Dạy con cách quản lý tài chính, chi tiêu không lãng phí

GD&TĐ - Dạy con quản lý tài chính được coi là cách giáo dục thông minh mà cha mẹ nên triển khai sớm. 

Phụ huynh nên giáo dục trẻ hiểu rằng, tiền bạc không tự nhiên có, mà phải được tạo ra thông qua công việc hay nỗ lực. Ảnh minh họa.
Phụ huynh nên giáo dục trẻ hiểu rằng, tiền bạc không tự nhiên có, mà phải được tạo ra thông qua công việc hay nỗ lực. Ảnh minh họa.

Điều đó giúp trẻ hiểu được giá trị của đồng tiền, cũng như có ý thức tiết kiệm, tránh chi tiêu hoang phí về sau.

Khi trẻ từ khoảng 7 - 8 tuổi, cha mẹ có thể cho con biết một tháng phụ huynh kiếm được bao nhiêu tiền, các khoản chi tiêu cần bao nhiêu. Phụ huynh nên cho trẻ quyền được biết về kinh tế và cách làm sao để cân đối chi tiêu.

Nhận thức giá trị của đồng tiền

Giáo dục con chưa bao giờ là dễ dàng đối với hầu hết phụ huynh. Nếu không biết cách, cha mẹ sẽ vô tình khiến trẻ hình thành những thói quen không tốt, gây ảnh hưởng đến sự phát triển của con. Một trong những điều cha mẹ cần chú ý giáo dục sớm cho trẻ là quản lý tài chính.

Khi nói về vấn đề dạy con cách quản lý tài chính, nhiều cha mẹ quan niệm rằng, trẻ chưa biết gì nên không cần thiết phải chú trọng đến việc giáo dục. Tuy nhiên, theo một nghiên cứu của Đại học Cambridge (Anh), thói quen tài chính của trẻ bắt đầu hình thành khi 7 tuổi. Đó là lời nhắc rằng, cha mẹ nên xây dựng, vun đắp cho con sự thông minh về tiền bạc ngay từ thời điểm này.

Bởi vậy, các phụ huynh nên đề cao và có cách giáo dục sớm về tiền bạc. Từ đó, giúp trẻ định hình đúng vai trò, hiểu được giá trị mà đồng tiền mang lại và biết quản lý tài chính. Bài học đầu đời về quản lý tài chính sẽ giúp trẻ nhận thức về tiền bạc, sử dụng có trách nhiệm và thông minh.

Theo các chuyên gia, trước tiên, phụ huynh nên giáo dục trẻ hiểu rằng, tiền bạc không tự nhiên có, mà phải được tạo ra thông qua công việc hay nỗ lực. Khi trẻ bắt đầu nhận thức được giá trị của tiền, các em sẽ học cách sử dụng đúng đắn. Cha mẹ có thể dạy con bằng cách trả công cho những việc nhỏ, từ đó tạo động lực cho trẻ.

Năm 2023, một ông bố tại tỉnh Sơn Đông (Trung Quốc) đã chia sẻ lên mạng xã hội câu chuyện dạy con trai 10 tuổi quản lý tiền bạc và kiếm được 1.570 NDT (khoảng 5,3 triệu đồng). Rất nhiều phụ huynh sau khi đọc xong câu chuyện đã dành lời khen ngợi và xin sự tư vấn từ ông bố này.

Theo đó, người bố chia sẻ vợ chồng anh thường xuyên thưởng cho con 10 NDT (35 nghìn đồng) sau mỗi lần dọn dẹp nhà cửa. Số tiền không lớn nhưng giúp con biết trân trọng sức lao động. Ngoài ra, khi con đạt giải thưởng trong các cuộc thi trong trường, anh sẽ thưởng cho con 50 NDT (khoảng 180 nghìn đồng).

Đặc biệt, phương pháp quản lý tiền tiết kiệm sẽ gồm chiếc túi nhỏ và một cuốn sổ. Người bố hướng dẫn con mình lập ra 2 cột thu - chi rõ ràng. Bên cột thu ghi lại số tiền thưởng, tiền được người thân tặng. Cột còn lại liệt kê các khoản đã chi tiêu trong mức cho phép. Ngoài ra, anh còn giao hẹn với con cứ tích lũy đủ 100 NDT (khoảng 340 nghìn đồng) sẽ được thưởng 10 NDT (35 nghìn đồng).

Trước phương pháp của người bố, cậu bé tỏ ra khá hào hứng, thích thú. Sau 1 năm, cậu đã sở hữu 1.570 NDT (khoảng 5,3 triệu đồng) đầu tiên trong cuộc đời. Cậu đã rất hạnh phúc và còn đặt ra quyết tâm trong năm tới sẽ tiết kiệm số tiền gấp đôi, gấp ba lần.

Người bố chia sẻ: “Điều quan trọng nhất mà con thay đổi là không còn tiêu tiền hoang phí, hiểu được đồng tiền rất khó kiếm. Giờ mỗi khi đến siêu thị, con nhìn những món đồ chơi đắt tiền sẽ không còn vòi vĩnh. Con sẽ suy nghĩ cách thức mua hàng giá rẻ như đợi đến đợt hạ giá”.

day-con-cach-quan-ly-tai-chinh-2.jpg
Thói quen tài chính của trẻ bắt đầu hình thành khi 7 tuổi. Ảnh minh họa.

Cho trẻ biết về tình hình tài chính của gia đình

Thực tế, nhiều cha mẹ chỉ quan tâm đến điểm số, thành tích học tập của con, mà bỏ qua việc giáo dục tài chính cho trẻ. Nhà tỷ phú Warren Buffett từng chia sẻ: “Trẻ em không thể sống mà không tiêu tiền. Vì thế, các cha mẹ nên trau dồi nhận thức cho con về vấn đề tài chính càng sớm càng tốt”.

Trong cuốn sách “Cha giàu, cha nghèo”, tác giả Robert Kiyosaki từng viết: “Chừng nào trẻ có hứng thú với tiền thì đó là thời điểm thích hợp để các cha mẹ dạy con cách quản lý tiền”.

Việc giáo dục tài chính cho trẻ không chỉ mới được quan tâm gần đây. Thực tế, ở các nước phát triển trên thế giới như Israel, đã có nhiều chuyên gia nổi tiếng giảng dạy về chủ đề tài chính. Đặc biệt là tại đất nước của dân tộc Do Thái này, người ta còn dùng đồng tiền chạm nhau tạo ra tiếng kêu “leng keng” để chào đón một đứa trẻ ra đời.

Ngay từ khi lên 3, những đứa bé ở đây sẽ được giáo dục tài chính cho đến lớn. Điều này đủ cho chúng ta thấy việc dạy trẻ về cách sử dụng tiền bạc rất được chú trọng ở những nước phát triển. Vì vậy, trách nhiệm của cha mẹ trong thời đại này cần trang bị cho các con một vốn kiến thức về tiền bạc, tài chính thay vì né tránh. Từ đó, trẻ sẽ có trách nhiệm hơn và biết cách tư duy tài chính độc lập và sử dụng tiền một cách hữu ích sau này.

Trong nghiên cứu mối tương quan giữa tài chính và từng độ tuổi, các nhà khoa học đã chỉ ra rằng, độ tuổi thích hợp để cha mẹ có thể tập cho trẻ làm quen với tiền bạc thường nằm trong khoảng từ 4 - 6 tuổi trở lên. Trong độ tuổi này, cha mẹ nên cho trẻ tham gia các trò chơi quan sát và ghi nhớ những mệnh giá tiền khác nhau. Từ đó, giúp trẻ làm quen với “đồ vật lạ lẫm” này.

day-con-cach-quan-ly-tai-chinh-3.jpg
Trẻ sẽ có trách nhiệm hơn và biết cách tư duy tài chính độc lập nhờ làm quen với quản lý tài chính từ nhỏ. Ảnh minh họa.

Theo chị Vũ Ngọc Quỳnh Anh (Alicia Vu) - chuyên gia tư vấn phụ huynh và tâm lý trẻ em, “không lãng phí” được định nghĩa bằng việc mỗi đồng tiền tiêu đi phải mang lại giá trị. Ví dụ: Giá trị tri thức, giá trị tinh thần hay giá trị vật chất.

“Mình đã/đang có thứ tương tự có thể thay thế không? Nếu có, không cần thiết phải tiêu tiền. Nếu đó là thứ mang lại giá trị tinh thần và mình biết chắc sẽ trân trọng, nâng niu, cảm thấy tích cực mỗi lần nhìn thấy nó, thì mình sẽ vẫn chi tiền ngay cả khi đã có thứ tương tự.

Ví dụ như sưu tập búp bê, sổ, cốc… Liệu ngày mai, ngày kia, tháng sau, năm sau mình còn cần đến nó không? Số tiền bỏ ra có tương xứng với giá trị và thời gian sử dụng không? Ví dụ: Mình sẵn sàng mua một cái túi xách đắt tiền kiểu dáng đơn giản mà biết có thể sử dụng mỗi ngày, với nhiều phong cách và sự kiện khác nhau. Nhưng sẽ không mua cái rẻ hơn mà kiểu dáng quá đặc biệt, chỉ dùng cho những sự kiện hiếm khi xảy ra”, chị Quỳnh Anh cho biết.

Cũng theo chuyên gia này, những đồng tiền tiêu vào tri thức thì không bao giờ là lãng phí. Ngay cả khi bỏ cả nhiều tiền ra học rồi không theo nghề, thì cái nhận về vẫn là những tri thức làm nên bản thân của hôm nay và tương lai. Do đó, bản thân chị đã áp dụng tư duy này trong việc dạy con về đồng tiền và chi tiêu.

Thông thường, chị Quỳnh Anh thống nhất với con lúc ở nhà rằng, đi siêu thị để mua đồ ăn, đồ chơi có thể xem, cầm chơi ở đó, đến khi ra tính tiền thì bỏ lại. Nếu con đồng ý thì được đi cùng.

Trong trường hợp bắt buộc phải cho con đi cùng, thì mẹ chỉ thông báo chứ không thỏa thuận. Tuy nhiên, vẫn có nhiều trường hợp con quá thích một thứ gì đó và không làm đúng thỏa thuận.

“Trong trường hợp đó là món đồ con thích đến nỗi lần nào vào siêu thị cũng mân mê, mình thường bảo con có muốn ghi nó vào danh sách quà mong muốn được tặng không. Danh sách đó có thể dùng cho bất kỳ dịp nào gần nhất như sinh nhật, Giáng sinh, mừng con vào trường mới… Sự thật là đến ngày được mang danh sách ra chọn, con thường chả chọn món nào trong đó vì đã… chán rồi”, chị Quỳnh Anh chia sẻ.

Theo chuyên gia này, thế giới chúng ta đang sống là nơi ai cũng sợ mình bỏ lỡ điều gì đó. Vì vậy, chúng ta ra sức mua để lấp đầy nỗi sợ mà không nhận ra mình chẳng cần nó đến thế. Quần áo, túi xách, đồ chơi, rất nhiều thứ mua về có tuổi thọ sử dụng cực ngắn. Vừa tốn kém, vừa thải rác ra môi trường, vừa chiếm dụng không gian sống. Cho bản thân thời gian chờ trước khi quyết định sở hữu thứ gì đó cũng là cách mà người lớn nên làm để không bị cuốn vào những vòng xoáy mua sắm mất kiểm soát.

“Thay vì nói dối con là “nhà mình không có tiền” hay “mẹ hết tiền”, mình tin con có khả năng hiểu được thực tế về việc chi tiêu ở độ tuổi lên 3. Con cũng có quyền được biết về tình hình tài chính gia đình, dù ở độ tuổi này không cần phải chính xác con số. Khi hiểu cách đồng tiền được thu về và chi ra, con sẽ tự cân nhắc được tại sao không nên lãng phí”, chị cho biết.

Khi con lớn hơn một chút, có thể là 7 - 8 tuổi, chị Quỳnh Anh sẽ cho con biết một tháng bố mẹ kiếm được bao nhiêu tiền, các khoản chi tiêu cần bao nhiêu. Chị chia sẻ, thường không bao giờ dạy con bài học tiết kiệm bằng cách nói dối rằng nhà mình rất nghèo. Thay vào đó, chị tôn trọng con như tất cả các thành viên lớn, cho trẻ quyền được biết về kinh tế và cách làm sao để cân đối chi tiêu.

Chuyên gia này nhấn mạnh, sử dụng đồng tiền hiệu quả mới là cách “tiết kiệm” tốt nhất.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ