám cưới. Vậy là, sáng đi học, chiều T. về phụ giúp quản lý quán giải khát cùng chồng. 

Cưới đầu năm, cuối năm đứa con trai đầu lòng ra đời. Tiếp đó chưa kịp tốt nghiệp, T. đã sinh luôn con trai thứ hai. Từ ngày con gái sinh con, bà ngoại sinh năm 1965 đành chấp nhận rời quê Thanh Hóa, phó mặc việc nhà cho chồng, ra hẳn Hà Nội trông cháu ngoại. Đứa lớn được hơn một tuổi, ngày ngày vợ chồng T. mang con gửi bà nội, đứa bé giao hẳn cho bà ngoại. Vừa đi làm, vừa học, hai con đang tuổi chăm bẵm, không trụ nổi, T. chấp nhận bỏ, về chuyên tâm bán hàng cùng chồng để có tiền lo cho cuộc sống gia đình.

SV cần thời gian học tập hơn là sớm phải chăm lo việc gia đình (Ảnh minh họa)
SV cần thời gian học tập hơn là sớm phải chăm lo việc gia đình (Ảnh minh họa)
 

Những hệ lụy

Chuyện nữ sinh viên sinh con khi chưa tốt nghiệp không còn là chuyện hiếm hoi. Một số trường ĐH ở Hà Nội, những năm qua năm nào cũng có sinh viên làm mẹ. Nhiều nữ sinh khệ nệ vác bụng bầu đến lớp. Các bạn trong lớp phải bao che, xin phép cho nghỉ học với đủ loại lý do. Thầy cô thương tình cũng châm chước bỏ qua.

Là sinh viên năm thứ 2 trường báo chí, Thu Minh tâm sự: “Lớp em đang có bạn sắp sinh con. Đợt ốm nghén còn phải bảo lưu kết quả, xin thi lại một số môn học. Còn một chị khác ở trong trường sinh con được một tuần, chẳng kiêng khem gì vì phải đến trường thi hết môn. Em nhìn mà thấy sợ”. Tuy nhiên, khi nhiều bạn ra trường lo kiếm việc, thuê chỗ ở để bám trụ thì những nữ sinh vội lấy chồng cuộc sống có phần ổn định hơn.

Vừa đi học, vừa lo chuyện chồng con, nữ sinh phải đối mặt với muôn vàn khó khăn. Con ốm con đau, chưa đi làm, không có thu nhập ổn định, họ hoàn toàn sống dựa vào chu cấp của bố mẹ hai bên gia đình. Nếu bố mẹ khá giả thì được nương tựa phần nào kinh tế. Ngược lại, bố mẹ nghèo với họ khó khăn chồng chất khó khăn, hoàn toàn lệ thuộc vào chồng, nhất là kể từ khi tổ ấm gia đình có thêm thành viên chào đời.

Đã vậy, có con nên nhiều chi phí phát sinh. Những bà mẹ sinh viên tuổi đôi mươi không thể lường trước được. Một số không chịu nổi vất vả, đứt luôn chuyện học hành, chấp nhận lo tròn vai trò làm mẹ, cùng chồng bươn trải kiếm tiền chi tiêu cho cuộc sống.

Nhớ lại thời sinh viên đã qua, chị Mai Anh cho biết: “Khóa mình cũng có bạn sinh viên T.H. lấy chồng cùng dân sinh viên. Tất cả đều vì lỡ làng ăn cơm trước kẻng. Học kỳ cuối cùng cả khóa đi thực tập thì T.H. sinh con. Cả nhóm thực tập phải phân công nhau làm giúp, chia sẻ sản phẩm thực tập cùng bạn. Song, do cả hai vợ chồng không nghề ngỗng, bố mẹ già ở quê làm ruộng nên cả hai phải vừa đi học, vừa đi làm thêm để có tiền chăm con. Cũng có hôm trả tiền trọ, tiền điện, tiền nước… hết tiền, họ đành nuôi con bằng sữa “Ông Thọ”.

Quanh khu nhà tái định cư Dịch Vọng – Cầu Giấy – Hà Nội ai cũng lắc đầu ngao ngán ngày ngày nhìn cảnh bà ngoại tay bế đứa bé, tay dắt đứa lớn, đầu tắt mặt tối quanh chuyện cả ngày giúp con trông cháu. Thương cháu, lại tiếc tiền thuê ô sin 4 triệu/tháng, bà ngoại bỏ quê lên thành phố để yên tâm giúp con trông hai đứa cháu. Bởi nếu không trợ giúp, con gái của chị sẽ phải dở dang chuyện học năm cuối ĐH.

Sinh viên nữ sinh con không còn là chuyện hiếm. Tuy nhiên, nếu không cân nhắc kỹ, vừa đi học vừa phải lo chuyện chồng con, các nữ sinh sẽ gặp nhiều vất vả.

Hoàng Linh

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Đàn bà cô đơn nhất khi nào?

Đàn bà cô đơn nhất khi nào?

GD&TĐ - Không phải khi độc thân, cũng chẳng phải lúc thất tình… Phụ nữ cô đơn nhất chính là khi ở trong một mái nhà mà không tìm được cảm giác ấm áp.