Đảm bảo an toàn tuyệt đối cho sinh viên tình nguyện

GD&TĐ - Sự cố 3 nữ SV Trường ĐH Ngoại thương Hà Nội bị lũ cuốn khi đang tham gia hoạt động tình nguyện tại Quảng Ninh không chỉ là nỗi đau riêng của gia đình các em mà còn khiến dư luận bàng hoàng, đau xót.

Đảm bảo an toàn tuyệt đối cho sinh viên tình nguyện

Đáng nói hơn, đây không phải là lần đầu tiên xảy ra điều đáng tiếc này đối với sinh viên tình nguyện (SVTN). Trước sự việc này, câu hỏi về trách nhiệm của đơn vị tổ chức, về việc quản lý các hoạt động SVTN, nguy cơ mất an toàn đối với các tình nguyện viên… lại được đặt ra. Anh Nguyễn Mạnh Dũng, Bí thư Thường trực BCH Trung ương Đoàn đã có cuộc trao đổi nhanh với báo chí xung quanh vấn đề này.

Nhiều sơ suất trong tổ chức, quản lý

Nhìn lại tai nạn đau lòng vừa xảy ra, anh Nguyễn Mạnh Dũng cho biết, đây là một sự cố rất đáng tiếc, bởi lẽ ngay từ khi phát động phong trào thanh niên tình nguyện, Trung ương Đoàn đã đặt ra những tiêu chí hàng đầu, đó là phải thiết thực, hiệu quả và an toàn. Trước khi ra quân, các đơn vị tổ chức đều phải tổ chức tập huấn các kỹ năng cho các tình nguyện viên, trong đó, vấn đề đảm bảo an toàn cho các tình nguyện viên luôn được nhắc đi, nhắc lại nhiều lần.

Thế nhưng, do hoạt động tình nguyện được mở rộng, số lượng sinh viên tham gia đông nên một số nơi, một số cấp bộ Đoàn còn những sơ sót trong khâu tổ chức, quản lý các hoạt động tình nguyện, các hoạt động tập huấn có thể chưa được làm tốt như mong muốn.

Anh Nguyễn Mạnh Dũng nhận định: Sự cố xảy ra cho thấy hoạt động sinh viên tình nguyện (SVTN) phải được tổ chức chu đáo hơn, từ khâu khảo sát địa bàn nơi đến, hành trình cụ thể của tình nguyện viên, kết hợp với những thông tin cập nhật về thời tiết. Đặc biệt, cần phải có sự phối hợp chặt chẽ hơn giữa SVTN và các đoàn viên, thanh niên địa phương, nhất là khi nơi đến là các địa bàn vùng sâu, vùng xa, rừng núi sông suối hiểm trở, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Đây là yếu tố rất quan trọng trong việc đảm bảo an toàn cho sinh viên. Bên cạnh đó, cần phải có sự trang bị kỹ năng sống tốt hơn nữa cho các SVTN.

“Không chỉ cần có sức khỏe, các tình nguyện viên còn cần có ý thức tổ chức kỷ luật tốt và ý thức về đảm bảo an toàn cho bản thân. Thống kê từ các năm cho thấy, những rủi ro dẫn đến thương tích, thiệt mạng cho SVTN chủ yếu là tai nạn giao thông, đuối nước. Vì vậy, trang bị kiến thức, cảnh báo những nguy cơ rủi ro này cần phải được làm quyết liệt hơn”, anh Nguyễn Mạnh Dũng nhấn mạnh.

Bài học đắt giá

Cũng theo Bí thư Thường trực BCH Trung ương Đoàn, sự cố xảy ra là một bài học đắt giá cho những người làm công tác Đoàn, lãnh đạo các trường học cũng như cho chính các SVTN.

“Vấn đề ở đây là cần chấn chỉnh, siết chặt hơn công tác tổ chức cho SVTN. Hoạt động SVTN của một số đơn vị có thể tạm dừng ít ngày để rà soát chấn chỉnh. Trong ngày 4/7, Thành đoàn Hà Nội đã tập hợp các Bí thư Đoàn cơ sở để chấn chỉnh về công tác đảm bảo an toàn cho SVTN”, anh Nguyễn Mạnh Dũng nêu rõ, đồng thời lưu ý các địa phương có số lượng SVTN đông như TPHCM, Đà Nẵng, Thái Nguyên… cũng phải tổ chức chấn chỉnh ngay về công tác đảm bảo an toàn, tuyệt đối không để xảy ra những sự cố đáng tiếc ảnh hưởng đến sinh mạng của tình nguyện viên.

Được biết ngay sau khi sự việc xảy ra, BCH Trung ương Đoàn đã họp đột xuất, trao đổi và ban hành Công văn về việc tăng cường đảm bảo an toàn cho các đội hình thực hiện chiến dịch Thanh niên tình nguyện Hè 2016. Theo đó, để tăng cường bảo đảm an toàn cho các đội hình thanh niên, SVTN tham gia thực hiện chiến dịch Thanh niên tình nguyện Hè 2016, Ban Bí thư Trung ương Đoàn đề nghị các tỉnh, Thành đoàn, đoàn trực thuộc nghiêm túc triển khai một số nội dung.

Trong đó, rà soát các đội hình thanh niên tình nguyện đang hoạt động tại địa phương; nắm rõ số lượng, thành phần, thời gian, địa bàn, nội dung và phương thức hoạt động của các đội hình. Đồng thời, báo cáo cấp ủy, chính quyền về các hoạt động tình nguyện; chỉ đạo Đoàn Thanh niên địa phương phối hợp với tổ chức Đoàn nơi cử các đội hình đi tình nguyện, giữ mối liên hệ chặt chẽ với người phụ trách, quán triệt các tình nguyện viên nêu cao ý thức chấp hành kỷ luật trong quá trình tình nguyện để tránh những tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra.

Bên cạnh đó, đảm bảo an toàn tuyệt đối về người và tài sản cho các đội hình tình nguyện, trong đó tập trung: An toàn giao thông khi đi lại, không sinh hoạt ở các địa điểm nguy hiểm: Gần sông, suối, ao, hồ, vách núi… và trong điều kiện thời tiết xấu (mưa giông, lũ quét...).

Theo đại diện BCH Trung ương Đoàn, tháng 7 là tháng cao điểm SVTN, các hoạt động tình nguyện sẽ tiếp tục diễn ra bình thường, tiếp tục đóng góp tích cực vào giải quyết các vấn đề an sinh xã hội cho cộng đồng, đồng thời là cơ hội rèn luyện, trưởng thành cho đoàn viên, thanh niên, SV.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ